Công văn 817/BTTTT-VP năm 2024 trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 817/BTTTT-VP
Ngày ban hành 11/03/2024
Ngày có hiệu lực 11/03/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Mạnh Hùng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 817/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 11 tháng 3 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 1611/BDN ngày 23/11/2023, sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

Câu 1: Cử tri cho rằng dự thảo Luật Viễn thông được xây dựng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp viễn thông, chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi của khách hàng. Do đó, cử tri góp ý bổ sung dự thảo Luật một số nội dung, cụ thể như sau:

- Điều 1: đề nghị bổ sung quy định đại lý viễn thông có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tiết lộ bí mật thông tin khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào.

- Điều 6: đề nghị bổ sung quy định về doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm yêu cầu cá nhân, tổ chức có liên quan và nhân viên trong tổ chức của mình cam kết không tiết lộ bí mật thông tin mà họ biết được và doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Điều 13: đề nghị bổ sung quy định về doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và liên đới bồi thường thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp viễn thông cung cấp; có trách nhiệm liên đới và có trách nhiệm trước pháp luật về việc tiết lộ bí mật thông tin của khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào.

- Điều 63: đề nghị bổ sung quy định về doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bồi thường trực tiếp, gián tiếp cho khách hàng do việc cung cấp dịch vụ viễn thông không đảm bảo thời gian và chất lượng gây ra.

Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2023, theo đó liên quan đến các nội dung kiến nghị của cử tri trong Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh sửa như sau:

- Về đề nghị bổ sung quy định đại lý viễn thông có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tiết lộ bí mật thông tin khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào.

Tại điểm đ, khoản 1, Điều 15 Luật Viễn thông (sửa đổi) đã có quy định về việc người sử dụng dịch vụ viễn thông được bảo đảm bí mật thông tin riêng theo quy định của pháp luật. Các đại lý viễn thông do vậy phải tuân thủ các quy định liên quan đến bảo vệ bí mật thông tin của người sử dụng theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Luật An ninh mạng, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP...).

- Về đề nghị bổ sung quy định về doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm yêu cầu cá nhân, tổ chức có liên quan và nhân viên trong tổ chức của mình cam kết không tiết lộ bí mật thông tin mà họ biết được và doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tại Điều 6 Luật Viễn thông (sửa đổi) đã có quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo đảm bí mật thông tin, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm với hoạt động của doanh nghiệp mình nên tự có trách nhiệm yêu cầu nhân viên trong tổ chức của mình đảm bảo thực hiện đúng quy định

- Về đề nghị bổ sung quy định về doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và liên đới bồi thường thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp viễn thông cung cấp; có trách nhiệm liên đới và có trách nhiệm trước pháp luật về việc tiết lộ bí mật thông tin của khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào.

Việc xử lý vi phạm trong trường hợp tiết lộ bí mật thông tin của khách hàng được quy định theo pháp luật có liên quan như Luật An ninh mạng, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử...

- Về đề nghị bổ sung quy định về doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm bồi thường trực tiếp, gián tiếp cho khách hàng do việc cung cấp dịch vụ viễn thông không đảm bảo thời gian và chất lượng gây ra.

Khoản 2, Điều 62 của Luật Viễn thông (sửa đổi) quy định “Doanh nghiệp viễn thông không phải bồi thường thiệt hại gián tiếp hoặc nguồn lợi không thu được do cung cấp dịch vụ viễn thông không bảo đảm thời gian và chất lượng” là phù hợp với thực tế vì việc xác định thiệt hại gián tiếp do việc cung cấp dịch vụ viễn thông không bảo đảm thời gian và chất lượng là khó khả thi. Quy định này cũng bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng trong việc thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa doanh nghiệp viễn thông và người sử dụng. Khoản 3, Điều 62 đã có quy định doanh nghiệp có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng thiệt hại vật chất trực tiếp do lỗi của mình gây ra, trừ trường hợp bất khả kháng. Các quy định về bồi thường phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự.

Câu 2: Cử tri tiếp tục kiến nghị có biện pháp triệt để giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác để lừa đảo, quảng cáo không đúng sự thật,... gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Nhằm tăng cường quản lý SIM điện thoại, giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định (SIM rác) thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác và các hành vi vi phạm pháp luật (giả danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp gọi điện, nhắn tin cho người dân để đe dọa, dụ dỗ với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; quảng cáo không đúng sự thật... vẫn còn diễn ra) gây phiền hà cho người dân. Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã triển khai các giải pháp:

- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn, 50.000 thuê bao lừa đảo.

- Năm 2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 10 triệu thuê bao thuộc tập sử dụng 01 giấy tờ tùy thân để đứng tên hơn 10 SIM/01 giấy tờ, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác.

- Ngày 24/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), các điều, khoản trong Luật đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.

- Bộ TTTT cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Bổ sung hình thức xử phạt là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 01 tháng đến 12 tháng nếu thực hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Đây là hình thức xử phạt rất nặng, nghiêm minh đối với các doanh nghiệp viễn thông.

- Vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website: https://thongbaorac.ais.gov.vn.

- Tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo.

Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sau:

- Triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM, quy định trách nhiệm đối với thuê bao đăng ký sở hữu >3 SIM, quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác, nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.

- Phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước, góp phần xác định thuê bao chính chủ.

[...]