Hướng dẫn 164/HD-SLĐTBXH năm 2015 triển khai giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học sau khi tổng rà soát chưa được hưởng chế độ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang ban hành

Số hiệu 164/HD-SLĐTBXH
Ngày ban hành 20/03/2015
Ngày có hiệu lực 20/03/2015
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Sùng Đại Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UBND TỈNH HÀ GIANG
SỞ LAO ĐỘNG - TBXH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/HD-SLĐTBXH

Hà Giang, ngày 20 tháng 03 năm 2015

 

HƯỚNG DẪN

TRIỂN KHAI GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN VÀ CON ĐẺ CỦA HỌ BỊ NHIỄM CHẤT ĐỘC HÓA HỌC SAU KHI TỔNG RÀ SOÁT CHƯA ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ

Thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - TBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân, Thông tư số 41/2013/TTLT/BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 của Liên Bộ Y tế, Bộ Lao động - TBXH hướng dẫn khám giám định bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - TBXH hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Căn cứ danh sách đối tượng người hoạt động kháng chiến nghi bị phơi nhiễm với chất độc hóa học sau khi tổng rà soát chưa được hưởng chế độ do Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh cung cấp và báo cáo kết quả tổng rà soát của các huyện, thành phố. Sau khi thống nhất với Hội cựu chiến binh tỉnh, Hội nạn nhân chất độc da cam đi ô xin tỉnh, Sở Lao động - TBXH hướng dẫn triển khai giải quyết chế độ cho các đối tượng này như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

Triển khai thực hiện giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học phải đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách quy định. Tuyệt đối không được bỏ sót đối tượng người có công đủ điều kiện, đủ thủ tục hồ sơ mà không được hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước.

II. NỘI DUNG, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN:

1. Nội dung:

- Tiếp tục tuyên truyền phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, tuyên truyền tại các cuộc họp ở UBND cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố về đối tượng, điều kiện xác nhận, thủ tục hồ sơ, trình tự lập hồ sơ giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học để mọi người dân và đối tượng được biết.

- Phát hành tờ rơi, công khai, niêm yết các văn bản hướng dẫn về giải quyết chế độ cho người bị nhiễm chất độc hóa học tại trụ sở UBND cấp xã, trụ sở thôn bản, tổ dân phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng để mọi người dân, đối tượng được biết.

- Hướng dẫn lập hồ sơ giải quyết chế độ cho người bị nhiễm chất độc hóa học.

2. Trình tự thực hiện:

Bước 1:

- Căn cứ danh sách đối tượng nghi bị phơi nhiễm với chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ do Sở Lao động - TBXH chuyển về cho các huyện, thành phố (danh sách này một số đối tượng do Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin của tỉnh cung cấp, một số đối tượng do các huyện, thành phố báo cáo theo kết quả tổng rà soát thực hiện chính sách người có công). Tùy theo điều kiện thực tế của từng địa phương Phòng Lao động - TBXH viết giấy mời mời đối tượng, mời cán bộ Lao động - TBXH cấp xã, cán bộ Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin cấp xã đến Hội trường của huyện, thành phố hoặc mời đến Trung tâm cụm xã để nghe cán bộ Phòng Lao động - TBXH tuyên truyền, hướng dẫn (có hướng dẫn kèm theo) làm thủ tục hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ chất độc hóa học (đề nghị mỗi đối tượng có một giấy mời và mời hết số đối tượng theo danh sách Sở đã gửi cho các Phòng, không để sót đối tượng). Thời gian hoàn thành trước ngày 15/4/2015.

Bước 2:

- Cán bộ Lao động - TBXH cấp xã, cấp huyện phối hợp với cán bộ Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin cấp xã, cấp huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng làm thủ tục hồ sơ đề nghị hưởng chế độ chất độc hóa học.

- Cán bộ Lao động - TBXH cấp xã, Phòng Lao động - TBXH có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ.

+ Trường hợp hồ sơ đúng đối tượng, đủ điều kiện, đủ thủ tục hồ sơ khẩn trương lập danh sách kèm hồ sơ gửi về Phòng Lao động - TBXH, Sở Lao động - TBXH để kiểm tra, thẩm định.

+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định lập danh sách ghi rõ lý do không đủ điều kiện hưởng chế độ như: Không đúng đối tượng, không có giấy tờ theo quy định chứng minh đã tham gia tại chiến trường. Đồng thời có văn bản của UBND cấp xã (đối với hồ sơ đối tượng nộp cho UBND cấp xã qua kiểm tra không đủ điều kiện hưởng) hoặc của Phòng Lao động - TBXH (đối với hồ sơ đối tượng hoặc UBND cấp xã nộp cho Phòng Lao động - TBXH qua kiểm tra không đủ điều kiện hưởng) trả lời rõ cho đối tượng biết lý do không đủ điều kiện hưởng chế độ, gửi một bản về Sở Lao động - TBXH để theo dõi, đồng gửi Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin cấp xã, cấp huyện để phối hợp giải thích trả lời rõ cho đối tượng biết.

- Đối với những trường hợp không có trong danh sách do Sở Lao động - TBXH chuyển về cho các huyện, thành phố, trong quá trình tuyên truyền triển khai đối tượng mới biết và đề nghị giải quyết chế độ chất độc hóa học (đối tượng mới phát sinh) thì các huyện, thành phố hướng dẫn đối tượng làm hồ sơ theo quy định và lập riêng danh sách đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ (đề nghị tách riêng danh sách đối tượng do Sở chuyển về và danh sách đối tượng mới phát sinh) gửi về Sở Lao động - TBXH để tổng hợp.

Thời gian hoàn thành bước 2 trước ngày 10/5/2015.

III. KINH PHÍ:

Kinh phí chi cho việc triển khai các nội dung theo hướng dẫn này do các huyện, thành phố tự cân đối trong nguồn ngân sách được giao năm 2015.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Giao nhiệm vụ cho cán bộ làm công tác Lao động - TBXH và Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin có trách nhiệm nghiên cứu kỹ các văn bản quy định của Nhà nước về giải quyết chế độ trợ cấp chất độc hóa học. Phối hợp tổ chức triển khai thực hiện phổ biến tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân trên địa bàn để biết.

- Cán bộ làm công tác Lao động - TBXH chủ trì phối hợp với cán bộ Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin hướng dẫn đối tượng làm thủ tục hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ của đối tượng, kiểm tra, xác nhận lập danh sách những người có đủ điều kiện và thủ tục hồ sơ theo quy định chuyển Phòng Lao động - TBXH.

Trường hợp không đúng đối tượng, không đủ điều kiện, không đủ thủ tục hồ sơ theo quy định có trách nhiệm lập danh sách ghi rõ lý do không đủ điều kiện hưởng chế độ gửi Phòng Lao động - TBXH, Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin cấp xã, cấp huyện. Đồng thời giải thích, trả lời bằng văn bản cho đối tượng biết rõ lý do, gửi 02 bản văn bản trả lời về Phòng Lao động - TBXH (01 bản để Phòng LĐ-TBXH lưu, 01 bản để Phòng LĐ-TBXH gửi Sở để theo dõi), gửi Hội cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin cấp xã, cấp huyện để cơ sở làm công tác tư tưởng, giải thích nói rõ để đối tượng biết

[...]