Công văn 934/BHXH-DVT năm 2014 về quản lý, thanh toán thuốc Erythropoietin do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 934/BHXH-DVT
Ngày ban hành 20/03/2014
Ngày có hiệu lực 20/03/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Minh Thảo
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 934/BHXH-DVT
V/v quản lý, thanh toán thuốc Erythropoietin

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 2014

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;
- Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến.

- Ngày 21/02/2014, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã có Công văn số 540/BHXH-DVT xin ý kiến Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý, thanh toán chi phí thuốc Erythropoietin, tuy nhiên đến nay, chưa nhận được ý kiến của Bộ Y tế.

Trong khi chờ BHXH Việt Nam tiếp tục xin ý kiến Bộ Y tế, Bộ Tài chính, để tránh tình trạng lạm dụng quỹ BHYT đối với thuốc Erythropoietin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạm thời hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng và Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến (sau đây gọi chung là BHXH tỉnh) thống nhất với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thực hiện quản lý, thanh toán chi phí thuốc Erythropoietin như sau:

1. Quản lý việc lựa chọn thuốc trong quá trình đấu thầu mua thuốc:

Hiện tại trên thị trường lưu hành thuốc Erythropoietin, tiêm dưới các hàm lượng như 1000 UI, 2000 UI, 3000 UI, 4000 UI, 5000 UI, 6000 UI và 10 000 UI, tuy nhiên hàm lượng lưu hành phổ biến là 1000 UI, 2000 UI, 4000 UI với các dạng bào chế bao gồm “bột đông khô để pha tiêm” hoặc “dung dịch tiêm”. Trong đó dạng thuốc “bột đông khô để pha tiêm” được đóng gói trong “lọ” và “dung dịch tiêm” được đóng gói trong “lọ/ống” hoặc “bơm tiêm/ syringe”.

Việc chỉ ghi đích danh “bột đông khô để pha tiêm”, lọ hoặc “dung dịch tiêm”, lọ/ống hoặc “dung dịch tiêm” đóng gói sẵn trong “bơm tiêm/ syringe” của một số hàm lượng thuốc dẫn đến hạn chế nhà thầu tham dự, do vậy có thể làm giá thuốc trúng thầu cao, trong khi chưa có cơ sở để khẳng định thuốc được đóng sẵn trong “bơm tiêm/ syringe” làm tăng hiệu quả điều trị của thuốc so với việc thuốc được đóng gói trong “lọ/ống” (Phụ lục 1, 2 và Phụ lục 3 kèm theo Công văn).

Do vậy để đảm bảo hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, đối với kế hoạch đấu thầu và hồ sơ mời thầu mua thuốc Erythropoietin, tiêm sử dụng cho bệnh nhân BHYT, và một số nội dung ghi thông tin của thuốc thống nhất như sau:

- Nồng độ hoặc hàm lượng: chỉ ghi các hàm lượng theo yêu cầu sử dụng của cơ sở KCB, như 1000 UI, 2000 UI, 4000 UI. Với các hàm lượng không phổ biến, cơ sở KCB cần nghiên cứu chất lượng, giá cả thuốc thật sự phù hợp để tránh tình trạng tạo điều kiện chỉ định thầu, giá thành cao bất hợp lý.

- Dạng bào chế: đơn vị chỉ ghi “bột đông khô để pha tiêm hoặc dung dịch tiêm”. Không ghi quy cách đóng gói đặc biệt để hạn chế nhà thầu, giá thuốc cao bất hợp lý.

- Đơn vị tính: đơn vị ghi đầy đủ các lựa chọn bao gồm lọ hoặc ống hoặc bơm tiêm. Việc đóng gói sẵn dưới dạng “bơm tiêm” chỉ được đưa vào xét ưu tiên khi các thuốc của các nhà sản xuất khác nhau có cùng “giá đánh giá” trong quá trình xét lựa chọn nhà thầu.

2. Quản lý thanh toán thuốc sau khi có kết quả đấu thầu thuốc:

- Giá thuốc thanh toán BHYT: Đối chiếu Phụ lục 4 kèm theo Công văn này để thực hiện thanh toán chi phí thuốc BHYT.

Đối với trường hợp giá thuốc tại cơ sở KCB cao bất hợp lý so với giá thuốc trúng thầu phổ biến theo tên thương mại, giá thuốc trúng thầu phổ biến theo nhóm thuốc (giá trúng thầu phổ biến năm 2013 của thuốc Erythropoietin, tiêm theo một số nhóm thuốc, cụ thể như sau: 112.000 đồng/ hàm lượng 1000 UI, nhóm 3; hàm lượng 2000 UI: 180.000 đồng/nhóm 2, 173.766 đồng/nhóm 3; 285.000 đồng/ hàm lượng 4000 UI, nhóm 3), BHXH tỉnh phối hợp cùng với Sở Y tế, cơ sở KCB xác định rõ nguyên nhân để nghiêm túc rút kinh nghiệm và báo cáo về BHXH Việt Nam trước ngày 31/3/2014.

Về thanh toán thuốc đã nhập: Cơ quan BHXH không thanh toán chi phí thuốc theo mức giá cao bất hợp lý, đặc biệt khi nguyên nhân giá thuốc cao bất hợp lý là do thông tin của thuốc trong kế hoạch đấu thầu, trong hồ sơ mời thầu gây hạn chế nhà thầu. BHXH tỉnh đề nghị Sở Y tế, cơ sở KCB thống nhất với nhà thầu điều chỉnh giá thuốc về mức phù hợp, trước mắt tạm điều chỉnh từ thời điểm 01/01/2014.

- Sử dụng thuốc trong thanh toán BHYT: Thống nhất với cơ sở KCB chỉ định và sử dụng hợp lý đối với thuốc Erythropoietin, tiêm, lưu ý liều lượng sử dụng thuốc trong điều trị thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mãn dựa vào tình trạng người bệnh, đáp ứng của người bệnh khi sử dụng thuốc,… (trong khi chưa có phác đồ chuẩn do Bộ Y tế ban hành, tham khảo phác đồ điều trị suy thận mãn của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy).

3. Báo cáo việc sử dụng thuốc trong năm 2013:

Đề nghị BHXH tỉnh phối hợp với các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn thực hiện thống kê, báo cáo việc sử dụng thuốc Erythropoietin, tiêm trong năm 2013 (theo Phụ lục 5, Phụ lục 6 đính kèm) về BHXH Việt Nam trước ngày 31/3/2014 đồng thời bằng văn bản và file dữ liệu (file dữ liệu gửi đồng thời theo 2 địa chỉ banduocvtyt@vss.gov.vnduocqlt@gmail.com./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Y tế; Bộ Tài chính (để b/c);
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- UBND các tỉnh, Tp. trực thuộc TW;
- Các bệnh viện trực thuộc BYT;
- Sở Y tế các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Các Ban CSYT, TCKT, KT;
- Website BHXH VN;
- Lưu: VT, DVT.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Minh Thảo

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ