Công văn 766/TCT-DNL năm 2016 về thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn do Tổng cục Thuế ban hành
Số hiệu | 766/TCT-DNL |
Ngày ban hành | 29/02/2016 |
Ngày có hiệu lực | 29/02/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Người ký | Đặng Ngọc Minh |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 766/TCT-DLN |
Hà Nội, ngày 29 tháng 02 năm 2016 |
Kính gửi: |
- Công ty Cổ phần
du lịch Thiên Minh; |
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 25/CV ngày 29/12/2015 của Công ty Thiên Minh, công văn số 01/CV ngày 01/9/2015 của Công ty Victoria Hotel (HK) Limited (Victoria Hongkong), công văn số 83/CV-VCT ngày 11/5/2015 của Công ty TNHH Victoria Cần Thơ và công văn số 94/CT-TTr của Cục Thuế Tp.Cần Thơ báo cáo vướng mắc về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ chuyển nhượng vốn. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Trên cơ sở báo cáo của các Cục Thuế, Công ty về giao dịch chuyển nhượng và hồ sơ gửi kèm thì: Công ty Electicité et Eaux de Madagascar SA (sau đây gọi là Công ty EEM Pháp) sở hữu 100% vốn cổ phần của Công ty EEM Victoria (HK) Limited (sau đây gọi là Công ty EEM HK). Ngày 06/08/2010, Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh ký hợp đồng với Công ty EEM Pháp để mua 100% cổ phần đã phát hành của Công ty EEM HK. Cơ sở của Hợp đồng là việc: (i) EEM Pháp sở hữu thông qua các công ty con những quyền lợi và tài sản khác nhau liên quan đến việc khai thác 05 khách sạn tại Việt Nam; và (ii) EEM Pháp trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu tất cả các cổ phần cấu thành nên toàn bộ vốn cổ phần của EEM HK (“Các cổ phần”). Theo đó, EEM Pháp chuyển nhượng Các cổ phần cho Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh (Điều 2).
Tại thời Điểm chuyển nhượng, Công ty EEM HK chỉ sở hữu vốn ở 06 công ty con tại Việt Nam (bao gồm: Công ty Victoria Cần Thơ, Công ty Victoria Sapa, Công ty Victoria Hội An, Công ty Victoria Phan Thiết, Công ty Victoria Hàng Châu và Công ty Quản lý đầu tư khách sạn Victoria Việt Nam), không sở hữu vốn ở công ty nào khác.
- Căn cứ Điểm d Khoản 2 Điều 2 Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 quy định về người nộp thuế TNDN như sau:
“2. Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: ...
d) Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.”
- Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 quy định về thu nhập chịu thuế như sau: “2. Thu nhập khác bao gồm thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản; ... và các Khoản thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.”
- Căn cứ Khoản 2(a) và Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật thuế TNDN, quy định về thu nhập chịu thuế:
“2. Thu nhập khác bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn bao gồm thu nhập từ việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp, kể cả trường hợp bán doanh nghiệp, chuyển nhượng chứng khoán và các hình thức chuyển nhượng vốn khác theo quy định của pháp luật; ...
3. Thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam của các doanh nghiệp quy định tại Điểm c, d Khoản 2 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập nhận được có nguồn gốc từ Việt Nam từ hoạt động cung ứng dịch vụ, cho vay vốn, tiền bản quyền cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam, không phụ thuộc vào địa Điểm tiến hành kinh doanh. ...
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về thu nhập chịu thuế quy định tại Khoản này.”
- Căn cứ Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thuế TNDN:
+ Khoản 2 Phần A quy định: “2. Doanh nghiệp nước ngoài, tổ chức nước ngoài sản xuất kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn riêng của Bộ Tài chính. Các doanh nghiệp này nếu có hoạt động chuyển nhượng vốn thì thực hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn tại Phần E Thông tư này.”
+ Điểm 1.1 Khoản 1 Phần E quy định: “Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp là thu nhập có được từ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn của doanh nghiệp đã đầu tư cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác (bao gồm cả trường hợp bán toàn bộ doanh nghiệp).”
- Tại Thông tư số 134/2008/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam:
+ Tại Điểm 1 Mục I Phần A có quy định đối tượng áp dụng là tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận hoặc cam kết giữa họ với tổ chức, cá nhân Việt Nam.
+ Tại Điểm 2.3 Mục I Phần B có quy định thu nhập chịu thuế TNDN như sau: Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của nhà thầu nước ngoài là các Khoản thu nhập nhận được dưới bất kỳ hình thức nào trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, không phụ thuộc vào địa Điểm tiến hành hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; Thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản; Thu nhập từ lãi tiền vay,...
- Căn cứ Điểm b và Điểm d Khoản 5 Điều 1 Thông tư 18/2011/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Thông tư số 130/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN.
- Căn cứ quy định về nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức” tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 205/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Đối chiếu với thực tế:
(i) Công ty EEM Pháp là công ty được thành lập theo luật pháp Cộng hòa Pháp chuyển nhượng toàn bộ vốn cổ phần trong Công ty EEM HK (là công ty con được thành lập theo luật pháp Hồng Kông) cho Công ty cổ phần du lịch Thiên Minh (là doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam);
(ii) Trong đó Công ty EEM HK có đầu tư vốn vào 06 Công ty tại Việt Nam nêu trên,
Thì: Công ty EEM Pháp phải nộp thuế TNDN tại Việt Nam đối với thu nhập phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần liên quan đến vốn đầu tư tại 06 Công ty tại Việt Nam. Số thuế TNDN phải nộp được xác định căn cứ vào doanh thu, giá vốn, chi phí của hoạt động chuyển nhượng vốn theo quy định của pháp luật thuế TNDN.
Đề nghị Công ty cổ phần du lịch Thiên Minh có trách nhiệm liên hệ với Công ty EEM Pháp để xác định số thuế TNDN Công ty EEM Pháp phải nộp phát sinh từ giao dịch chuyển nhượng vốn nêu trên theo quy định của pháp luật Việt Nam và thực hiện nộp tiền thuế TNDN vào ngân sách nhà nước, chậm nhất là ngày 08/04/2016.