Công văn 7649/BGTVT-CQLXD năm 2023 về tình hình cung ứng vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 do Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Số hiệu 7649/BGTVT-CQLXD
Ngày ban hành 14/07/2023
Ngày có hiệu lực 14/07/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Lê Đình Thọ
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7649/BGTVT-CQLXD
V/v tình hình cung ứng vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2023

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội, Chính phủ ban hành các Nghị quyết1 triển khai với nhiều cơ chế đặc thù. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), sự phối hợp có trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, toàn bộ 12 dự án thành phần đã được khởi công từ ngày 01/01/2023. Ngay sau khi khởi công, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tập trung tối đa nguồn lực để tổ chức thi công với mục tiêu năm 2023 sẽ hoàn thành 35% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng (VLXD), giá trị sản lượng sau nửa năm thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 5% (theo kế hoạch 6 tháng đầu năm phải đạt 10%). Để đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã hết sức quan tâm, trực tiếp kiểm tra hiện trường, ban hành các văn bản, công điện, chỉ thị để chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương hướng dẫn và triển khai thủ tục cấp phép, nâng công suất các mỏ bảo đảm nguồn vật liệu cho dự án; giao Bộ trưởng Bộ GTVT thành lập Tổ công tác kiểm tra, làm việc với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực dự án để kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng VLXD. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã thành lập 02 Tổ công tác do 02 đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT là Tổ trưởng, Tổ phó là đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), các thành viên là đại diện các Bộ: Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Công an. Trong các ngày từ 03/7/2023 đến ngày 07/7/2023, Tổ công tác đã kiểm tra hiện trường khu vực mỏ, làm việc trực tiếp với Ủy ban nhân dân các tỉnh (UBND), thành phố từ Hà Tĩnh tới Khánh Hòa và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để nắm bắt tình hình cung ứng VLXD phục vụ thi công các dự án thành phần và các khó khăn, vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ.

Sau khi kiểm tra, làm việc, Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Nhu cầu sử dụng và tình hình cung cấp vật liệu cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025

1.1. Các dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa2

a) Vật liệu đá: Tổng nhu cầu dự án cần khoảng 17,37 triệu m3, chủ yếu lấy từ các mỏ đang khai thác với tổng công suất khai thác hiện nay khoảng 9,56 triệu m3/năm. Theo tiến độ dự án, nhu cầu vật liệu đá đến thời điểm này chưa nhiều do các dự án chủ yếu đang thi công các hạng mục bê tông xi măng, vì vậy công suất khai thác hiện nay của các mỏ cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên đến giai đoạn thi công hạng mục móng, mặt đường, nhu cầu sử dụng vật liệu đá rất lớn và tập trung trong thời gian ngắn nên cần nâng công suất các mỏ để đáp ứng tiến độ thi công.

b) Vật liệu cát: Tổng nhu cầu dự án cần khoảng 9,67 triệu m3, trong đó 4,29 triệu m3 được sử dụng từ 82 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 11,32 triệu m3, tổng công suất khai thác khoảng 1,70 triệu m3/năm. Còn lại 5,38 triệu m3 được sử dụng từ 16 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng 10,06 triệu m3.

- Đối với các mỏ đang khai thác, công suất các mỏ trên địa phận một số tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu do chủ yếu sử dụng cát cho hạng mục bê tông xi măng. Riêng các mỏ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên (sử dụng cho công tác xử lý nền đất yếu) và một số mỏ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã hết hạn thời gian khai thác, tạm dừng khai thác nên chưa đáp ứng do còn cung cấp cho các dự án của địa phương. Các chủ đầu tư, nhà thầu đang phối với với chủ mỏ và các cơ quan chức năng của địa phương kiến nghị UBND các tỉnh nâng công suất 39 mỏ, gia hạn giấy phép 05 mỏ để đảm bảo đủ nhu cầu cho các dự án thành phần đoạn qua địa bàn tỉnh3.

- Đối với mỏ mới giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù: Đến nay các nhà thầu đã trình 13/16 hồ sơ4 đăng ký khối lượng khai thác với tổng trữ lượng 5,65 triệu m3; UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 02/135 mỏ cho các nhà thầu với tổng trữ lượng 1,13 triệu m3, tuy nhiên đến nay các nhà thầu chưa khai thác được cát do các địa phương đang điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện thủ tục thuê đất, dự kiến cuối tháng 7/2023 mới có thể khai thác được. Khối lượng cát cần lấy từ các mỏ mới là rất lớn và chủ yếu phục vụ cho công tác xử lý nền đất yếu, thủ tục khai thác mỏ đang chậm, trong khi mùa mưa, lũ đã đến gần, nếu không khai thác được ngay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, kế hoạch triển khai thi công của các nhà thầu.

c) Vật liệu đất: Tổng nhu cầu dự án cần khoảng 47,09 triệu m3, trong đó 5,14 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng khoảng 8,52 triệu m3, tổng công suất khai thác khoảng 2,54 triệu m3/năm. Còn lại 41,96 triệu được sử dụng từ 71 mỏ chưa khai thác có tổng trữ lượng 61,37 triệu m3.

- Đối với các mỏ đang khai thác, công suất cơ bản đáp ứng nhu cầu, chỉ có 02 mỏ trên địa phận tỉnh Hà Tĩnh công suất chưa đáp ứng, hiện các nhà thầu đang kiến nghị địa phương nâng công suất để đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu theo tiến độ thi công dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi.

- Đối với mỏ mới giao nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù: Đến nay các nhà thầu đã trình 55/71 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác với tổng trữ lượng 53,31 triệu m3; UBND các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 26/556 mỏ với tổng trữ lượng 32,02 triệu m3 cho các nhà thầu, đáp ứng khoảng 68% nhu cầu dự án. Tuy nhiên đến nay các nhà thầu mới khai thác được đất từ 09/267 mỏ với tổng trữ lượng khoàng 6,41 triệu m3 chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu. Các mỏ còn lại chưa khai thác được do việc thương thảo với chủ sở hữu đất về giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai gặp nhiều khó khăn; một số mỏ phải thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, mục đích sử dụng đất.

1.2. Các dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau8

Tổng nhu cầu vật liệu của 02 dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau: Tổng khối lượng đá các loại khoảng 1,37 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 1,7 triệu m3; tổng khối lượng cát đắp nền khoảng 18,07 triệu m3 (năm 2023 cần 9,11 triệu m3, năm 2024 cần 6,97 triệu m3, năm 2025 cần 1,99 triệu m3). Đối với vật liệu đá, đất đã khảo sát đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác đáp ứng nhu cầu các dự án thành phần.

Đối với vật liệu cát, để đảm bảo nguồn vật liệu theo tiến độ thi công, ngay từ tháng 6/2022, Bộ GTVT đã chủ động làm việc và có các văn bản gửi tỉnh An Giang, Đồng Tháp9 đề nghị cung cấp cát cho Dự án. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh An Giang đã thống nhất10 cung cấp cho dự án 1,1 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác, tỉnh Đồng Tháp thống nhất11 cung cấp 1,89 triệu m3.

Để bảo đảm đủ nguồn cát đắp cho Dự án, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã hết sức quan tâm, trực tiếp kiểm tra, làm việc và chỉ đạo các tỉnh dành sự ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ; chỉ đạo Bộ TN&MT phân bổ, điều tiết đối với từng mỏ, từng địa bàn phù hợp tiến độ thi công; hướng dẫn các địa phương thủ tục cấp phép các mỏ, nâng công suất các mỏ để cấp cho dự án. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Công điện (Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/2023; Công điện số 573/CĐ-TTg ngày 21/6/2023) và có Thông báo số 175/TB-VPCP ngày 11/5/2023, văn bản số 3926/VPCP-CN ngày 31/5/2023 về việc điều phối vật liệu cát san lấp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó giao chỉ tiêu cho các tỉnh An Giang (7,0 triệu m3, năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp (7,0 triệu m3, năm 2023 là 3,3 triệu m3), Vĩnh Long (5,0 triệu m3, năm 2023 là 2,5 triệu m3), ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến nay các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nhu cầu cát cho 02 dự án thành phần đoạn từ thành phố Cần Thơ đến Cà Mau như sau:

a) Tỉnh An Giang: Đã có văn bản số 795/UBND-KTN ngày 03/7/2023 cung cấp 1,1 triệu m3 cát cho Dự án từ 04 mỏ đang khai thác, hiện các Nhà thầu đang làm thủ tục ký hợp đồng với các chủ mỏ, dự kiến ngày 10/7/2023 sẽ bắt đầu cung cấp cát cho dự án. Đối với 2,2 triệu m3 cát còn lại của năm 2023, Sở TN&MT tỉnh An Giang đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất lấy từ các mỏ đang khai thác, UBND tỉnh đang xem xét để quyết định; đối với 3,7 triệu m3 năm 2024, hiện UBND tỉnh chưa có phương án cung cấp cho dự án.

b) Tỉnh Đồng Tháp: Đã có văn bản số 251/UBND-ĐTXD ngày 29/6/2023 thống nhất cấp đủ cho dự án 7,0 triệu m3. Trong đó, đã cấp cho Dự án 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác và sẽ tiếp tục cấp 0,5 triệu m3 từ các mỏ đang khai thác; còn lại 1,52 triệu m3 sẽ cấp từ 02 mỏ mới (thực tế chỉ khai thác được khoảng 0,4 triệu m3 trong năm 2023) và 5,1 triệu m3 từ 4 mỏ đã hết hạn thời gian khai thác (dự kiến khai thác được thêm 2 triệu m3 trong năm 2023), bảo đảm đủ 3,3 triệu m3 theo nhu cầu năm 2023. Hiện nay, các Nhà thầu đang phối hợp với các cơ quan của địa phương hoàn thiện thủ tục khai thác mỏ mới, dự kiến có thể khai thác vào đầu tháng 10/2023.

c) Tỉnh Vĩnh Long: Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 05 mỏ với trữ lượng khoảng 5,0 triệu m3 đảm bảo chất lượng yêu cầu. Hiện nay, Chủ đầu tư và các Nhà thầu đã chủ động làm việc với Sở TN&MT để triển khai các thủ tục khai thác mỏ. Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh đề xuất giao 02 mỏ có trữ lượng khoảng 1,8 triệu m3 cho Dự án, đối với 3 mỏ còn lại, sở TN&MT đang xem xét để trình UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định giao cho Nhà thầu khai thác, theo báo cáo của sở TN&MT, dự kiến có thể khai thác và cấp cho dự án trong tháng 10/2023.

Như vậy, đến nay các tỉnh đã bố trí cho dự án được 1,471 triệu m3, nếu tiếp tục quyết định cung cấp cát từ các mỏ đang khai thác cho Dự án (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3) sẽ có thêm 2,7 triệu m3, đủ điều kiện để triển khai thi công đến hết tháng 9/2023. Đến tháng 10/2023, khi tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp hoàn thành các thủ tục cấp mỏ mới sẽ đảm bảo nhu cầu 9,1 triệu m3 trong năm 2023.

2. Công tác phối hợp của các cấp chính quyền địa phương

- Cơ bản các địa phương đã hướng dẫn các Nhà thầu về thành phần hồ sơ, trình tự các bước thực hiện, thủ tục đăng ký khối lượng khai thác tuân thủ quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ TN&MT12, tuy nhiên, thời gian thẩm định một số hồ sơ thực tế lâu hơn quy định13 và chưa có hướng dẫn trình tự các bước thực hiện các thủ tục về đất đai (chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh). Riêng tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy phép khai thác theo đúng quy định của Luật Khoáng sản.

- Các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp với các Chủ đầu tư, nhà thầu trong quá trình thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ, tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/2023. Tuy nhiên hiệu quả còn chưa cao, cách làm chưa thống nhất14, trong khi các mỏ thuộc khu vực đất do tư nhân quản lý, việc thỏa thuận đang gặp nhiều khó khăn do mức giá cao hơn đơn giá đền bù hỗ trợ của nhà nước; chủ sở hữu yêu cầu chuyển nhượng hoặc thuê toàn bộ diện tích mỏ lớn hơn diện tích cần khai thác nhưng các quy định của pháp luật hiện chưa có chế tài để xử lý. Các mỏ đã khai thác được chủ yếu nằm trong khu vực đất công hoặc đất của người dân có nhu cầu hạ cốt nền, công tác thỏa thuận giá thuê quyền sử dụng đất không có nhiều vướng mắc.

3. Công tác quản lý giá vật liệu

- Về công bố giá VLXD: Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá nguyên, nhiên, VLXD 6 tháng đầu năm ổn định và chỉ dao động nhẹ. Đa số các địa phương nơi dự án đi qua đã chủ động khảo sát, xác định, công bố giá VLXD, chỉ số giá đúng quy định.

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 194/CĐ-TTg ngày 01/4/2023, một số địa phương15 đã thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với các mỏ VLXD; việc lập, đăng ký giá, thẩm định và công bố giá VLXD trên địa bàn tỉnh; làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến công tác cấp phép, công bố giá VLXD, đồng thời kiểm tra, làm việc với các đơn vị được cấp phép khai thác về việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay việc công bố giá đang được các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện theo quy định, chưa phát hiện tình trạng nâng giá, ép giá, bán vật liệu cao hơn giá niêm yết, công bố.

- Theo quy định hiện hành về quản lý chi phí, giá vật liệu được xác định theo thông báo giá của địa phương hoặc báo giá của nhà cung ứng. Tuy nhiên đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ phụ thuộc vào giá thỏa thuận với chủ sở hữu đất khu vực mỏ (giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, hỗ trợ hòa màu trên đất) nhưng giá thỏa thuận giữa các chủ sở hữu còn chưa thống nhất, chênh lệch lớn và chưa có hướng dẫn cụ thể về giá thỏa thuận, khó khăn cho công tác quản lý chi phí của các chủ đầu tư.

[...]