Công văn 6148/TCHQ-VP năm 2014 triển khai biện pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với doanh nghiệp bị thiệt hại do Tổng cục Hải quan ban hành
Số hiệu | 6148/TCHQ-VP |
Ngày ban hành | 29/05/2014 |
Ngày có hiệu lực | 29/05/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Người ký | Hoàng Việt Cường |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6148/TCHQ-VP |
Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan Tổng cục
Hải quan; |
Thời gian vừa qua, một số đối tượng đã lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để phá hoại tài sản, đặc biệt là trụ sở, nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trước tình hình trên, để khắc phục hậu quả, hỗ trợ các doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các UBND, các Bộ ngành trước mắt triển khai một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại tại Thông báo số 207/TB-CP ngày 20/5/2014, công văn số 3758/VPCP-KTTH ngày 26/5/2014 của Văn phòng Chính phủ (gửi kèm). Bộ Tài chính cũng đã gửi công điện số 01/BTC-CĐ ngày 20/5/2014 chỉ đạo các đơn vị liên quan trong ngành Tài chính khẩn trương thực hiện một số công việc theo chức năng được phân công, ban hành công văn số 6642/BTC-CST ngày 21/5/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bị thiệt hại sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, Tổng cục Hải quan yêu cầu:
I. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố:
1. Thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tài chính tại các văn bản dẫn trên.
2. Bố trí bộ phận trực tiếp tiếp nhận, giải quyết các vấn đề hải quan có liên quan, công khai đầu mối liên hệ cho các doanh nghiệp tiện liên hệ; Cử cán bộ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và các cơ quan chức năng có liên quan để tìm hiểu, đánh giá mức độ hình thiệt hại của doanh nghiệp phục vụ xác định số tiền thuế doanh nghiệp được miễn, giảm đối với hàng hóa nhập khẩu bị thiệt hại; gia hạn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
3. Trang bị máy tính có kết nối với Hệ thống thông quan tự động dự phòng tại trụ sở cơ quan hải quan phục vụ doanh nghiệp khai và truyền dữ liệu để làm thủ tục hải quan.
4. Thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp bị thiệt hại đang có nợ thuế. Tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan đối với các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp đang trong tình trạng nợ thuế để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thời gian giao hàng theo thỏa thuận, hợp đồng đã ký với đối tác; Bố trí cán bộ làm ngoài giờ, ngày nghỉ để làm thủ tục hải quan khi doanh nghiệp đề nghị.
5. Hỗ trợ doanh nghiệp bị cháy, thất lạc hồ sơ, chứng từ hải quan trong việc khôi phục, chia sẻ dữ liệu; sao lưu các hồ sơ, chứng từ hải quan (bản lưu của cơ quan hải quan) khi có đề nghị.
6. Hướng dẫn doanh nghiệp trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của các doanh nghiệp bị thiệt hại; trình tự, thủ tục, hồ sơ miễn, giảm, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Nhanh chóng xử lý gia hạn, miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất; gia hạn thời hạn nộp hồ sơ thanh khoản hàng gia công, sản xuất hàng xuất khẩu.
Trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại hồ sơ hải quan thì sử dụng hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan hoặc dựa trên cam kết của doanh nghiệp để làm cơ sở xét miễn, giảm, gia hạn và thực hiện hậu kiểm theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
7. Báo cáo các vướng mắc vượt thẩm quyền để Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính hướng dẫn hoặc kiến nghị Chính phủ bổ sung các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
8. Báo cáo định kỳ hàng tuần về Tổng cục Hải quan tình hình, kết quả xử lý vướng mắc của các doanh nghiệp; tổng hợp số liệu về số thuế nhập khẩu được miễn, giảm, hoàn và số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt được gia hạn của các doanh nghiệp bị thiệt hại (trong đó nêu rõ tên doanh nghiệp, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, gia hạn của từng doanh nghiệp) theo nội dung chỉ đạo của Chính phủ. Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan tại các văn bản dẫn trên và các văn bản tiếp theo (nếu có).
II. Các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan:
1. Văn Phòng Tổng cục Hải quan:
- Tổng hợp danh sách các doanh nghiệp bị thiệt hại (tên, mã số thuế, địa chỉ) gửi các Cục Hải quan tỉnh, thành phố để biết và thực hiện các nội dung theo chỉ đạo của các cấp.
- Tổng hợp, theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện.
2. Cục Giám sát quản lý:
- Hướng dẫn vướng mắc về thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa; Thanh khoản của các hợp đồng gia công, sản xuất hàng xuất khẩu...;
- Kiến nghị bổ sung các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hải quan.
3. Cục Thuế xuất nhập khẩu:
- Hướng dẫn vướng mắc thủ tục, hồ sơ miễn thuế, giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính.
- Kiến nghị bổ sung các biện pháp, thủ tục, hồ sơ đơn giản hóa thủ tục quản lý thuế.
4. Vụ Pháp Chế: Hướng dẫn về việc không xử phạt vi phạm hành chính với trường hợp hồ sơ hải quan bị cháy, tiêu hủy, mất; quá hạn thanh khoản…
5. Cục CNTT&TKHQ, Ban triển khai dự án VNACCS, Ban CCHĐH Hải quan:
- Hướng dẫn cung cấp, chia sẻ dữ liệu liên quan đến hàng hóa XNK để hỗ trợ các doanh nghiệp hư hỏng, cháy, mất máy tính và hồ sơ hải quan.
- Hướng dẫn khai và làm thủ tục hải quan tại Trụ sở hải quan khi doanh nghiệp có nhu cầu.
6. Ban Quản lý rủi ro Hải quan: Nghiên cứu điều chỉnh, cập nhật chỉ tiêu phân luồng đối với hàng hóa của các doanh nghiệp bị tổn thất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa của các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý hải quan.