Công văn 49/BXD-KTXD năm 2014 xây dựng đơn giá để lập dự toán xây dựng công trình do Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 49/BXD-KTXD
Ngày ban hành 10/03/2014
Ngày có hiệu lực 10/03/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Phạm Văn Khánh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/BXD-KTXD
V/v: xây dựng đơn giá để lập dự toán xây dựng công trình.

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2014

 

Kính gửi: Sở Giao thông vận tải Hải Dương

Bộ Xây dựng đã nhận được công văn số 201/SGTVT-KHTC ngày 24/01/2014 của Sở Giao thông vận tải Hải Dương về việc hướng dẫn xây dựng đơn giá để lập dự toán xây dựng công trình. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Xây dựng đơn giá nhân công:

a) Theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư­ xây dựng công trình thì đơn giá xây dựng công trình đư­ợc lập trên cơ sở giá thị trường hoặc mức hao phí cần thiết về vật liệu, nhân công và máy thi công để hoàn thành một đơn vị khối l­ượng công tác xây dựng và các yếu tố chi phí có liên quan, cụ thể tại điểm b Khoản 1 đã nêu rõ: “giá nhân công xây dựng đ­ược xác định trên cơ sở tính đúng, tính đủ tiền l­ương nhân công phù hợp với mặt bằng thị trư­ờng lao động phổ biến của từng khu vực, tính theo từng ngành nghề cần sử dụng”; vì vậy, địa phư­ơng tự xác định hệ số điều chỉnh chi phí nhân công trong dự toán xây dựng công trình và đảm bảo nguyên tắc: trên cơ sở tiền l­ương vùng sau khi tính thêm các khoản phụ cấp theo quy định có đơn giá tương ứng với giá nhân công thị trường đối với từng giai đoạn (tháng, quý) làm căn cứ xây dựng đơn giá để lập dự toán xây dựng công trình.

b) Việc điều chỉnh chi phí nhân công để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động phải dựa trên cơ sở mặt bằng giá nhân công thực tế trên thị trường tại từng khu vực thuộc địa phương để xác định hệ số điều chỉnh chi phí nhân công cho phù hợp. Khu vực tỉnh Hải Dương hiện nay áp dụng theo Quyết định số 15/2013/QĐ-UBND ngày 31/7/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương về việc điều chỉnh dự toán và giá hợp đồng xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

c) Đơn giá nhân công theo thị trường để so sánh là đơn giá nhân công trung bình trên thị trường cho mỗi công việc, trong đó không bao gồm các khoản bảo hiểm mà người sử dụng lao động phải nộp cho Nhà nước đã được tính trong chi phí chung (Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp...) hoặc khoản tiền lương mà người lao động được nhận trực tiếp cho ngày công lao động của mình đối với loại công việc thực tế được thực hiện.

d) Hiện nay, Bộ Xây dựng đang triển khai thực hiện việc xây dựng thang bảng lương, bậc lương và mức lương tối thiểu cho ngành xây dựng theo quy định tại Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tiền lương để địa phương thực hiện việc điều chỉnh chi phí tiền lương nhân công trong lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo các quy định hiện hành.

2. Về việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất:

a) Ngày 29/11/1993 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 4076/LĐTBXH-TL giải quyết chế độ tiền lương cho công nhân xây dựng gửi Bộ Xây dựng với nội dung: “do điều kiện sản xuất trong xây dựng cơ bản thường xuyên không ổn định, nên được tính vào đơn giá tiền lương hệ số không ổn định sản xuất với các mức cụ thể khác nhau tùy theo từng công trình, nhưng tối đa không quá 15% lương cấp bậc, chức vụ”.

b) Ngày 30/12/2005 Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 4508/LĐTBXH-TL gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái với nội dung: “các quy định tại công văn số 4076/LĐTBXH-TL nói trên hiện nay vẫn còn hiệu lực thi hành”.

c) Cho đến thời điểm này Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản trả lời các địa phương, tổ chức về việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất như sau:

Do đặc thù của ngành xây dựng, người lao động thường phải di chuyển theo các công trình xây dựng, vì vậy, chi phí nhân công trong dự toán xây dựng công trình còn có thêm phụ cấp không ổn định sản xuất (phụ cấp không ổn định sản xuất là khoản phụ cấp mang tính ngành nghề để bảo đảm cho công nhân làm việc ở các công trường ổn định cuộc sống), do vậy, việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất chi phí nhân công trong dự toán xây dựng công trình là phù hợp.

Việc thanh toán, quyết toán hợp đồng thực hiện theo nội dung trong hợp đồng đã được các bên ký kết và quy định của Nhà nước có liên quan.

3. Về khoản tiền lương phụ 12% và 4% khoán trực tiếp (tính trên lương cấp bậc) là khoản tách từ khoản mục phục vụ thi công trong chi phí chung để đảm bảo khoản chi phí này khoán (trả) vào tiền lương (tiền công) để họ tự mua sắm như: dụng cụ cầm tay, bảo hiểm thông thường....nên các khoản chi phí này được tính trong đơn giá để lập dự toán xây dựng công trình.

Với nội dung trên, Sở Giao thông vận tải Hải Dương tổ chức thực hiện theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, Vụ KTXD, TH.a8.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ KINH TẾ XÂY DỰNG




Phạm Văn Khánh

 

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ