TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 60483/CT-TTHT
V/v chính
sách thuế TNCN với lao động người nước ngoài
|
Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2018
|
Kính gửi: Trung tâm Karst và di sản địa
chất
Địa chỉ: Số 67 đường Chiến Thắng, phường Văn
Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội;
MST:
0500237455-005
Cục Thuế TP Hà Nội nhận được công văn số
17/TTK&DSĐC đề ngày 07/8/2018 hỏi về thuế TNCN đối với chuyên gia người
Pháp của Trung tâm Karst và di sản địa chất (sau đây gọi là Đơn vị), Cục Thuế
TP Hà Nội có ý kiến như sau:
- Căn cứ Điều 9 Luật Thuế thu nhập cá nhân số
04/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội quy định:
“Điều 9. Áp dụng điều ước quốc tế
Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về thuế thu nhập cá nhân khác với quy
định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.”
- Căn cứ khoản 1, Điều 2 Luật Điều ước quốc tế số
108/2016/QH13 ngày 09/4/2016 của Quốc hội quy định:
“1. Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được
ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền,
nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế,
không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa
thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi
khác.”
- Căn cứ Điều 14 Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp về tránh đánh thuế
hai lần và ngăn ngừa việc trốn và lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập và
tài sản:
+ Tại Điều 1 quy định phạm vi đối tượng áp dụng:
"Bản Hiệp định này được áp dụng cho các đối tượng
là những đối tượng cư trú của một hoặc của cả hai Nước ký kết."
+ Tại Điều 14 quy định hoạt động dịch vụ cá nhân phụ
thuộc:
"1. Thể theo các quy định tại điều 15, 17 và 18
các khoản tiền lương và các khoản tiền công tương tự khác do một đối tượng cư
trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ chịu thuế tại Nước
đó, trừ khi công việc của đối tượng đó được thực hiện tại Nước ký kết kia. Nếu
công việc lao động được thực hiện như vậy, số tiền công trả cho lao động đó phải
chịu thuế tại Nước kia.
2. Mặc dù có những quy định tại khoản 1, tiền công lao động của một đối tượng
cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công tại Nước ký kết kia sẽ
chỉ phải nộp thuế tại Nước thứ nhất nếu:
a) người nhận tiền công có mặt ở nước kia trong một
thời gian hoặc nhiều thời gian gộp lại không quá 183 ngày trong một năm dương lịch;
và
b) chủ lao động hay người đại diện chủ lao động trả
tiền công lao động không phải là đối tượng cư trú của Nước kia; và
c) số tiền công không phải phát sinh tại một cơ sở
thường trú hoặc cơ sở cố định mà người chủ lao động có tại Nước kia.
3. Mặc dù có những quy định trên của điều này, tiền
công từ lao động làm trên tàu thủy hoặc máy bay trong vận tải quốc tế thu được
bởi một đối tượng cư trú của một Nước ký kết có thể bị đánh thuế tại Nước đó.”
- Căn cứ Điều 31 Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày
24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn những nội dung cơ bản của các Hiệp định
tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế
đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu
lực thi hành tại Việt Nam:
"Điều 31. Xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập
từ dịch vụ cá nhân phụ thuộc
1. Theo quy định tại Hiệp định, một cá nhân là đối tượng
cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam có thu nhập từ hoạt động làm công
tại Việt Nam sẽ phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập làm công đó tại
Việt Nam theo các quy định hiện hành về thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam.
Ví dụ 47: Trong năm 2012, ông A là đối tượng cư trú của
nước Pháp làm việc cho chi nhánh ngân hàng F là chi nhánh nước ngoài của một
ngân hàng Pháp tại Việt Nam trong vòng 2 tháng. Toàn bộ tiền lương và thu nhập
khác của ông A do chi nhánh F thanh toán. Trong năm trước và sau đó, ông A
không hiện diện tại Việt Nam. Trong trường hợp này, ông A có nghĩa vụ nộp thuế
thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập nhận được từ thời gian làm việc tại Việt
Nam theo các quy định hiện hành về thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam.
2. Nếu cá nhân nêu tại Khoản 1 đồng thời thỏa mãn cả
3 điều kiện sau đây, tiền công thu được từ công việc thực hiện tại Việt Nam sẽ
được miễn thuế thu nhập tại Việt Nam:
a) Cá nhân đó có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong
giai đoạn 12 tháng bắt đầu hoặc kết thúc trong năm tính thuế; và
b) Chủ lao động không phải là đối tượng cư trú của Việt
Nam bất kể tiền công đó được trả trực tiếp bởi chủ lao động hoặc thông qua một
đối tượng đại diện cho chủ lao động; và
c) Tiền công đó không do một cơ sở thường trú mà chủ
lao động có tại Việt Nam chịu và phải trả.
Ví dụ 48: Công ty N của Nhật Bản tham gia thành lập
liên doanh S chuyên phân phối hàng hóa tại Việt Nam. Trong năm 2012, Công ty N
cử ông Z sang Việt Nam với tư cách đại diện công ty để đàm phán hợp đồng về việc
Công ty N cung cấp “bí quyết” bán hàng cho liên doanh S trong thời gian một
tháng. Trong năm trước và sau đó ông Z không hiện diện tại Việt Nam. Toàn bộ
thu nhập và chi phí của ông Z trong thời gian làm việc tại Việt Nam do Công ty
N chi trả. Trong trường hợp này, ông Z đã đồng thời thỏa mãn cả 3 điều kiện nêu
tại Khoản 2 nêu trên nên được miễn thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam.
3. Khái niệm “chủ lao động” nêu tại Điểm 2.b) dùng để
chỉ đối tượng sử dụng lao động thực sự. Thông thường, một đối tượng được coi là
chủ lao động thực sự nếu có các quyền và nghĩa vụ sau:
a) Đối tượng đó có quyền đối với sản phẩm và dịch vụ
do người lao động tạo ra và chịu trách nhiệm cũng như rủi ro đối với lao động đó;
b) Đối tượng đó đưa ra hướng dẫn và cung cấp phương
tiện lao động cho người lao động;
c) Đối tượng đó có quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm
về địa điểm lao động.
Ví dụ 49: Cũng với Ví dụ 48 nêu trên, trong năm 2013,
ông Z sang Việt Nam với tư cách là chuyên gia của liên doanh S để hướng dẫn áp
dụng “bí quyết” trong giai đoạn 3 tháng. Trong năm trước và sau đó, ông Z không
hiện diện tại Việt Nam. Với tinh thần trợ giúp cho liên doanh S, toàn bộ thu nhập
và chi phí của ông Z trong thời gian làm việc tại Việt Nam do Công ty N chi trả.
Trong trường hợp này, về hình thức, ông Z đã đồng thời thỏa mãn cả 3 điều kiện
của Khoản 2 nêu trên, nhưng về bản chất, đối với các tiêu thức về chủ lao động
thực sự thì chủ lao động thực sự của ông Z trong thời gian làm việc tại Việt
Nam là liên doanh S, không phải Công ty N. Do đó, ông Z không được miễn thuế
thu nhập cá nhân tại Việt Nam."
- Căn cứ Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013
của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật Quản lý thuế:
+ Tại khoản 13 Điều 16 quy định về khai thuế, nộp thuế
thu nhập cá nhân:
"13. Trường hợp cá nhân nước ngoài có thu nhập
chịu thuế thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế do áp dụng Hiệp định tránh đánh
thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước, vùng lãnh thổ khác thì thực hiện các thủ
tục sau:
a) Đối với cá nhân là đối tượng cư trú của nước hoặc
vùng lãnh thổ khác (bao gồm cả trường hợp cá nhân là đối tượng cư trú của nước
hoặc vùng lãnh thổ khác có thu nhập hướng dẫn tại điểm b.1 khoản 1 (đối với thu
nhập từ hoạt động hành nghề độc lập và thu nhập khác); khoản 3; điểm b khoản 4;
khoản 5; điểm b khoản 10 và khoản 9 Điều này):
Mười lăm ngày trước khi thực hiện hợp đồng với các tổ
chức, cá nhân Việt Nam: cá nhân nước ngoài gửi cho bên Việt Nam ký kết hợp đồng
hoặc chi trả thu nhập Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định
để nộp cho Cơ quan thuế quản lý trực tiếp của Bên Việt Nam cùng với hồ sơ
khai thuế của lần khai thuế đầu tiên. Hồ sơ gồm:
…"
+ Tại Điều 47 quy định về ưu đãi thuế theo Điều ước
quốc tế:
"1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được
hưởng các ưu đãi thuế theo các Điều ước quốc tế không phải là Hiệp định tránh đánh
thuế hai lần (sau đây gọi là điều ước quốc tế) thì thực hiện theo hướng dẫn tại
khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký kê
khai, nộp thuế trực tiếp với Cơ quan thuế
a) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, thủ tục như sau:
Trong phạm vi 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày ký hợp
đồng với Bên Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi cho cơ quan thuế nơi
đăng ký thuế hồ sơ thông báo miễn, giảm thuế, gồm:
…
3. Trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài không đăng ký kê khai, nộp thuế trực tiếp với
Cơ quan thuế
a) Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài, thủ tục như
sau:
Vào ngày ký hợp đồng với Bên Việt Nam, tổ chức, cá
nhân nước ngoài gửi cho Bên Việt Nam hồ sơ thông báo miễn, giảm thuế, gồm:
…"
- Căn cứ Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày
25/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các khổ 1, 2, 3, 4 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC
ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân,
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định
chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau:
“Điều 1. Người nộp thuế
Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư
trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số
65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập
cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP) có thu nhập chịu thuế
theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số
65/2013/NĐ-CP.
Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế
như sau:
...Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế
là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập...
”
- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế TNCN:
+ Tại Điều 1 quy định người nộp thuế:
"1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong
các điều kiện sau đây:
a) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong
một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại
Việt Nam, trong đó ngày đến và ngày đi được tính là một (01) ngày. Ngày đến và
ngày đi được căn cứ vào chứng thực của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trên hộ
chiếu (hoặc giấy thông hành) của cá nhân khi đến và khi rời Việt Nam. Trường hợp
nhập cảnh và xuất cảnh trong cùng một ngày thì được tính chung là một ngày cư
trú.
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo hướng dẫn tại điểm
này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
b) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong
hai trường hợp sau:
b.1) Có nơi ở thường xuyên theo quy định của pháp luật
về cư trú:...
b.2) Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của
pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên
trong năm tính thuế, cụ thể như sau:...
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam
theo quy định tại khoản này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày
trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là cá nhân cư trú của nước
nào thì cá nhân đó là cá nhân cư trú tại Việt Nam.
...2. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều
kiện nêu tại khoản 1, Điều này."
+ Tại Điều 2 quy định về các khoản thu nhập chịu thuế:
"2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người
lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền
lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
...đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền
ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được
hưởng dưới mọi hình thức:...
đ.7) Các khoản lợi ích khác."
+ Tại Điều 18 quy định căn cứ tính thuế đối với khoản
thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú:
"Điều 18. Đối với thu nhập từ tiền lương, tiền
công
1. Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền
lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định bằng thu nhập chịu thuế
từ tiền lương, tiền công nhân (x) với thuế suất 20%.
2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá
nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân
từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8
Thông tư này...."
+ Tại điều 25 quy định về khấu trừ thuế và chứng từ
khấu trừ thuế:
"1. Khấu trừ thuế
Khấu trừ thuế là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập
thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi
trả thu nhập, cụ thể như sau:
a) Thu nhập của cá nhân không cư trú
Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập chịu thuế cho
cá nhân không cư trú có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân trước khi trả
thu nhập. Số thuế phải khấu trừ được xác định theo hướng dẫn tại Chương III (từ Điều 17 đến Điều 23) Thông tư
này.
b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công
b.5) Số thuế phải khấu trừ đối với thu nhập từ tiền
lương, tiền công của cá nhân cư trú được xác định theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông
tư này; của cá nhân không cư trú được xác định theo Điều 18 Thông tư này."
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn
nguyên tắc như sau:
Trường hợp Trung tâm Karst và di sản địa chất ký hợp đồng
thuê chuyên gia người Pháp thực hiện công việc tư vấn, tái đánh giá (là cá nhân
không cư trú theo Luật thuế TNCN) thì:
+ Nếu chuyên gia nói trên đủ điều kiện được miễn thuế
TNCN theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Chính phủ nước Cộng hòa Pháp
và nước CHXHCN Việt Nam hoặc theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký
kết thì chuyên gia phải lập hồ sơ thông báo miễn, giảm thuế theo quy định tại
khoản 13 Điều 16 hoặc Điều 47 Thông tư số 156/2013/TT-BTC nêu trên.
+ Nếu chuyên gia không đáp ứng được điều kiện miễn
thuế TNCN theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và các Điều ước quốc tế thì
Đơn vị có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo mức 20% trên thu nhập chịu thuế
thuế từ tiền lương, tiền công trước khi trả thu nhập cho chuyên gia (là cá nhân
không cư trú).
Nếu còn vướng mắc, đề nghị Trung tâm Karst và di sản
địa chất liên hệ với Phòng Kiểm tra thuế số 6 để được hướng dẫn cụ thể.
Cục Thuế TP Hà Nội trả lời Trung tâm Karst và di sản
địa chất được biết và thực hiện./.
Nơi
nhận:
- Như trên:
- Phòng KT6;
- Phòng Pháp chế;
- Lưu: VT, TTHT(2).
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Mai Sơn
|