Công văn 8919/BNN-KH năm 2021 về chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 8919/BNN-KH
Ngày ban hành 28/12/2021
Ngày có hiệu lực 28/12/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8919/BNN-KH
V/v trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện - Ủy ban thường vụ Quốc hội chuyển đến theo công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 53)

Cử tri kiến nghị tiếp tục quan tâm ban hành chính sách ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để các khu vực nông thôn và người nông dân mở rộng các vùng sản xuất tập trung, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp bền vững và rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:

1. Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017-2020 và 2021-2025; trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,62%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 190,3 tỷ USD, năm 2020 đạt mức cao kỷ lục 41,36 tỷ USD. Năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị của hầu hết các loại nông sản đều tăng mạnh, nhất là tôm, cá tra, cà phê, hồ tiêu, lúa gạo, sắn, rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ...

Để đạt được những kết quả đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong 5 năm 2016 - 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, Quốc hội đã ban hành 6 Luật1 (giai đoạn 2011 - 2015 ban hành 3 Luật), Chính phủ ban hành 53 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 Quyết định, Bộ ban hành 205 văn bản về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách được ban hành đã và đang phát huy hiệu quả, đặc biệt trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, tạo điều kiện để các khu vực nông thôn và người nông dân mở rộng các vùng sản xuất tập trung, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, góp phần cơ cấu lại nông nghiệp bền vững và rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, cụ thể như sau:

- Các chính sách về đất đai đã tập trung rà soát, nghiên cứu tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; trong đó, trọng tâm là hoàn thiện luật pháp liên quan về đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; phát triển thị trường quyền sử dụng đất, bao gồm cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó mà các địa phương đã chủ động thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, tăng hạn mức sử dụng đất tháo gỡ nút thắt “hạn điền”, giai đoạn 2016-2020 đã chuyển đổi được gần 470 ngàn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trên cơ sở đó, tăng cường liên kết giữa hộ nông dân, tổ chức của nông dân và nhà đầu tư để tích hợp đa giá trị trong sản xuất tập trung, quy mô lớn, gắn với vùng nguyên liệu, thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số; nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Các chính sách về khoa học công nghệ trong nông nghiệp tiếp tục được coi là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị kinh tế, tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Giai đoạn vừa qua, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN đã làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp; các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%; góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, trong đó có nhiều diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap và tương đương... Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt đã tăng gấp 1,28 lần, đạt 102,8 triệu đồng năm 2023; trên 1ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đã tăng gấp 1,51 lần. Các số liệu trên cho thấy việc thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

- Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới cũng đã góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm. Đến hết năm 2020, cả nước có 5.157/8.267 xã (62,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cũng đạt được nhiều kết quả tích cực với 4.919 sản phẩm OCOP được phân hạng đạt 3 sao trở lên. Các địa phương đã phát triển được trên 22.000 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, gắn xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, theo chuỗi liên kết; gắn với du lịch sinh thái... Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 1,9 lần so với năm 2015, từ mức 22,6 triệu năm 2015 lên khoảng 43 triệu đồng/người năm 2020.

2. Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, bền vững, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xác định cụ thể mục tiêu, định hướng, những giải pháp đồng bộ và đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, trong đó tiếp tục ưu tiên vào các giải pháp về cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai; giải pháp về khoa học công nghệ, xây dựng nông thôn mới, cụ thể tập trung theo hướng:

- Hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng thúc đẩy tập trung tích tụ đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân. Tạo điều kiện cho nông dân sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp, bao gồm cả đất trồng lúa để đạt thu nhập cao hơn. Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng công khai minh bạch trong xây dựng và triển khai quy hoạch đất đai, trong đó có đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tập trung tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Xây dựng và phát triển Trung tâm phát triển Quỹ đất là nền tảng để xây dựng thị trường đất nông nghiệp và phát huy quyền tài sản đối với đất nông nghiệp...

- Tiếp tục nghiên cứu các chính sách nhằm nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững của ngành. Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành.

Đổi mới cơ chế quản lý, chuyển giao khoa học công nghệ và khuyến nông, khuyến khích tối đa các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường; xã hội hóa hoạt động khoa học, công nghệ; phát triển thị trường khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

- Ưu tiên phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ nông thôn để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới, trong đó xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới thông minh ở các cấp. Xây dựng môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững; đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống. Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thu hẹp khoảng cách của người dân nông thôn với thành thị...

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng; trân trọng cảm ơn thành phố Hải Phòng đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, KH.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 



1 Luật Thủy lợi số 08/2017/QH14; Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14; Luật Thủy sn số 18/2017/QH14; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai.

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ