Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Nghị định 32/2006/NĐ-CP về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm

Số hiệu 32/2006/NĐ-CP
Ngày ban hành 30/03/2006
Ngày có hiệu lực 20/04/2006
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2006 

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

NGHỊ ĐỊNH:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị định này quy định về quản lý và Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ rừng Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng: cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên lãnh thổ Việt Nam quy định tại Nghị định này.

Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.  

Điều 2. Phân nhóm thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:

1. Giải thích từ ngữ:

Loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài thực vật, động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ quy định.

2. Thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được phân thành hai  nhóm (có danh mục kèm theo) như sau:

a) Nhóm I: nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị đặc biệt về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số luợng quần thể còn rất ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ  tuyệt chủng cao.

Thực vật rừng, động vật rừng Nhóm I được phân thành:

Nhóm I A, gồm các loài thực vật rừng.

Nhóm I B, gồm các loài động vật rừng.

b) Nhóm II: hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, gồm những loài thực vật rừng, động vật rừng có giá trị về khoa học, môi trường hoặc có giá trị cao về kinh tế, số luợng quần thể còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.

Thực vật rừng, động vật rừng Nhóm II được phân thành:

Nhóm II A, gồm các loài thực vật rừng.

Nhóm II B, gồm các loài động vật rừng.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:

1. Nhà nước đầu tư để quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các hoạt động cứu hộ đối với thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm bị xử lý tịch thu.

2. Hỗ trợ khắc phục thiệt hại do động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm từ tự nhiên gây ra cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ở ngoài các khu rừng đặc dụng, các hộ gia đình, cá nhân đang cư trú  hợp pháp trong các khu rừng đặc dụng (được chính quyền cấp xã, nơi có rừng đặc dụng xác nhận) theo quy định của pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

QUẢN LÝ THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG  NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Điều 4. Theo dõi diễn biến thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:

[...]