Công văn 771/BGDĐT-KHTC năm 2024 hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm 2024 thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 771/BGDĐT-KHTC
Ngày ban hành 26/02/2024
Ngày có hiệu lực 26/02/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Trần Thanh Đạm
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 771/BGDĐT-KHTC
V/v hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm 2024 thực hiện Đề án NNQG

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2024

 

Kính gửi: Sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Thực hiện Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020; Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 (Đề án NNQG); trên cơ sở đề xuất của Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia và các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án NNQG năm 2024 như sau:

I. Mục tiêu

- Xây dựng, hoàn thiện và triển khai chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy và học ngoại ngữ đáp ứng mục tiêu đào tạo, theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế và phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

- Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng; ưu tiên bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho giáo viên, giảng viên (dạy ngoại ngữ và dạy chuyên ngành, nghề bằng ngoại ngữ) và bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong hoạt động dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ, đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học ngoại ngữ.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, hợp tác quốc tế và xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ, tiếp tục phát động phong trào giáo viên, học sinh, giảng viên, sinh viên cùng học ngoại ngữ, đặc biệt là tại những địa phương, đơn vị chưa tổ chức hoạt động này trong năm học 2022-2023.

- Nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án NNQG.

II. Nhiệm vụ trọng tâm

1. Tiếp tục triển khai chương trình các môn ngoại ngữ theo hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Tổ chức tuyển dụng, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho giáo viên ngoại ngữ các cấp học phổ thông bảo đảm tiến độ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 môn Ngoại ngữ; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho giáo viên dạy các môn khoa học bằng ngoại ngữ, giảng viên dạy các môn chuyên ngành, nghề bằng ngoại ngữ; tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Lưu ý trong nội dung bồi dưỡng năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên, giảng viên tại địa phương, ưu tiên lựa chọn hợp phần bồi dưỡng về năng lực giảng dạy tiếng Anh theo Chương trình môn Tiếng Anh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ trong dạy học ngoại ngữ và tổ chức các hoạt động xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ.

3. Phối hợp với các đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông.

Theo kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Đề án NNQG, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng tập trung giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông của các địa phương cho 10 đơn vị đào tạo trong cả nước (đơn vị bồi dưỡng). Các đơn vị này có nhiệm vụ phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo tổ chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ/tiếng Anh theo nội dung sau:

3.1. Đối với khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ: Tập trung bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh có trình độ bậc 3 và bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (Khung NLNN).

Yêu cầu đối với khóa bồi dưỡng: Người học phải tham gia không dưới 80% thời lượng khóa học và cần được nâng tối thiểu một bậc năng lực theo Khung NLNN sau khi kết thúc khóa bồi dưỡng. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cuối khóa cần thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam; Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 8/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn 3300/BGDĐT- NGCBQLGD ngày 07/7/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3.2. Đối với khóa bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm: Tập trung bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh các hợp phần nghiệp vụ sư phạm gồm: (1) Năng lực sử dụng ngoại ngữ/tiếng Anh trong lớp học; (2) Năng lực giảng dạy tiếng Anh theo Chương trình môn Tiếng Anh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; (3) Thi, kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ; (4) ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngoại ngữ; (5) Tổ chức các hoạt động xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ; (6) Các nội dung bồi dưỡng theo nhu cầu thực tế của giáo viên (xây dựng cộng đồng dạy ngoại ngữ, sử dụng hiệu quả ngôn ngữ thứ nhất trong lớp học ngoại ngữ, phối hợp gia đình và nhà trường trong dạy học ngoại ngữ cho học sinh, dạy tích hợp nội dung và ngoại ngữ...).

Yêu cầu đối với khóa bồi dưỡng: Một khóa bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm cần đảm bảo có hai hợp phần bắt buộc trong các họp phần: hợp phần số (2), số (3) hoặc số (5) (đối với các giáo viên chưa được bồi dưỡng các nội dung này trong giai đoạn 2017-2023). Hình thức bồi dưỡng là kết hợp việc bồi dưỡng trên lớp (mặt giáp mặt) với bồi dưỡng trực tuyến. Việc bồi dưỡng trên lớp cần đảm bảo việc thực hành dạy (micro-teaching), hoạt động mô phỏng thực tế của người học/giáo viên phổ thông, các bài giảng mẫu trên lớp học thực tế của giảng viên, các giờ dạy của giáo viên được bồi dưỡng trên lớp học thực tế và các hoạt động thực địa khác liên quan.

Sau khóa bồi dưỡng, người học được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học khi đáp ứng các yêu cầu và tham gia không dưới hơn 80% thời lượng mỗi khóa học.

3.3. Tổ chức thực hiện: Trên cơ sở số lượng chỉ tiêu thực hiện bồi dưỡng được thông báo (theo Phụ lục gửi kèm theo Công văn), các Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị bồi dưỡng chủ động phối hợp, xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh tại địa phương (ưu tiên các giáo viên chưa được bồi dưỡng giai đoạn 2017-2023), đảm bảo các nội dung sau đây:

- Thời gian dự kiến triển khai bồi dưỡng: Từ tháng 3-12/2024

- Số lượng học viên trung bình không quá 30 học viên/ lớp học.

- Thời lượng các khóa bồi dưỡng: Tổng thời lượng bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ không dưới 400 tiết; tổng thời lượng bồi dưỡng năng lực sư phạm không dưới 180 tiết; trong đó, nội dung học trực tuyến chiếm không quá 60% tổng thời gian mỗi khóa bồi dưỡng, lưu ý: Người học phải được đăng nhập vào hệ thống trực tuyến trong khoảng thời gian không ít hơn 6 tháng để sử dụng hiệu quả học liệu trực tuyến. Quá trình học tập trực tuyến của người học phải được lưu trữ và báo cáo đến cơ sở bồi dưỡng để kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ.

- Đơn vị bồi dưỡng thực hiện các hoạt động hỗ trợ người học sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng bao gồm các hoạt động tư vấn trực tuyến, dự giờ, theo dõi tiến bộ của giáo viên và các hoạt động hỗ trợ cụ thể khác (đặc biệt đối với các học viên chưa đạt yêu cầu nâng một bậc NLNN sau khóa bồi dưỡng).

- Địa điểm tổ chức bồi dưỡng: Theo thỏa thuận giữa các sở giáo dục và đào tạo và đơn vị bồi dưỡng được giao nhiệm vụ.

- Kinh phí tổ chức bồi dưỡng, tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ cho người học do đơn vị bồi dưỡng chi trả. Các chứng chỉ được công nhận gồm chứng chỉ quốc tế có uy tín (TOEFL, IELTS) hoặc chứng chỉ cấp bởi các đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 24/2021/TT-BGDĐT ngày 8/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam.

- Kinh phí hỗ trợ cho giáo viên ngoại ngữ tham dự lớp bồi dưỡng do địa phương/đơn vị cử đi chi trả theo quy định hiện hành.

4. Tổ chức và hướng dẫn các nhà trường xây dựng, phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ (tham khảo Bộ sổ tay hướng dẫn xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ trong nhà trường dành cho cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Liên trường, Giáo dục Đại học); tiếp tục phát động phong trào học ngoại ngữ, giáo viên, học sinh, giảng viên, sinh viên cùng học ngoại ngữ, đặc biệt là tại những địa phương, đơn vị chưa tổ chức hoạt động này trong năm học 2022-2023.

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ