Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 9098/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc hướng dẫn đánh giá ngoài trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 9098/BGDĐT-KTKĐCLGD
Ngày ban hành 13/10/2009
Ngày có hiệu lực 13/10/2009
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn An Ninh
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 9098/BGDĐT-KTKĐCLGD
V/v Hướng dẫn đánh giá ngoài trường ĐH, CĐ, TCCN

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2009

 

Kính gửi:

- Các đại học, học viện;
- Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp;
- Các đoàn chuyên gia đánh giá ngoài.

 

Căn cứ Quyết định số 76/2007/QĐ-BGDĐT ngày 14/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (sau đây gọi chung là trường), các nội dung liên quan đến thành phần, trách nhiệm, nhiệm vụ của đoàn chuyên gia đánh giá ngoài và các hoạt động của đoàn được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Thành phần, trách nhiệm và tiêu chuẩn của các thành viên đoàn chuyên gia đánh giá ngoài

Điều 12 của Quyết định 76/2007/QĐ-BGDĐT quy định thành phần, nhiệm vụ và tiêu chuẩn đoàn chuyên gia đánh giá ngoài.

Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài có từ 5 đến 7 thành viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập, bao gồm Trưởng đoàn, Thư ký, một thành viên thường trực và từ 2 đến 4 thành viên khác.

Trưởng đoàn, hiện nay hoặc trước đây, là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng (sau đây gọi là Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng) của một trường tương ứng với trường được đánh giá, hoặc giữ các chức vụ quản lý có liên quan ở vị trí tương tương hoặc cao hơn, có kinh nghiệm triển khai các hoạt động đánh giá.

Trưởng đoàn chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của đoàn; chịu trách nhiệm chính trong việc lập kế hoạch công tác của đoàn, phân công nhiệm vụ cho thư ký và các thành viên khác của đoàn; đảm bảo thực hiện kế hoạch khảo sát tại trường và điều hành các hoạt động của đoàn; thay mặt đoàn thông báo và thảo luận với trường về kết quả khảo sát, những nhận định và khuyến nghị của đoàn đối với nhà trường; chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ tự đánh giá, báo cáo kết quả khảo sát tại trường và báo cáo đánh giá ngoài của đoàn; tập hợp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động của đoàn và chuyển cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để lưu trữ sau khi kết thúc đợt đánh giá ngoài; chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ việc giải trình các yêu cầu khiếu nại hoặc chất vấn có liên quan đến hoạt động của đoàn.

Thư ký là người am hiểu về kiểm định chất lượng giáo dục.

Thư ký có nhiệm vụ giúp Trưởng đoàn triển khai các hoạt động và chuẩn bị báo cáo của đoàn; tham gia các hoạt động theo kế hoạch chung của đoàn và thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công, bao gồm tập hợp các hồ sơ, tài liệu của đoàn để phục vụ cho việc viết báo cáo đánh giá của đoàn, ghi chép nội dung các buổi thảo luận chung của đoàn, tham gia viết các báo cáo của đoàn và hoàn thiện báo cáo chính thức, thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Trưởng đoàn.

Thành viên thường trực là người am hiểu về kiểm định chất lượng giáo dục.

Thành viên thường trực có nhiệm vụ cùng với Thư ký giúp Trưởng đoàn làm công tác chuẩn bị và triển khai hoạt động đánh giá ngoài; thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Trưởng đoàn, kể cả việc liên hệ với trường để thống nhất lịch làm việc; chuẩn bị phương tiện đi lại, đặt chỗ khách sạn, chuẩn bị văn phòng phẩm và các công tác hậu cần của đoàn.

Các thành viên còn lại gồm có từ 2 đến 4 chuyên gia từ các trường, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc nhà tuyển dụng lao động tương ứng với lĩnh vực đào tạo của trường được đánh giá. Các thành viên có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công, bao gồm: tham gia các hoạt động theo kế hoạch chung của đoàn và thực hiện các nhiệm vụ do Trưởng đoàn phân công; tham gia hoàn thiện báo cáo chính thức của đoàn;

Tiêu chuẩn của các thành viên đoàn chuyên gia đánh giá ngoài được quy định tại khoản 2 Điều 12 Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.

2. Công tác chuẩn bị cho hoạt động của đoàn chuyên gia đánh giá ngoài

a) Sau khi có quyết định thành lập đoàn chuyên gia đánh giá ngoài, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục gửi hồ sơ tự đánh giá cho đoàn chuyên gia đánh giá ngoài (xem mục 4.1.a Phụ lục 1).

b) Thành viên của đoàn chuyên gia đánh giá ngoài có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ tự đánh giá và thực hiện các công việc sau:

- Đọc và rà soát toàn bộ cấu trúc của bản báo cáo tự đánh giá và nghiên cứu các tài liệu liên quan;

- Đối chiếu kết quả tự đánh giá với các tiêu chí đánh giá chất lượng và văn bản hướng dẫn tự đánh giá, phát hiện những tiêu chí bị bỏ sót hoặc chưa được đánh giá đầy đủ.

- Viết báo cáo sơ bộ (khoảng 3 trang) với các nội dung được quy định tại mục 4.1.b Phụ lục 1 và gửi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục hoặc đơn vị được ủy quyền tổ chức đánh giá ngoài.

c) Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục hoặc đơn vị được ủy quyền tổ chức đánh giá ngoài đảm bảo mỗi thành viên đoàn chuyên gia đánh giá ngoài phải có thẻ làm việc của đoàn. Thẻ phải có ít nhất các nội dung sau: Tiêu đề “Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài”, họ và tên, vai trò (Trưởng đoàn, Thư ký, thành viên); các thành viên của đoàn khi đến trường làm việc phải đeo thẻ. Nếu đoàn đánh giá ngoài có sử dụng ôtô làm phương tiện đi lại của đoàn thì ôtô phải có biển “Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài”.

3. Nghiên cứu hồ sơ tự đánh giá

a) Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài làm việc tập trung trong 2-3 ngày để nghiên cứu hồ sơ tự đánh giá của trường đăng ký kiểm định chất lượng khi có đủ 2 điều kiện sau:

- Có đủ báo cáo sơ bộ của tất cả các thành viên của đoàn;

- Có ít nhất 2/3 số thành viên của đoàn có mặt, trong đó có trưởng đoàn và thư ký.

b) Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài thực hiện các công việc sau:

- Nghiên cứu, trao đổi các bản báo cáo sơ bộ của các thành viên trong đoàn;

- Phân công nghiên cứu sâu các tiêu chí (mỗi thành viên được phân công nghiên cứu từ 6 đến 12 tiêu chí, tập trung vào một hoặc hai tiêu chuẩn, xem mục 4.2.a Phụ lục 1). Kết quả nghiên cứu sâu các tiêu chí được ghi vào Phiếu đánh giá tiêu chí (Phụ lục 2).

[...]