Công văn về đất đai của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Số hiệu 688-UB/VP
Ngày ban hành 04/04/1995
Ngày có hiệu lực 04/04/1995
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư
Người ký Đậu Ngọc Xuân
Lĩnh vực Đầu tư

 

UỶ BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 688-UB/VP

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 1995

 

CÔNG VĂN

CỦA ỦY BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ SỐ 688-UB/VP NGÀY 4 THÁNG 4 NĂM 1995 VỀ ĐẤT ĐAI CỦA CÁC DỰ ÁN CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI 

Kính gửi:

- Các Bộ, Tổng cục
- UBND các tỉnh, thành phố

 

Thời gian qua việc đền bù, giải toả diện tích đất sử dụng cho các dự án đầu tư nước ngoài, phát sinh nhiều vấn đề gây khó khăn cho việc thực hiện dự án, ảnh hưởng không lợi đến môi trường đầu tư. Có trường hợp bên Việt Nam thay đổi nhiều lần mức giá đền bù, đòi hỏi nhà đầu tư phải nhiều lần bổ sung. Có trường hợp bên Việt Nam yêu cầu mức đền bù quá lớn, bên nước ngoài không chấp nhận, đành bỏ dự án; trái lại có trường hợp vì để dễ dàng có mau dự án nên tính toán không đủ mức chi phí đền bù, khi thực hiện, thiếu hụt quá nhiều, gây ách tắc công việc. Có trường hợp bên Việt Nam không tính kỹ khả năng giải toả công trình xây dựng hoặc dân cư nên việc giải toả kéo dài thời gian, cho khi đến 2-3 năm, làm chậm trễ việc thực hiện dự án. Có trường hợp do không phân định rõ ngay từ đầu đất quốc phòng hay đất dân sự nên khi thực hiện dự án gặp nhiều vướng mắc. Sở dĩ có tình hình nói trên, trước hết do công tác chuẩn bị của phía ta không chu đáo, không đầy đủ trước khi tiến hành đàm phán và thoả thuận với bên nước ngoài.

Nhằm khắc phục tình trạng nói trên, dựa tên theo quy định của Nghị định 191-CP ngày 28-12-1994, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và các ngành hướng dẫn bên Việt Nam làm thật rõ các vấn đề sau đây trước khi đàm phán và thoả thuận với phía nước ngoài:

1- Khả năng giải toả công trình xây dựng và dân cử: nếu xét thấy không có khả năng giải toả thì dứt khoát không dùng diện tích ấy để hợp tác nước ngoài.

2- Điều tra thật kỹ khối lượng đền bù giải toả cần thực hiện; tính toán chính xác mức giá đền bù giải toả. Cần thoả thuận trước với những đối tượng được đền bù giải toả về mức chi phí hợp lý. Hết sức tránh tình trạng thay đổi nhiều lần.

3- Trường hợp liên quan sử dụng đất quốc phòng, đất có công trình quốc phòng hoặc đất có di tích lịch sử thì cần bàn và đạt được sự thoả thuận của cơ quan quốc phòng và văn hoá trước khi tiến hành đàm phán với bên nước ngoài.

4- Tính toán kỹ tiến độ giải toả, để thông báo cho phía nước ngoài trong khi đàm phán.

Rút kinh nghiệm thời gian quá, từ nay về sau, việc đền bù giải toả cần được trình bày kỹ trong hồ sơ dự án, để việc xét duyệt dự án cũng như thực hiện dự án sau khi có Giấy phép đầu tư không bị kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian quy định trong Nghị định 191-CP ngày 28-12-1994 của Chính phủ.

 

Đậu Ngọc Xuân

(Đã ký)