Công văn 519/BGDĐT-SEQAP năm 2011 thực hiện điều chỉnh trong Sổ tay hướng dẫn sử dụng Quỹ của trường dạy học cả ngày do Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học ban hành

Số hiệu 519/BGDĐT-SEQAP
Ngày ban hành 28/12/2011
Ngày có hiệu lực 28/12/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học
Người ký Trần Đình Thuận
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
CHƯƠNG TRÌNH ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TRƯỜNG HỌC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 519/BGDĐT-SEQAP
V/v Hướng dẫn thực hiện một số điểm điều chỉnh trong Sổ tay hướng dẫn sử dụng các Quỹ của trường dạy học cả ngày

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2011

 

Kính gửi:

Ông/Bà Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Phước, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau.

 

Căn cứ Quyết định số 6575/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh một số điểm cụ thể trong các Sổ tay hướng dẫn sử dụng Quỹ phúc lợi học sinh và Quỹ giáo dục nhà trường, Ban Quản lý Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể việc thực hiện như sau:

1. Định suất ăn trưa của học sinh

Do tình hình, điều kiện kinh tế xã hội trong thời gian từ khi xây dựng Chương trình (năm 2009) tới nay đã có nhiều biến động như sự thay đổi tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ và đồng tiền Việt Nam, giá cả các mặt hàng thiết yếu (điện, xăng, lương thực, thực phẩm...) tăng cao dẫn tới định mức 7.000 đồng/bữa ăn trưa dành cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số như quy định tại sổ tay hướng dẫn thực hiện Quỹ phúc lợi học sinh đã không còn phù hợp. Với định mức nói trên, các trường tiểu học tham gia SEQAP khi triển khai thực hiện cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh gặp nhiều khó khăn, bữa ăn của học sinh không đảm bảo chất lượng.

Để có thể cải thiện chất lượng bữa ăn trưa của học sinh, trong tháng 4/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất với các nhà tài trợ điều chỉnh định mức bữa ăn trưa của học sinh từ mức 7.000 đồng/bữa trưa/học sinh lên mức 10.000 đồng, bắt đầu áp dụng từ Học kỳ 2 năm học 2011-2012 phù hợp với chu kỳ ngân sách của quỹ. Như vậy, Biểu 1 của Sổ tay hướng dẫn thực hiện Quỹ phúc lợi học sinh với tiêu đề: Mức phân bổ cơ bản cho mỗi học kỳ của Quỹ phúc lợi học sinh cho trường có 280 học sinh ở huyện có mức nghèo trung bình tại Phần V. Cách lập kế hoạch, dự toán, phân bổ ngân sách và sử dụng Quỹ đã được sửa đổi như Phụ lục 1 kèm theo công văn này. Quy mô Quỹ cơ bản được sử dụng để tính toán, phân bổ quỹ đã tăng từ 34.000.000 đồng/học kỳ lên mức 46.100.000 đồng/học kỳ.

2. Lập kế hoạch và ngân sách quỹ

Việc quản lý tài chính đối với các quỹ của SEQAP hoàn toàn theo chu kỳ ngân sách. Việc lập kế hoạch và ngân sách của hai quỹ của SEQAP là cho hai học kỳ thuộc một năm tài chính, cụ thể:

Tổng giá trị kinh phí được lập kế hoạch và ngân sách cho một quỹ của một tỉnh trong năm tài chính = Tổng Quỹ Học Kỳ 2 năm học trước + Tổng Quỹ của Kỳ 1 năm học tiếp theo.

Ví dụ: Ngân sách Quỹ phúc lợi HS các trường tham gia SEQAP năm 2012 = Ngân sách Quỹ phúc lợi HS cho học kỳ 2 của các trường tham gia SEQAP năm học 2011 - 2012 + Ngân sách Quỹ phúc lợi HS cho học kỳ 1 của các trường tham gia SEQAP năm học 2012 - 2013.

3. Quy mô quỹ cho mỗi trường

Quỹ của nhà trường nhận được có quy mô quỹ cơ bản được điều chỉnh theo hai yếu tố: số học sinh của nhà trường và mức nghèo của xã hoặc huyện nơi nhà trường đóng.

3.1. Hệ số học sinh: Được tính căn cứ vào số học sinh của các trường tham gia SEQAP trong Kỳ tính Quỹ. Ví dụ tính Quỹ phúc lợi học sinh cho một Kỳ học tại một tỉnh được trình bày tại Phụ lục 2 kèm theo công văn này. Việc tính Quỹ Giáo dục nhà trường cũng được thực hiện tương tự.

3.2. Hệ số nghèo: Các Quỹ phúc lợi học sinh và Quỹ giáo dục nhà trường được cung cấp nhằm hỗ trợ cho các trường chuyển từ dạy học nửa ngày sang dạy học cả ngày, ưu tiên hỗ trợ cho các trường khó khăn, học sinh nghèo và học sinh dân tộc thiểu số. Đối với các trường đã thực hiện dạy học 2 buổi/ngày với sự đóng góp của cha mẹ học sinh trước khi tham gia SEQAP cần tiếp tục huy động nguồn lực này để thực hiện dạy học cả ngày với sự hỗ trợ phù hợp của SEQAP. Tuy nhiên một số trường tại các xã nghèo thì cha mẹ học sinh không có đủ nguồn lực tài chính để có thể tự nguyện đóng góp để hỗ trợ việc chuyển sang dạy học cả ngày.

Để đảm bảo rằng những trường và học sinh nghèo nhất nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn từ Chương trình, hệ số nghèo sử dụng cho việc tính toán các quỹ được điều chỉnh như Biểu 1. Đối với Quỹ phúc lợi học sinh, Chương trình khuyến khích các tỉnh đưa ra các hệ số nghèo cao hơn đối với các xã thuộc Chương trình 135 và giảm hệ số nghèo tại các trường ở các xã khác hoặc nếu cần thiết có thể xem xét việc loại một số trường ở các xã bình thường hoặc các thị xã/thị trấn có điều kiện tốt hơn nhằm tăng nguồn lực cho các trường có nhu cầu cao nhất.

Biểu 1: Hệ số nghèo mới (được áp dụng cho năm tài chính 2012)

Số TT

Địa điểm nơi trường đóng

Hệ số nghèo cũ (Đang thực hiện)

Hệ số nghèo mới (Điều chỉnh)

1

Xã thuộc diện 135

1,3

2

2

Xã bình thường

1

0,7

3

Thị trấn/Thị xã

0,8

0,4

4. Cách tính số học sinh được hỗ trợ bữa trưa từ Quỹ phúc lợi học sinh của một trường tiểu học tham gia SEQAP

a) Quy mô Quỹ phúc lợi học sinh cơ bản chỉ sử dụng để tính toán phân bổ Quỹ cho các trường tiểu học tham gia SEQAP. Quy mô Quỹ mà nhà trường nhận được phụ thuộc vào quy mô học sinh của trường (Hệ số học sinh) và mức độ nghèo (Hệ số nghèo) của xã/phường nơi trường đóng. Các tỉnh được khuyến khích đưa ra các hệ số nghèo cao hơn dành cho các trường thuộc xã 135 để xác định quy mô quỹ nếu thấy cần thiết.

b) Kinh phí dành cho bữa trưa thuộc Quỹ Phúc lợi học sinh là tổng kinh phí Quỹ của trường được nhận trừ đi khoản kinh phí mà nhà trường dự định chi tiêu cho các hoạt động hợp lệ khác. Khoản kinh phí chi tiêu cho tất cả các hạng mục có thể thay đổi (tăng hoặc giảm) phụ thuộc vào nhu cầu của nhà trường (trừ khoản kinh phí tối thiểu dành cho phần thưởng đi học đều và kết quả học tập tốt cho học sinh và việc chỉ được thuê tối đa hai trợ giảng tiếng địa phương cho mỗi trường, xin xem Phụ lục 1).

c) Cụ thể, số học sinh được hỗ trợ bữa ăn trưa được tính như sau: Kinh phí dành cho bữa ăn trưa được xác định cho một kỳ học chia cho mức ăn trưa trong kỳ học của một (01) học sinh (360.000 đồng/học sinh/kỳ học).

d) Không sử dụng kinh phí ăn trưa của Quỹ để cấp bữa ăn trưa cho 40% học sinh của toàn trường, số học sinh và tỷ lệ học sinh được hỗ trợ bữa ăn trưa sẽ phụ thuộc vào quy mô quỹ và nhu cầu của nhà trường.

5. Trách nhiệm quản lý và thực hiện các Quỹ của nhà trường

a) Các Quỹ giáo dục nhà trường, Quỹ phúc lợi học sinh cần được phân bổ trực tiếp cho các trường thụ hưởng (trừ trường hợp các trường thụ hưởng chưa thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/4/2006 Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trường chưa có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước).

b) Để đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao năng lực quản lý của các trường tiểu học tham gia SEQAP, yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo không trực tiếp quản lý nguồn kinh phí các Quỹ của các trường tiểu học đã có tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Các trường tiểu học sử dụng Quỹ cần thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kế toán, báo cáo tài chính cho Ban Quản lý SEQAP huyện/Phòng GD&ĐT theo quy định trong các Sổ tay hướng dẫn thực hiện các quỹ, định kỳ thực hiện việc đối chiếu với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch.

6. Tìm nguồn tạm ứng khi các Quỹ được phân bổ muộn

Trong trường hợp nguồn kinh phí của các Quỹ được phân bổ muộn hơn so với kế hoạch (ví dụ: trong tháng 3 hoặc tháng 4 thay vì tháng 1 hoặc tháng 2), Ban Quản lý SEQAP huyện và các trường thụ hưởng cần chủ động đề nghị với Kho bạc Nhà nước địa phương cấp tạm ứng hoặc tìm nguồn cho các trường được vay, để cung cấp bữa trưa cho các học sinh nghèo nhất và đảm bảo chi cho các hoạt động được quỹ hỗ trợ trong khi chờ được giao kinh phí quỹ. Khi sử dụng nguồn vốn vay hoặc tạm ứng, các trường tiểu học tham gia SEQAP cần thực hiện đúng các quy định hiện hành về chế độ kế toán, thanh quyết toán với các cơ quan liên quan.

[...]