Công văn 5740/BTTTT-TTĐN năm 2022 hướng dẫn xây dựng Kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

Số hiệu 5740/BTTTT-TTĐN
Ngày ban hành 25/11/2022
Ngày có hiệu lực 25/11/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thông tin và Truyền thông
Người ký Nguyễn Thanh Lâm
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5740/BTTTT-TTĐN
V/v hướng dẫn xây dựng Kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2023

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT ngày 19/10/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý hoạt động thông tin đối ngoại của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2023, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Hoàn thiện hành lang pháp lý công tác thông tin đối ngoại

Đề nghị các địa phương tiếp tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý hoạt động thông tin đối ngoại (TTĐN) trên địa bàn tỉnh, thành phố căn cứ theo Nghị định số 72/2015/NĐ-CP và Thông tư số 22/2016/TT-BTTTT. Đến nay, còn 4 địa phương là Hải Dương, Nghệ An, Đồng Tháp, Thanh Hóa chưa sửa đổi Quy chế (Căn cứ Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại đã hết hiệu lực); 7 tỉnh chưa ban hành Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại, gồm: Thái Nguyên, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thành phố Đà Nẵng, Bến Tre.

2. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể:

a) Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025:

Triển khai Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT ngày 30/06/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; cụ thể, các tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ sau: (1) Tổ chức xây dựng chương trình, tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thông tin, truyền thông theo yêu cầu đặc thù của địa phương; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ thông tin, truyền thông do địa phương quản lý; (2) Thiết lập mới cụm thông tin điện tử tại các cửa khẩu biên giới chưa có cụm thông tin điện tử; sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng đối với cụm thông tin điện tử đã thiết lập trước đây bằng nguồn vốn nhà nước để đảm bảo yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền, thông tin đối ngoại; (3) Sản xuất và cung cấp sản phẩm thông tin, tuyên truyền, thông tin đối ngoại theo yêu cầu đặc thù của địa phương để phổ biến, tuyên truyền trên hệ thống cụm thông tin điện tử bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài.

b) Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025

Triển khai thực hiện công văn số 4438/BTTTT-KHTC ngày 27/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tập trung 03 nhiệm vụ: (1) Sản xuất các sản phẩm thông tin phục vụ công tác thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; (2) Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ thông tin đối ngoại; (3) Tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo… giới thiệu đất nước Việt Nam và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

3. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đường lối, chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển, đảo; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay; xây dựng, củng cố, bảo vệ và phát triển mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các quốc gia có liên quan trên Biển Đông. Phản bác, đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội ở trong và ngoài nước âm mưu lợi dụng các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo Việt Nam làm tổn hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Nâng cao năng lực công tác TTĐN trong quản lý, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo, giải quyết các sự kiện biên giới, biển, đảo theo các văn kiện pháp lý và các thỏa thuận có liên quan trong tình hình mới cho lực lượng làm công tác TTĐN và trực tiếp quản lý biên giới tại các địa phương. Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo.

4. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo công tác Nhân quyền của tỉnh triển khai Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người. Cụ thể, triển khai các nhiệm vụ sau: (1) Triển khai Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người định kỳ hằng tháng; (2) Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người cho các lực lượng tham gia công tác thông tin đối ngoại; (3) Xây dựng các sản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; (4) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Triển lãm thành tựu đảm bảo quyền con người ở địa phương; (5) Tổ chức phát động các cuộc thi viết, tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi ảnh, nghệ thuật về quyền con người. Tổ chức các hình thức khen thưởng động viên, khuyến khích các tác giả, tác phẩm truyền thông về quyền con người có giá trị.

5. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện truyền thông quảng bá hình ảnh địa phương/hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách làm mới, cụ thể:

a) Các địa phương đẩy mạnh thực hiện quảng bá hình ảnh địa phương ra nước ngoài, trong đó, 08 địa phương thí điểm (gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu) tiếp tục lựa chọn các thành tố đặc trưng - điểm mạnh của tỉnh - để quảng bá hình ảnh địa phương theo Khung truyền thông quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Trong trường hợp cần hướng dẫn cụ thể, đề nghị đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông (đầu mối Cục Thông tin đối ngoại).

b) Phối hợp tổ chức các sự kiện truyền thông quảng bá văn hóa, du lịch, nông sản Việt Nam, trong đó bao gồm các sản phẩm của địa phương nhằm tiếp cận với các địa bàn mục tiêu (thông qua kênh cơ quan đại diện ngoại giao, tham tán thương mại và các tổ chức thương mại quốc tế tại Việt Nam) và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam ra các thị trường nước ngoài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia.

6. Triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới, biển, hải đảo giai đoạn 2021 - 2030, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch Chương trình hành động giữa hai ngành (đối với những địa phương chưa thành lập Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch Chương trình hành động); lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình phối hợp vào Kế hoạch công tác thông tin đối ngoại của địa phương để có kinh phí triển khai thực hiện.

7. Chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai hiệu quả công tác dự báo, tổ chức theo dõi và tổng hợp dư luận báo chí trong và ngoài nước về tình hình tỉnh, thành phố; xây dựng tài liệu lập luận, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trên địa bàn để giải thích, làm rõ, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch ảnh hưởng uy tín, hình ảnh đất nước và tỉnh, thành phố.

Trên cơ sở hướng dẫn này, căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng Kế hoạch công tác thông tin đối ngoại năm 2023 và bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Thông tin đối ngoại, số 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội, ĐT: 04. 37676666, máy lẻ 118, Fax: 04 37675959) để kịp thời có hướng dẫn.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, TTĐN, NVĐP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Lâm