Công văn số 767/BNN-LN về việc xác định nguồn gốc gỗ khi làm thủ tục xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 767/BNN-LN
Ngày ban hành 22/03/2007
Ngày có hiệu lực 22/03/2007
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Hứa Đức Nhị
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 767/BNN-LN
V/v: xác định nguồn gốc gỗ khi làm thủ tục xuất khẩu

Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2007

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Tổng cục Hải quan có văn bản số 874/TCHQ-GSQL ngày 06/02/2007 về việc đề nghị hướng dẫn việc xác định nguồn gốc gỗ khi làm thủ tục xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Theo quy định về kiểm tra, kiểm soát lâm sản, ban hành kèm theo Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN ngày 10/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thì thủ tục vận chuyển, cất giữ gỗ tròn, gỗ xẻ được quy định cụ thể đối với từng trường hợp:

1/ Đối với gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước:

- Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên của tổ chức do Nhà nước giao, cho thuê, khi vận chuyển phải có hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính (hoặc có phiếu xuất kho khi vận chuyển nội bộ); gỗ phải có dấu búa kiểm lâm phù hợp với lý lịch gỗ hoặc bảng kê gỗ do chủ rừng hoặc chủ gỗ lập. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn đóng búa kiểm lâm thì có biên bản kiểm tra của cơ quan kiểm lâm sở tại nơi có gỗ.

- Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên của cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân do Nhà nước giao, cho thuê, khi vận chuyển phải có lý lịch gỗ hoặc bảng kê gỗ do cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân lập, có UBND xã, phường, thị trấn nơi có gỗ xác nhận; gỗ đủ tiêu chuẩn đóng búa kiểm lâm phải có dấu búa kiểm lâm theo quy định phù hợp với lý lịch hoặc bảng kê gỗ.

2/ Đối với gỗ khai thác từ rừng trồng:

- Gỗ của các tổ chức, khi vận chuyển phải có hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính (hoặc có phiếu xuất kho khi vận chuyển nội bộ); lý lịch gỗ hoặc bảng kê gỗ do tổ chức lập; trường hợp gỗ mua của nhiều cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân thì có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có gỗ.

- Gỗ của cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân, khi vận chuyển phải có lý lịch hoặc bảng kê gỗ do cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân lập, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có gỗ.

Riêng gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ, nếu đủ tiêu chuẩn đóng búa thì phải có dấu búa kiểm lâm phù hợp với lý lịch hoặc bảng kê gỗ. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn đóng búa kiểm lâm thì có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có gỗ.

3/ Đối với gỗ nhập khẩu:

- Gỗ nhập khẩu trực tiếp, khi vận chuyển phải có tờ khai nhập khẩu hàng hóa, được cơ quan Hải quan Việt Nam có thẩm quyền xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan, lý lịch gỗ hoặc bảng kê gỗ do nước xuất khẩu lập, trong đó tên gỗ ghi tên khoa học bằng tiếng Latinh, gỗ có dấu búa của nước xuất khẩu hoặc dấu búa kiểm lâm Việt Nam theo quy định. Trường hợp một lô gỗ vận chuyển nhiều lần thì phải có lý lịch hoặc bảng kê gỗ của từng lần vận chuyển trích từ lý lịch gỗ hoặc bảng kê gốc và bản sao tờ khai Hải quan nhập khẩu hàng hóa do tổ chức, cá nhân nhập khẩu trực tiếp lập.

- Gỗ mua của những đơn vị nhập khẩu trực tiếp, khi vận chuyển phải có hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính, bản gốc lý lịch gỗ hoặc bảng kê gỗ nhập khẩu. Trường hợp không mua toàn bộ một lô gỗ, mua của nhiều tổ chức, cá nhân nhập khẩu trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian thì khi vận chuyển lô gỗ trên phải có lý lịch hoặc bảng kê gỗ do các tổ chức, cá nhân bên bán lập trên cơ sở trích từ lý lịch hoặc bảng kê gốc, có xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm sở tại.

Trên cơ sở quy định trên, đề nghị quý cơ quan nghiên cứu, kiểm tra, xác định nguồn gốc gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên trong nước để làm thủ tục xuất khẩu theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- VP CCHC;
- Lưu VT
.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hứa Đức Nhị