Công văn 521/LĐTBXH-VPQGGN năm 2023 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 521/LĐTBXH-VPQGGN
Ngày ban hành 22/02/2023
Ngày có hiệu lực 22/02/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Văn Thanh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 521/LĐTBXH-VPQGGN
V/v trả lời vướng mắc trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2023

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (văn bản số 625/VPCP-QHĐP ngày 03 tháng 02 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ) về việc giao các bộ, cơ quan rà soát, sửa đổi bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; trên cơ sở tổng hợp vướng mắc của các địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại các văn bản: số 791/BC-BKHĐT ngày 08 tháng 02 năm 2023, số 907/BC-BKHĐT ngày 10 tháng 02 năm 2023 và số 919/BC-BKHĐT ngày 10 tháng 02 năm 2023, ý kiến của các địa phương tại 3 hội nghị vùng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời về một số vướng mắc của các địa phương (Phụ lục kèm theo).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gửi các địa phương để nghiên cứu, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang (để báo cáo);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
NNPTNT, Ủy ban Dân tộc (để phối hợp);
- Văn phòng Chính phủ (để tổng hợp);
- Lưu: VT, VPQGGN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Văn Thanh

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo Công văn số 521/LĐTBXH-VPQGGN ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

1. Kiến nghị số 1 (tỉnh Lạng Sơn): kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2021 (Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn) là 12,20%; trong khi mục tiêu, nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Phụ lục II kèm theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2022 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Quyết định số 652/QĐ-TTg): giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ “3%” (tương ứng với mức giảm đến hết năm 2025 còn 0,2%). Để đảm bảo phù hợp với tình hình, khả năng triển khai thực tế của tỉnh, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lạng Sơn tại Phụ lục II kèm theo Quyết định số 652/QĐ-TTg giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ “3%” thành “năm 2022: 3%, các năm 2023-2025: 2%”.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 652/QĐ-TTg trong đó giao mục tiêu, nhiệm vụ giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giai đoạn 2022-2025 trên cơ sở nghị quyết, kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 của các địa phương (tỉnh Lạng Sơn là Nghị quyết số 47-NQ/TU ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Do vậy, để bảo đảm điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững đến năm 2025 của tỉnh Lạng Sơn phù hợp với thực tế, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trước mắt cần nghiên cứu, điều chỉnh các văn bản liên quan của địa phương, đồng thời có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Kiến nghị số 2 (các tỉnh: Phú Thọ, Sơn La, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An): Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (Nghị định số 27/2022/NĐ-CP) giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nội dung hồ sơ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH ban hành hệ thống biểu mẫu đề cương xây dựng án án hỗ trợ phát triển sản xuất. Như vậy, có sự chồng chéo, trùng lặp giữa trung ương và địa phương.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: khoản 2 Điều 39 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP Chính phủ giao các bộ, cơ quan trung ương là cơ quan chủ quản chương trình ban hành theo thẩm quyền nội dung, trình tự thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định này. Đồng thời, tại điểm d khoản 1 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP Chính phủ giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định này. Do vậy, việc Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH là theo đúng trách nhiệm được Chính phủ giao, không chồng chéo, trùng lặp với trách nhiệm của các địa phương.

3. Kiến nghị số 3 (các tỉnh: Quảng Ninh, Long An): nội dung hướng dẫn tại Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH còn chung chung, chưa có quy định cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật, mức hỗ trợ mỗi dự án, mỗi hộ dân. Vì vậy, các địa phương phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định định mức với thời gian kéo dài, thủ tục phức tạp.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại khoản 2 Điều 39 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH nêu trên. Đề nghị địa phương căn cứ quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Nghị định số 32/2019/NĐ-CP), Nghị định số 27/2022/NĐ-CP xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền quy định.

4. Kiến nghị số 4 (tỉnh Đắk Nông): tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 09/2022/TT-BLĐTBXH có nội dung: Xây dựng, phê duyệt Dự án mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) theo nhiệm vụ: “Cơ quan được bố trí kinh phí để thực hiện dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ PTSX giao cho cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ trì, thực hiện dự án mô hình giảm nghèo...”. Thực tế, một số cơ quan đơn vị được giao vốn thực hiện dự án mô hình giảm nghèo hỗ trợ PTSX theo nhiệm vụ, không có cơ quan, đơn vị trực thuộc hoặc có đơn vị trực thuộc nhưng không đúng chức năng, nhiệm vụ đtriển khai thực hiện nội dung này. Vì vậy dẫn đến khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án mô hình giảm nghèo, phát triển sản xuất theo nhiệm vụ.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định rõ thẩm quyền quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Do vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

5. Kiến nghị số 5 (tỉnh Quảng Ninh): theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, các bộ, ngành trung ương ban hành chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay chưa được các bộ, ngành ban hành.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: tại Điều 3 Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31 tháng 5 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH) đã quy định cụ thể chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Do vậy, đề nghị tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, thực hiện theo quy định hiện hành.

6. Kiến nghị số 6 (các tỉnh: Quảng Ninh, Hưng Yên): Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH quy định hệ thống biểu mẫu còn nhiều thông tin phức tạp, không phù hợp với cấp cơ sở.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu, đang tổng hợp, đánh giá và sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung không phù hợp (nếu có) tại Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH vào thời điểm thích hợp.

7. Kiến nghị số 7 (tỉnh Thừa Thiên - Huế): tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương theo quy định của Trung ương cao, nguồn thu ngân sách tỉnh/huyện/xã còn thấp nên khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn. Nguồn vốn đầu tư công trung hạn và dự toán chi năm 2022 (bao gồm cả vốn đầu tư và thường xuyên) đã được phân bổ từ đầu thời kỳ trung hạn và đầu năm, trong khi đó vốn ngân sách trung ương giao muộn nên khó khăn trong việc cân đối dự toán ngân sách địa phương năm 2022 cho các dự án đầu tư. Đề nghị bỏ quy định vốn đối ứng.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: tại điểm a khoản 1 Điều 40 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP Chính phủ giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức vốn đối ứng từ ngân sách của địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Do vậy, đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện đúng trách nhiệm Chính phủ giao.

8. Kiến nghị số 8 (tỉnh Ninh Bình): Quyết định số 757/QĐ-LĐTBXH ngày 18 tháng 8 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu lĩnh vực lao động, xã hội thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 757/QĐ-LĐTBXH), trong đó tiêu chí số 11 phải đạt dưới 1% là khó thực hiện.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: tiêu chí Tỷ lệ nghèo đa chiều tại Quyết định số 757/QĐ-LĐTBXH được xây dựng trên cơ sở: (1) chỉ tiêu giảm nghèo tại các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế - xã hội của các vùng trên cả nước đến năm 2030; (2) kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia đầu kỳ giai đoạn 2022-2025 của các địa phương. Do vậy, để bảo đảm nâng cao mức sống của người dân trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới thực chất, đề nghị tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, thiết thực.

9. Kiến nghị số 9 (tỉnh Quảng Ninh): Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 07/2021/TT-BLĐTBXH ngày 18 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định thu nhập của hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 và mẫu biểu báo cáo (Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH) quy định Mẫu số 3.3 Bảng quy ước điểm Phiếu B1 không cho điểm đối với gia đình có từ 08 nhân khẩu trở lên; Chỉ tiêu nước giếng đào được bảo vệ, nước khe/mó được được bảo vệ “thuộc chỉ tiêu đánh giá nước sinh hoạt” không cho điểm, chưa thống nhất với chỉ tiêu nước sạch trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chỉ tiêu về bảo hiểm y tế đối với đối tượng thuộc nhóm do ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định Luật bảo hiểm y tế khi rà hộ nghèo, hộ cận nghèo được tính là “không thiếu hụt về bảo hiểm y tế” chưa thống nhất với chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau: tại Thông tư số 02/2022/TT-BLĐTBXH, phương pháp, bộ công cụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 được xây dựng trên cơ sở kế thừa từ giai đoạn 2016-2020; đồng nhất với phương pháp, bộ công cụ khảo sát mức sống dân cư năm 2020 của Tổng cục Thống kê, bảo đảm thu thập thông tin, đặc trưng của hộ gia đình một cách toàn diện, hệ thống trong mối tương quan logic và khoa học giữa các chỉ tiêu, phù hợp với đặc điểm vùng, miền để ước lượng mức thu nhập (không chấm điểm theo giá trị từng tài sản) và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ gia đình, bảo đảm phản ánh khách quan thực trạng nghèo của hộ gia đình.

- Về chỉ tiêu đánh giá nước sinh hoạt: việc xác định tình trạng sử dụng nước sinh hoạt của hộ gia đình để xác định hộ có thiếu hụt chiều về nước sinh hoạt theo chuẩn nghèo đa chiều hay không. Khái niệm về tình trạng sử dụng nước sinh hoạt khác với tiêu chí về nước sạch.

- Về xác định chiều thiếu hụt về bảo hiểm y tế: việc xác định tình trạng bảo hiểm y tế của hộ gia đình để xác định hộ có thiếu hụt chiều về bảo hiểm y tế theo chuẩn nghèo đa chiều hay không, khác với đánh giá về mức độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ