Hướng dẫn 02/HD-SLĐTBXH thực hiện chế độ ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 02/HD-SLĐTBXH
Ngày ban hành 26/03/2008
Ngày có hiệu lực 26/03/2008
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 02/HD-SLĐTBXH

Đà Nẵng, ngày 26 tháng 03 năm 2008

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN VÀ CON ĐẺ CỦA HỌ BỊ HẬU QUẢ DO NHIỄM CHẤT ĐỘC HÓA HỌC DO MỸ SỬ DỤNG TRONG CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006 và Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 11 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và hướng dẫn bổ sung việc thực hiện ưu đãi đối với người có công cách mạng.

Để đảm bảo việc giải quyết chế độ ưu đãi đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam theo đúng quy định và thống nhất trên địa bàn thành phố; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng hướng dẫn bổ sung một số quy định như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

Đối tượng và điều kiện hưởng chế độ ưu đãi được quy định cụ thể tại Điều 22, Mục 8, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

II. CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

Chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ được quy định tại điều 23 và 25, Mục 8, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

III. HỒ SƠ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

1. Hồ sơ của đối tượng

Hồ sơ của đối tượng được thực hiện theo quy định tại điểm 1.1 và 1.2 khoản 1 mục VII phần I Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH và điểm 3 Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm:

1.1. Bản khai của người bị nhiễm chất độc hóa học theo mẫu (Dùng cho người trực tiếp tham gia kháng chiến (Mẫu 1A) và con đẻ của người tham gia kháng chiến (Mẫu 1B).

1.2. Một trong các giấy tờ gồm: Lý lịch, quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy XYZ xác nhận hoạt động ở chiến trường; giấy chuyển thương, chuyển viện; giấy điều trị; Huân chương, Huy chương chiến sĩ giải phóng hoặc các giấy tờ chứng nhận khác… có ghi rõ thời gian tham gia kháng chiến và địa bàn hoạt động.

1.3. Giấy chứng nhận tình trạng vô sinh của bệnh viện cấp tỉnh (trừ các trường hợp quy định tại tiết b, c, điểm 3 Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).

1.4. Biên bản xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (theo mẫu) của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã (thành phần gồm đại diện: Đảng ủy, HĐND, UBND, các tổ chức đoàn thể: Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên). Biên bản phải có chữ ký và đóng dấu của 3 cơ quan: Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường.

Đối với người tham gia kháng chiến có con đẻ bị dị dạng, dị tật đang hưởng trợ cấp hàng tháng trước năm 2006 thì kèm theo Giấy chứng nhận của UBND xã, phường (Mẫu 2C)

2. Xác định tình trạng dị dạng, dị tật, mức độ suy giảm khả năng lao động và giải quyết chế độ trợ cấp

2.1. Đối với con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Căn cứ tiết d, điểm 3 Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, không thực hiện việc giám định sức khỏe mà căn cứ vào tình trạng dị dạng, dị tật thực tế để xét trợ cấp. Do vậy, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện chủ trì phối hợp với Bệnh viện Đa khoa (Trung tâm y tế) quận, huyện và phòng Thương binh Liệt sỹ-Người có công thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng để xác định tình trạng dị dạng, dị tật và khả năng tự lực trong sinh hoạt (có biên bản xác định theo mẫu).

Sau khi phối hợp với Bệnh viện Đa khoa (Trung tâm y tế) quận, huyện tổ chức xác định tình trạng dị dạng, dị tật và khả năng tự lực trong sinh hoạt, các đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp Giấy chứng nhận con đẻ người tham gia kháng chiến bị dị dạng, dị tật và đề nghị giải quyết trợ cấp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội lập danh sách kèm theo hồ sơ đã được UBND quận, huyện cấp Giấy chứng nhận chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố ra quyết định giải quyết trợ cấp.

2.2. Đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến sinh con dị dạng, dị tật:

Sau khi xem xét hồ sơ con đẻ của người tham gia kháng chiến đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện hướng dẫn để cha, mẹ (nếu cả 2 người đủ điều kiện) lập hồ sơ theo quy định tại điểm 1, Mục III của Hướng dẫn này. Sau khi trình UBND quận, huyện cấp Giấy chứng nhận người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện lập danh sách kèm theo hồ sơ chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu sang Hội đồng giám định y khoa thành phố để xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động (Trừ đối tượng quy định tại tiết a, điểm 3 Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH) làm căn cứ giải quyết chế độ trợ cấp.

Trong quá trình lập hồ sơ giải quyết chế độ ưu đãi người tham gia kháng chiến sinh con bị dị dạng, dị tật, các địa phương lưu ý trường hợp sinh con bị dị dạng, dị tật đã chết trước khi ban hành chế độ trợ cấp (Quyết định 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ) thì phải bổ sung thêm biên bản kiểm thảo tử vong của bệnh viện hoặc giấy khai tử.

2.3. Đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dẫn đến vô sinh:

Trừ đối tượng được quy định tại tiết b và c, điểm 3 Thông tư số 25/2007/TT-BLĐTBXH thì không cần giấy xác nhận vô sinh, còn các đối tượng khác phải có giấy chứng nhận vô sinh của Bệnh viện cấp tỉnh trở lên theo quy định tại Thông tư số 07/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong quá trình xem xét lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học dẫn đến vô sinh cần lưu ý đối với các trường hợp thương binh, bệnh binh nặng (có tỷ lệ thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên) và một số đối tượng khác mặc dù đã có vợ (hoặc chồng) nhưng không có con mà nhận (hoặc xin) con nuôi thì phải có một trong các giấy tờ sau:

+ Giấy khai sinh của con nuôi phải ghi “Cha nuôi” hoặc “Mẹ nuôi”.

+ Nếu Giấy khai sinh không ghi “Cha nuôi” hoặc “Mẹ nuôi” thì Ủy ban nhân dân xã, phường giao cho Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Cán bộ Tư pháp – hộ tịch tổ chức xác minh (phải có Biên bản xác minh), báo cáo Ủy ban nhân dân xã, phường có Biên bản đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp.

[...]