Công văn 7870/BTC-CST năm 2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thiết bị máy móc cho nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 7870/BTC-CST
Ngày ban hành 16/07/2021
Ngày có hiệu lực 16/07/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trương Bá Tuấn
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7870/BTC-CST
V/v chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thiết bị máy móc cho nông nghiệp

Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2021

 

Kính gửi: Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP.

Bộ Tài chính nhận được được công văn số 337/VEAM-KT ngày 13/5/2021 của Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) kiến nghị về chính sách nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất thiết bị máy móc cho nông nghiệp. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về kiến nghị sửa đổi mặt hàng máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) thành đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0% hoặc 5%

Theo quy định của pháp luật thuế GTGT hiện hành có 3 mức thuế suất thuế GTGT: Mức thuế suất thuế GTGT 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất thuế GTGT 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp; mức thuế suất thuế GTGT 10% áp dụng đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế GTGT còn lại. Pháp luật về thuế GTGT không có quy định miễn, giảm thuế GTGT.

Kiến nghị chuyển mặt hàng máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 0% là chưa phù hợp với chính sách hiện hành cũng như thông lệ quốc tế. Bộ Tài chính ghi nhận kiến nghị của VEAM về việc chuyên mặt hàng máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp sang đối tượng chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% và sẽ phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội có liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật thuế GTGT trong thời gian tới.

2. Về kiến nghị giảm thuế nhập khẩu linh kiện phụ tùng không đồng bộ dùng để sản xuất lắp ráp động cơ, máy nông nghiệp từ 10% - 20% như hiện hành xuống thành 0% đến 5%

Hiện nay, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có linh kiện, phụ tùng dùng để sản xuất, lắp ráp động cơ, máy nông nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định số 57/2020/NĐ-CP) và các Nghị định của Chính phủ ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Việc quy định các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi nêu trên được thực hiện căn cứ các nguyên tắc quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 (Điều 10) và phù hợp với các cam kết quốc tế. Cụ thể, tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đã quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp đối với hàng hóa nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu; quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa trong nước đã sản xuất được để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các mặt hàng này và cơ bản quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của bộ phận, linh kiện, phụ tùng, thiết bị thấp hơn hoặc bằng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi sản phẩm nguyên chiếc. Đồng thời, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 cũng đã quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu.

Theo đó, đề nghị VEAM căn cứ vào các quy định của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP nêu trên để thực hiện. Ngoài ra, hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN- Trung Quốc (ACFTA); Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)... Trong đó, có nhiều dòng hàng có mức thuế suất thuế nhập khẩu được cắt giảm về 0% hoặc ở mức thấp. VEAM có thể tìm kiếm các thị trường nhập khẩu mặt hàng này từ các quốc gia, khu vực đã có ký kết Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Trường hợp VEAM có kiến nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng sản xuất máy nông nghiệp thì cần nêu rõ tên gọi, mã số hàng hóa (mã HS), đặc điểm của các linh kiện, phụ tùng cũng như hiện trạng, khả năng sản xuất của đơn vị, để Bộ Tài chính có cơ sở và thông tin xem xét, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi trong thời gian tới.

3. Về kiến nghị áp dụng các chính sách ưu đãi cho công nghiệp phụ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng máy nông nghiệp tương tự như chính sách thuế TNDN áp dụng cho doanh nghiệp FDI mới đầu tư tính từ thời điểm hiệu lực của Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, có hiệu lực kể từ ngày ký

Pháp luật về thuế TNDN (Luật số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008, Luật số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 các văn bản hướng dẫn thực hiện) đã có quy định ưu đãi đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng máy nông nghiệp, cụ thể như sau:

- Điều 13, Điều 14 Luật số 14/2008/QH12 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 32/2013/QH13 và Luật số 71/2014/QH13) đã quy định:

+ Áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong 15 năm, miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí: Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao; hoặc sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da- giấy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 01/01/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương.

+ Áp dụng thuế suất 17% trong thời gian 10 năm, miễn thuế tối đa không quá 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 04 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

- Ngoài ra, ngày 04/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định về ưu đãi thuế TNDN đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, trong đó đã quy định: Doanh nghiệp có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 01/01/2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi về thuế TNDN như sau:

+ Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này chưa được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

+ Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này đã hưởng hết ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

+ Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Như vậy, chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành đã có quy định chính sách ưu đãi thuế theo điều kiện ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn mà dự án đầu tư của doanh nghiệp đáp ứng, không phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, đề nghị VEAM căn cứ vào các quy định của pháp luật về thuế TNDN nêu trên để thực hiện.

4. Về kiến nghị ban hành những chính sách thiết thực, cụ thể về vay vốn để hỗ trợ cho bà con nông dân đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản như được miễn lãi suất 2 năm đầu

- Về chính sách tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH): Trong thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều chính sách cho vay vốn để hỗ trợ con nông dân (bao gồm đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp) do Ngân hàng CSXH thực hiện, có lãi suất ưu đãi như: Chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo hiện theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình tín dụng đối với hộ gia đình, sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn thực hiện theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, đề nghị VEAM nghiên cứu, phổ biến các chính sách này và hướng dẫn khách hàng liên hệ với Ngân hàng CSXH để được hướng dẫn thực hiện trong trường hợp thuộc đối tượng vay vốn tại các chính sách nêu trên.

- Về chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước: Tại điểm 1 mục II Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước có quy định: Dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy hải sản sử dụng công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhóm A, B thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, trường hợp các dự án đầu tư nhà máy chế biến thủy hải sản nói trên đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng phát triển Việt Nam. Theo đó, việc ưu đãi tín dụng đề nghị thực hiện theo các chính sách hiện hành.

5. Về kiến nghị hỗ trợ các đề tài thiết kế và đổi mới công nghệ máy nông nghiệp, chi phí mua bản quyền, chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ máy nông nghiệp

Ngày 17/4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó, Điều 8 đã quy định về tiếp cận, hỗ trợ, tín dụng và Điều 9 quy định về hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Tại điểm c, khoản 1, mục III Thông báo số 132/TB-VPCP ngày 29/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận về việc bố trí nguồn lực để thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP như sau: “Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương chủ động cân đối bố trí nguồn lực để thực hiện quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 2989/BKHĐT-KTNN ngày 20/5/2021 lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Trường hợp cần thiết bổ sung kinh phí và các chính sách hỗ trợ tại dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, đề nghị VEAM có ý kiến tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.

6. Về các kiến nghị khác (Về hỗ trợ đề tài thiết kế, đổi mới công nghệ, chi phí mua bản quyền, chuyển giao công nghệ sản xuất động cơ máy nông nghiệp; Về cấm nhập khẩu động cơ Diesel1 xi lanh đã qua sử dụng; Về gia hạn Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg) không thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính nên đề nghị VEAM liên hệ với các bộ, cơ quan quản lý ngành để được trả lời cụ thể.

Bộ Tài chính trả lời để VEAM được biết, thực hiện./.

[...]