Hiệp định 11/2010/SL-LPQT về hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga

Số hiệu 11/2010/SL-LPQT
Ngày ban hành 27/10/2008
Ngày có hiệu lực 22/02/2010
Loại văn bản Điều ước quốc tế
Cơ quan ban hành Chính phủ Cộng hoà Liêng bang Nga,Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Người ký Trần Quốc Thắng,Bô Rítx Pê-Trô-Vich Xi Mô-Nốv
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

BỘ NGOẠI GIAO
-------

 

Số: 11/2010/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2010

 

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ký tại Mát-xcơ-va ngày 27 tháng 10 năm 2008, có hiệu lực từ ngày 22 tháng 02 năm 2010.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Minh Nguyệt

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN BANG NGA VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga, sau đây gọi là các Bên;

Trên cơ sở các nguyên tắc được đề cập trong Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga ký kết ngày 16/6/1994;

Phù hợp Tuyên bố giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về việc thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật ngày 24/11/997;

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ đối với việc phát triển hợp tác cùng có lợi giữa hai Nhà nước;

Hướng tới việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

Mong muốn tạo điều kiện phát triển việc hợp tác đó trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi;

Ghi nhận sự cần thiết phối hợp hành động nhằm ngăn chặn và chấm dứt xâm phạm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Hiệp định này quy định những nguyên tắc chung về hợp tác của các Bên trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 2. Với mục đích của Hiệp định này, các khái niệm sau đây được sử dụng:

“Sở hữu trí tuệ” được hiểu theo nghĩa nêu trong Điều 2 của Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới được ký kết tại Stockholm ngày 14 tháng 7 năm 1967, được sửa đổi ngày 02 tháng 10 năm 1979;

“Sở hữu công nghiệp” được hiểu theo nghĩa nêu tại Điều 1 Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp ký ngày 20 tháng 3 năm 1883, được sửa đổi tại Stockholm ngày 14 tháng 7 năm 1967 và sửa đổi ngày 28 tháng 9 năm 1979;

“Thông tin bí mật” là thông tin có giá trị thương mại thực sự hoặc tiềm năng do người thứ ba không biết, không được pháp luật cho phép tự do tiếp cận và người sở hữu thông tin đó áp dụng các biện pháp bảo mật, bảo đảm cả thông tin về khoa học – kỹ thuật, công nghệ, sản xuất là bí quyết (know how) sản xuất.

Điều 3. Các Bên dành cho nhau sự bảo hộ có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với pháp luật và quy định của Nhà nước mình, cũng như với các điều ước quốc tế mà cả hai Nhà nước của các Bên đều là thành viên.

Điều 4. Việc hợp tác của các Bên trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện bằng các hình thức sau đây, bên cạnh các hình thức khác:

- Xem xét để đưa ra các giải pháp cùng được chấp nhận về các vấn đề liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

- Trao đổi thông tin và kinh nghiệm về các vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

- Trao đổi thông tin về các văn bản pháp luật và quy phạm khác của Nhà nước hai Bên, các tài liệu giảng dạy, phương pháp luận và các tài liệu đặc biệt khác trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

- Phối hợp tổ chức nghiên cứu khoa học chung, hội thảo và hội nghị về các vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;

- Phối hợp đào tạo và nâng cao trình độ cán bộ;

- Thực hiện các hình thức hợp tác khác được cơ quan có thẩm quyền của các Bên thống nhất phù hợp với đến Điều 1 và Điều 6 của Hiệp định này.

Điều 5. Các Bên đưa vào các hiệp định song phương về hợp tác kinh tế – thương mại và khoa học – kỹ thuật các điều khoản về bảo đảm bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ, phân chia quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra và/hoặc được chuyển giao trong quá trình hợp tác này, kể cả quyền sở hữu trí tuệ nhận được trước hoặc ngoài phạm vi hợp tác đó, có tính đến các yếu tố khác nhau, trong đó có:

[...]