Công văn 4825/BKHĐT-TH năm 2023 về rà soát, đề xuất dự án giao thông đường bộ áp dụng cơ chế chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Số hiệu | 4825/BKHĐT-TH |
Ngày ban hành | 22/06/2023 |
Ngày có hiệu lực | 22/06/2023 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Người ký | Nguyễn Chí Dũng |
Lĩnh vực | Đầu tư |
BỘ KẾ HOẠCH VÀ
ĐẦU TƯ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4825/BKHĐT-TH |
Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2023 |
Kính gửi: |
- Bộ Giao thông vận tải; |
Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 2276/TB-TTKQH ngày 15/5/2023, trên cơ sở Tờ trình số 199/TTr-CP ngày 8/5/2023 của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, để có căn cứ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội theo quy định, đề nghị Quý Bộ và địa phương chỉ đạo đơn vị trực thuộc:
1. Thực hiện rà soát, đề xuất một số dự án giao thông đường bộ có nhu cầu áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trong 03 năm để tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, cụ thể:
- Dự án giao thông đường bộ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư đề nghị áp dụng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư (khác so với quy định tại khoản 2 Điều 69 Luật PPP1). Trong đó, đề nghị làm rõ vốn ngân sách nhà nước, vốn của nhà đầu tư tham gia vào dự án, chi phí giải phóng mặt bằng của dự án.
- Dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương đề nghị giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản và được phép cân đối, sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương nếu có) để thực hiện dự án (khác so với quy định tại khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước và khoản 3 Điều 48 Luật Giao thông đường bộ2).
- Dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương đề nghị giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của một trong các địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án và cho phép Hội đồng nhân dân các tỉnh có dự án đi qua thống nhất việc sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác để đầu tư dự án (khác so với khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước, cụ thể hóa điểm đ khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương3).
2. Văn bản rà soát, đề xuất của Quý Bộ và địa phương đề nghị làm rõ:
- Thông tin dự án: Tên dự án, hình thức đầu tư, dự kiến tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn, địa điểm xây dựng, thực trạng hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, dự kiến thời gian khởi công, hoàn thành.
- Khó khăn, vướng mắc, các biện pháp đã áp dụng nhưng không khắc phục được các khó khăn vướng mắc nêu trên.
- Sự cần thiết áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tại điểm 1 nêu trên, đánh giá tác động và hiệu quả dự án mang lại khi áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.
- Cam kết của các địa phương về phần vốn ngân sách địa phương sẽ bố trí để tham gia thực hiện dự án.
- Nếu được phép áp dụng chính sách đặc thù để thực hiện dự án, các địa phương phải cam kết quyết liệt chỉ đạo, có kế hoạch, biện pháp cụ thể để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, mục tiêu được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Các đề xuất, kiến nghị khác (nếu có).
Đề nghị các Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nội dung nêu trên, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/7/2023 để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ và địa phương./.
|
BỘ TRƯỞNG |
1 Khoản 2 Điều 69 Luật PPP quy định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP (bao gồm hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm) không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.
2 Khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác...”. Khoản 3 Điều 48 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì đường bộ quy định như sau: a) Hệ thống quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm; b) Hệ thống đường tỉnh, đường đô thị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm....”.
3 Khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước quy định: “Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm”.
Điểm đ khoản 2 Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “Những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp huyện; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương cấp tỉnh; những vấn đề liên quan đến phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước ở trung ương, trừ trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ có quy định khác.”