Công văn 893/SGDĐT-CTTT-KHCN năm 2022 về thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội ban hành
Số hiệu | 893/SGDĐT-CTTT-KHCN |
Ngày ban hành | 07/04/2022 |
Ngày có hiệu lực | 07/04/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Người ký | Trần Lưu Hoa |
Lĩnh vực | Giáo dục,Thể thao - Y tế |
UBND THÀNH PHỐ HÀ
NỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 893/SGDĐT-CTTT-KHCN |
Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2022 |
Kính gửi: |
-
Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã; |
Thực hiện Kế hoạch số 353/KH-BGDĐT ngày 29/3/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thích ứng với tình hình dịch COVID-19, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng; Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 31/3/2022 của UBND Thành phố về việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về tổ chức dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19
- Tổ chức phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo Thành phố phòng, chống dịch COVID-19 và các hướng dẫn của ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế về tổ chức các hoạt động dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID -19 và thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 gắn với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh, học viên, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và phụ huynh học sinh trong việc thực hiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường, cơ sở giáo dục.
- Tăng cường tuyên truyền tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, nhất là phụ huynh học sinh trong việc tổ chức dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19 có thể còn kéo dài.
2. Chủ động, linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, bảo đảm thích ứng an toàn, chất lượng với dịch COVID-19
- Xây dựng các phương án tổ chức chăm sóc, dạy học thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19 để hoạt động giáo dục được thực hiện liên tục trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
- Chủ động, linh hoạt chuyển đổi, áp dụng các hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, trên truyền hình hoặc kết hợp các hình thức dạy học phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh tại địa phương.
- Xây dựng phương án bảo đảm chương trình, nội dung dạy học cho học sinh trong trường hợp áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình hoặc kết hợp giữa dạy học trực tiếp với dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; thực hiện đúng các hướng dẫn về nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và đối tượng học sinh, tránh gây áp lực, quá tải cho học sinh, giáo viên.
- Xây dựng phương án bảo đảm chất lượng đào tạo cho học sinh, học viên trong trường hợp áp dụng hình thức dạy học trực tuyến; ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, học viên đối với các nội dung thực hành, thí nghiệm.
- Tăng cường áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, đào tạo và phù hợp với việc áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học trong điều kiện dịch bệnh.
- Áp dụng linh hoạt các phương thức thi, kiểm tra, đánh giá học sinh, học viên theo yêu cầu cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học thích ứng với tình hình dịch bệnh, không gây áp lực quá tải và bảo đảm quyền lợi cho học sinh, học viên.
3. Bảo đảm an toàn khi tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục
- Cập nhật thường xuyên tình hình dịch tại địa phương để xây dựng triển khai thực hiện linh hoạt kế hoạch giáo dục và chuyển đổi hình thức dạy học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
- Xây dựng phương án, kịch bản xử lý các tình huống xuất hiện dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học; chủ động xử lý khi có các trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, theo hướng dẫn của ngành Y tế, tránh xử lý cực đoan, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong nhà trường; sẵn sàng phương án chuyển sang dạy học trực tuyến, trên truyền hình khi dịch có diễn biến phức tạp.
- Phối hợp với ngành Y tế trong triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 bảo đảm đủ liều, đúng đối tượng cho trẻ em, học sinh, học viên; thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng dịch, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu bảo đảm an toàn, vệ sinh trường học trong tình hình mới tại nhà trường.
- Tiếp tục triển khai hiệu quả Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học; sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học và các quy định khác về phòng, chống dịch trong trường học; hướng dẫn trẻ em, học sinh, học viên các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm bảo đảm an toàn khi tổ chức dạy học trực tiếp tại nhà trường, cơ sở giáo dục góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh.
- Theo dõi, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em, học sinh, học viên tại trường học; phối hợp chặt chẽ với gia đình trong theo dõi, quản lý sức khỏe của người học để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời.
- Rà soát, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế trường học (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm); bảo đảm mỗi nhà trường, cơ sở giáo dục có đầu mối thường trực phối hợp với y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe học sinh.
4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục để tổ chức linh hoạt, hiệu quả các hình thức dạy học
- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông để bảo đảm cung cấp nền tảng dạy học trực tuyến ổn định.
- Phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, tài liệu, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho hầu hết các môn học.
- Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá và nghiên cứu khoa học; triển khai một số nền tảng số dạy và học trực tuyến với các tính năng tiên tiến hỗ trợ học tập cá thể hóa và tăng cường trải nghiệm; tăng cường kiểm tra, thi trên máy tính và trực tuyến; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường và mạng lưới thiết bị kết nối Internet.
- Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nâng cao năng lực số đối với người học, người dạy, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ cán bộ phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.
5. Hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh, học viên
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và cha mẹ học sinh về ý nghĩa, vai trò của tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài. Phát huy vai trò của cha mẹ học sinh trong việc giám sát, đồng hành tư vấn và hỗ trợ học sinh khắc phục khó khăn trong học tập.