Công văn 783/BGDĐT-GDTrH năm 2022 về việc đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 783/BGDĐT-GDTrH
Ngày ban hành 07/03/2022
Ngày có hiệu lực 07/03/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Kim Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 783/BGDĐT-GDTrH
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 07 tháng 03 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng gửi tới sau kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến tại Công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022.

Nội dung kiến nghị:

Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên, học sinh. Việc một bộ phận giáo viên ép buộc, lôi kéo học sinh học thêm cần lên án, nhưng không thể đánh đồng tất cả giáo viên. Cử tri đề nghị đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GDĐT nên xây dựng quy định cụ thể và giao trách nhiệm quản lý xuống từng địa phương, thậm chí là từng trường học. Địa phương phải có trách nhiệm giám sát và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo (Câu 03).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn sự quan tâm của cử tri tỉnh Lâm Đồng. Về vấn đề này, Bộ GDĐT trả lời như sau:

Bộ GDĐT đồng tình với ý kiến của cử tri, vấn đề dạy thêm, học thêm (DTHT) là nhu cầu thực tế và chính đáng của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, việc giáo viên ép buộc, lôi kéo học sinh học thêm dưới bất kì hình thức nào là vi phạm nguyên tắc DTHT1.

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư số 17) đã quy định rõ trách nhiệm quản lý hoạt động DTHT, bao gồm: trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trách nhiệm của Sở GDĐT; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện; trách nhiệm của Phòng GDĐT; trách nhiệm của hiệu trưởng và thủ trưởng các cơ sở giáo dục; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động DTHT ngoài nhà trường; thanh tra, kiểm tra; xử lý vi phạm2.

Sau khi Luật sửa đổi Luật Đầu tư3 đưa hoạt động DTHT ra khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số Điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức DTHT (Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại Thông tư số 17 không còn hiệu lực. Tuy nhiên, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành như quy định về nguyên tắc DTHT, các trường hợp không được DTHT, trách nhiệm quản lý hoạt động DTHT của địa phương, cơ sở giáo dục. Hoạt động DTHT phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản sau: Không tổ chức lớp DTHT theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau, khi xếp học sinh vào các lớp DTHT phải căn cứ vào học lực của học sinh; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá; đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm; hoạt động DTHT phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của học sinh.

Về các trường hợp không được DTHT, Thông tư số 17 đã quy định: không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Căn cứ vào các quy định vẫn còn hiệu lực của Thông tư số 17, các địa phương cần tiếp tục có biện pháp quản lý hoạt động DTHT bảo đảm minh bạch, không tiêu cực, không sai quy định của Thông tư. Trên thực tế, nhiều địa phương căn cứ vào các điều còn hiệu lực của Thông tư số 17 đã ban hành các văn bản quy định việc quản lý hoạt động DTHT tại địa phương có hiệu quả, đặc biệt là hoạt động DTHT ngoài nhà trường; các hoạt động DTHT trong nhà trường thì phải thực hiện theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới Bộ GDĐT sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động DTHT vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau khi hoạt động DTHT được đưa vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động DTHT (sửa Thông tư số 17) nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động DTHT trong và ngoài nhà trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH;
- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội;
- BT, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;
- Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của QH;
- Vụ Tổng hợp, VPQH;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT, GDTrH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Kim Sơn

 



1 Điều 3, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

2 Điều 15 đến Điều 22, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưng Bộ GDĐT.

3 Luật số 03/2016/QH14.

7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ