Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Công văn 7583/BNV-TCBC năm 2023 hướng dẫn nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm do Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 7583/BNV-TCBC
Ngày ban hành 23/12/2023
Ngày có hiệu lực 23/12/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Thị Thanh Trà
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7583/BNV-TCBC
V/v hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm

Hà Nội, ngày 23 tháng 12 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương.

Để thực hiện xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm (VTVL) và cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (bảo đảm kế hoạch, chất lượng và thống nhất trong hệ thống chính trị), Bộ Nội vụ hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương và các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương một số nội dung sau:

I. YÊU CẦU CHUNG

1. Việc xây dựng danh mục VTVL, bản mô tả công việc và khung năng lực của VTVL cần đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Thường trực Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Các VTVL cần được xây dựng với mức độ khái quát cao theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương, có tính đến mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, phạm vi đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của công việc theo chức năng, nhiệm vụ tương ứng với từng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Mỗi VTVL có 03 yếu tố cấu thành sau: (1) Tên VTVL; (2) Bản mô tả VTVL; (3) Khung năng lực VTVL, trong đó:

- Tên vị trí việc làm: Thực hiện thống nhất theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, liên thông, đồng bộ trong hệ thống chính trị.

- Bản mô tả vị trí việc làm: Trên cơ sở bản mô tả khái quát theo Thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các Bộ, ngành, địa phương cần mô tả cụ thể phù hợp với công việc cụ thể của VTVL (gắn với sản phẩm tương ứng với tính chất, mức độ phức tạp của VTVL) theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

- Khung năng lực VTVL: Trên cơ sở khung năng lực chung theo Thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các Bộ, ngành, địa phương cần mô tả cụ thể, phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hoàn thành công việc của VTVL theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Trên cơ sở xác định danh mục VTVL của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc xác định cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo VTVL cần đáp ứng yêu cầu sau: (1) Kế thừa và từng bước điều chỉnh để cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính; (2) Phù hợp với chức danh nghề nghiệp viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sự nghiệp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

4. Việc phê duyệt VTVL và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập không làm tăng biên chế của cấp có thẩm quyền giao và gắn với lộ trình thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước, đặc biệt đối với đơn sự nghiệp công lập cần thực hiện đồng bộ với Đề án tự chủ để từng bước cơ cấu lại số lượng người làm việc theo hướng tăng số lượng người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.

5. Trong trường hợp các Thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chưa bao quát hết các đối tượng đặc thù, đề nghị các địa phương chủ động xác định VTVL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và phê duyệt tạm thời; đồng thời gửi báo cáo đề xuất về Bộ Nội vụ và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan để tổng hợp, nghiên cứu và hướng dẫn theo thẩm quyền.

II. MỘT SỐ NỘI DUNG KHI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VỊ TRÍ VIỆC LÀM, PHÊ DUYỆT VỊ TRÍ VIỆC LÀM VÀ CƠ CẤU CÔNG CHỨC, CƠ CẤU VIÊN CHỨC THEO VỊ TRÍ VIỆC LÀM

1. Về xác định vị trí việc làm

1.1. Nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý

a) Về các vị trí lãnh đạo, quản lý đối với chức danh là cán bộ

Đối với 12 vị trí lãnh đạo, quản lý (cán bộ), gồm: (1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (2) Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; (4) Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; (5) Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (6) Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (7) Trưởng ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (8) Phó Trưởng ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; (9) Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện; (10) Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện; (11) Trưởng ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp huyện; (12) Phó Trưởng ban thuộc Hội đồng nhân dân cấp huyện (đã được quy định tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị), đề nghị các địa phương căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để phê duyệt VTVL đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý này theo phân cấp quản lý cán bộ tại địa phương, bảo đảm sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của địa phương.

b) Về bổ sung vị trí Chánh Thanh tra Sở, Phó Chánh thanh tra Sở

Thống nhất với các địa phương về việc xác định vị trí Chánh Thanh tra Sở, Phó Chánh thanh tra Sở tại các Sở và cơ quan tương đương Sở, bảo đảm xác định tương đương với vị trí Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng thuộc Sở (quy định tại Phụ lục I Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Nội dung bản mô tả và khung năng lực cần mô tả cụ thể phù hợp với công việc cụ thể của vị trí Chánh Thanh tra Sở, Phó Chánh thanh tra Sở, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra.

c) Về vị trí Giám đốc Sở giao dịch, Phó Giám đốc Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước

Trước mắt vận dụng VTVL Giám đốc Sở giao dịch, Phó Giám đốc Sở giao dịch thuộc lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước trong danh mục VTVL lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức hành chính (quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Nội dung bản mô tả và khung năng lực cần mô tả cụ thể phù hợp với công việc cụ thể của vị trí Giám đốc Sở giao dịch, Phó Giám đốc Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi Thông tư số 12/2022/TT-BNV cho phù hợp.

d) Về ban hành phụ lục khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực khi xây dựng bản mô tả VTVL lãnh đạo, quản lý trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt

Trước mắt, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ yêu cầu về năng lực của các VTVL được ban hành kèm theo Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện. Theo đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 (trong đó bổ sung phụ lục khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực khi xây dựng bản mô tả VTVL lãnh đạo, quản lý với đối tượng nêu trên).

đ) Về yêu cầu khung năng lực của các VTVL lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, cấp huyện

Đề nghị Bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý tại dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước (đã tính đến yếu tố liên thông với các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị).

e) Về hướng dẫn xác định VTVL Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội cấp tỉnh; Ủy viên chuyên trách Hội đồng nhân dân thành phố

- Đối với VTVL Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội cấp tỉnh: VTVL này đã được xác định trong danh mục các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và quy định tại Điều 22, khoản 3 Điều 43 Luật Tổ chức Quốc hội. Vì vậy, đề nghị các địa phương chủ động xây dựng Bản mô tả, khung năng lực của VTVL này và phê duyệt theo phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của chức danh này theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

- Đối với VTVL Ủy viên chuyên trách tại các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố: Đây là VTVL đặc thù của mô hình chính quyền đô thị được xác định theo các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ. Vì vậy, đề nghị các thành phố được tổ chức chính quyền đô thị chủ động xây dựng Bản mô tả, khung năng lực của VTVL này và phê duyệt theo phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của chức danh này theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của địa phương.

1.2. Nhóm vị trí việc làm công chức, viên chức chuyên ngành

[...]