Công văn 5098/BTC-CST năm 2015 giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp thực hiện Chỉ thị 11/TTg do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 5098/BTC-CST |
Ngày ban hành | 17/04/2015 |
Ngày có hiệu lực | 17/04/2015 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Lưu Đức Huy |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
5098/BTC-CST |
Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2015 |
Kính gửi: Hiệp hội Cao su Việt Nam.
Ngày 26/02/2015, Bộ Tài chính nhận được công văn số 1161/VPCP-ĐMDN ngày 13/2/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp trên cơ sở báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại công văn số 0179/PTM-VP ngày 29/1/2015 về việc thực hiện Chỉ thị 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong 13 kiến nghị nêu tại Phụ lục kèm theo công văn số 0179/PTM-VP có 02 nội dung kiến nghị của Hiệp hội Cao su Việt Nam, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Kiến nghị 1: Trong giai đoạn giá cao su giảm sâu, dưới giá thành sản xuất, Hiệp hội cao su kiến nghị: giảm tỷ lệ khấu hao theo cơ chế sau: Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sẽ đề xuất cụ thể khung giá bán ở biên độ nào thì tỷ lệ khấu hao sẽ giảm tương ứng ở từng mức độ đó.
Về kiến nghị này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định khung thời gian trích khấu hao đối với vườn cây cao su là 6-40 năm, đối với các tài sản khác cũng đã có quy định cụ thể. Vì vậy, trước hết doanh nghiệp cần nghiên cứu và thực hiện theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC nêu trên. Trường hợp thay đổi tỷ lệ trích khấu hao, các doanh nghiệp phải lập phương án cụ thể theo quy định để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, trong đó cần nêu rõ sự ảnh hưởng của việc, tăng giảm khấu hao tài sản cố định đến kết quả sản xuất kinh doanh và nguồn vốn trả nợ các tổ chức tín dụng. Việc thay đổi tỷ lệ khấu hao phải đảm bảo thu hồi vốn đầu tư. Hiện nay, ngoài Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam còn có các doanh nghiệp khác có ngành nghề kinh doanh là trồng, khai thác và chế biến các sản phẩm cao su. Do vậy, trường hợp giảm tỷ lệ trích khấu hao, cần tổ chức lấy ý kiến của các doanh nghiệp ngoài Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để đảm bảo tính minh bạch và áp dụng thống nhất.
2. Kiến nghị 2: Kiến nghị giảm thuế đất trồng cao su và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trồng, sản xuất, chế biến mủ cao su thiên nhiên:
Về kiến nghị này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
a) Về kiến nghị giảm thuế đất trồng cây cao su: Ngày 26/02/2014, Bộ Tài chính đã có công văn 2632/BTC-QLCS hướng dẫn về miễn tiền thuê đất đối với diện tích cao su trồng tái canh trong thời gian kiến thiết cơ bản, nội dung hướng dẫn như sau:
“Tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định: Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước. Trường hợp người thuê đất sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp (trồng cây lâu năm) theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì thời gian xây dựng cơ bản vườn cây được miễn tiền thuê đất áp dụng đối với từng loại cây thực hiện theo quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâu năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Việc miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong thời gian xây dựng cơ bản được thực hiện theo dự án gắn với việc Nhà nước cho thuê đất mới, chuyển từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất, không bao gồm các trường hợp đầu tư xây dựng cải tạo, mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh và tái canh vườn cây trên diện tích đất đang được Nhà nước cho thuê.
Theo quy định trên, diện tích trồng cao su tái canh trong thời gian kiến thiết cơ bản không thuộc đối tượng miễn tiền thuê đất. Trường hợp các Công ty cao su thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã làm thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất cho vườn cây cao su tái canh trước ngày 01/7/2014 (ngày Nghị định số 46/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai trước ngày 01/7/2014.”
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội Cao su Việt Nam thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn nêu trên.
b) Về kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trồng, sản xuất, chế biến mủ cao su thiên nhiên: Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định tại Luật số 14/2008/QH12, Luật số 32/2013/QH13 và Luật số 71/2014/QH13; Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ đã thể hiện ưu đãi cao nhất đối với lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông sản (bao gồm cả cây cao su), cụ thể:
(i) Thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp;
(ii) Áp dụng thuế suất 10% (trong suốt thời gian hoạt động) đối với thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm, bao gồm cả đầu tư để trực tiếp bảo quản hoặc đầu tư cho thuê bảo quản nông sản, thủy sản và thực phẩm.
(iii) Áp dụng thuế suất 15% (trong suốt thời gian hoạt động) đối với thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Do đó, đề nghị Hiệp hội Cao Su Việt Nam hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên thực hiện theo quy định của các văn bản Luật về thuế thu nhập doanh nghiệp nêu trên.
Bộ Tài chính trả lời để Hiệp hội được biết./.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG |