Dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính do Quốc hội ban hành

Số hiệu Khongso/DTL
Ngày ban hành 29/05/2015
Ngày có hiệu lực
Loại văn bản Luật
Cơ quan ban hành Quốc hội
Người ký ***
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:       20.../QH13

 

DỰ THẢO 2

 

 

LUẬT

BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật ban hành quyết định hành chính.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Luật này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành quyết định hành chính.

2. Luật này không áp dụng đối với việc ban hành các quyết định hành chính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước; quyết định liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ, thi đua, khen thưởng; quyết định xử lý vi phạm hành chính; quyết định hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vụ việc cạnh tranh và trong hoạt động tố tụng; quyết định hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính bao gồm:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Thủ trưởng các đơn vị được tổ chức theo ngành dọc;

b) Ủy ban nhân dân các cấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

c) Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước.

2. Đối tượng thi hành quyết định hành chính; tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành quyết định hành chính.

Điều 3. Quyết định hành chính

Quyết định hành chính là văn bản áp dụng pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật này ban hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm giải quyết vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, nghĩa vụ, lợi ích của một, một số đối tượng xác định hoặc nhằm giải quyết một vấn đề liên quan đến lợi ích cộng đồng, được nhà nước bảo đảm thực hiện.

Điều 4. Nguyên tắc ban hành quyết định hành chính

1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp.

2. Bảo đảm ban hành đúng chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, phạm vi lãnh thổ theo quy định của pháp luật.

3. Bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan, hợp lý, khả thi, kịp thời trong ban hành và thi hành quyết định hành chính.

4. Bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính do Luật này và pháp luật chuyên ngành quy định.

5. Bảo đảm công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

Điều 5. Hình thức, nội dung, thể thức và kỹ thuật trình bày của quyết định hành chính

1. Quyết định hành chính thể hiện bằng các hình thức sau đây:

a) Quyết định;

b) Quyết định ban hành kèm theo Giấy chứng nhận, Giấy phép, Giấy đăng ký, Chứng chỉ, các loại văn bằng;

c) Các loại hình thức khác do luật định.

[...]