Công văn 4606/BGDĐT-GDĐH năm 2024 thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 4606/BGDĐT-GDĐH
Ngày ban hành 23/08/2024
Ngày có hiệu lực 23/08/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Hoàng Minh Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4606/BGDĐT-GDĐH
V/v thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2024

 

 

Kính gửi:

- Các đại học, học viện, trường đại học;
- Các trường cao đẳng sư phạm.

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm (sau đây gọi là cơ sở đào tạo) thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm năm học 2024 - 2025 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành theo các chương trình hành động, chương trình công tác trong nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong toàn hệ thống; chuẩn bị tốt các tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của giáo dục đại học (GDĐH), thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm.

2. Các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá bao gồm:

a) Hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị đại học, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, cải thiện các chỉ số hoạt động của mỗi cơ sở đào tạo, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

b) Đổi mới mạnh mẽ chương trình và phương thức đào tạo gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm theo định hướng phát triển của các vùng và địa phương.

c) Tăng cường ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong toàn hệ thống giáo dục đại học, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý và quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra, đánh giá, tạo tác động tích cực cho đổi mới giáo dục phổ thông.

d) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, then chốt, công nghệ cao.

đ) Tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chuẩn bị tốt các đề án, dự án theo các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị; các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án do Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao của Việt Nam, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản trị, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo đúng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước

a) Hoàn thiện chiến lược, quy hoạch phát triển của mỗi cơ sở đào tạo trong giai đoạn mới, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, các chiến lược và quy hoạch phát triển ngành kinh tế - xã hội và định hướng phát triển, quy hoạch vùng và địa phương; bối cảnh mới của giáo dục đại học quốc tế và trong nước.

b) Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm số đầu mối và cấp quản lý trung gian trong cơ sở đào tạo, tăng cường phân cấp quản lý nhất là về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo đúng tinh thần tự chủ đại học; triển khai thành lập hội đồng trường, kiện toàn các vị trí lãnh đạo theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học và nghị định hướng dẫn của Chính phủ; thực hiện việc bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường, hội đồng đại học công lập.

c) Rà soát, hoàn thiện các văn bản, quy chế nội bộ theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan tới giáo dục đại học; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi pháp luật đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đại học.

d) Thực hiện đầy đủ trách nhiệm công khai hoạt động của cơ sở giáo dục đại học theo quy định. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý, các điều kiện bảo đảm chất lượng và kết quả hoạt động của cơ sở đào tạo; kết nối liên thông, cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời và nhất quán trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS).

2. Tăng cường đào tạo, thu hút và phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt cho các ngành STEM và những ngành trọng điểm khác; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cốt lõi cho giảng viên

a) Rà soát, quy hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, đáp ứng chuẩn cơ sở giáo dục đại học, chuẩn chương trình đào tạo các lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo, bảo đảm các điều kiện về mở ngành, phù hợp với quy mô tuyển sinh, đào tạo.

b) Tận dụng khai thác các nguồn học bổng, tạo điều kiện và thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết để có nhiều giảng viên được đi học nâng cao trình độ, nhất là đi học tiến sĩ theo Đề án 89; ưu tiên giảng viên các ngành STEM phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao và các lĩnh vực trọng điểm khác của đất nước.

c) Xây dựng chế độ làm việc, đánh giá và đãi ngộ giảng viên theo trình độ, năng lực, vị trí việc làm và kết quả thực hiện công việc nhằm thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi, nhất là trong các ngành có cạnh tranh mạnh với khu vực công nghiệp về thu hút nhân tài.

d) Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên tự đào tạo, bồi dưỡng về năng lực ngoại ngữ, năng lực nghiệp vụ sư phạm, năng lực tổ chức và thực hiện nghiên cứu, năng lực ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dạy và học, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo.

đ) Các trường sư phạm tập trung vào đào tạo mới nguồn nhân lực giáo dục chất lượng cao, đồng thời ưu tiên hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

3. Hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông

a) Hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo kế hoạch chung, bảo đảm thực hiện chỉ tiêu và phương thức đã công bố trong Đề án, phù hợp với quy chế của Bộ GDĐT và của cơ sở đào tạo; kiểm soát chặt chẽ rủi ro và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ và kịp thời theo quy định.

b) Hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.

c) Các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên chủ động làm việc với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề xuất với cơ quan quản lý trực tiếp về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Đổi mới, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động và nhu cầu học tập đa dạng của người học trong bối cảnh mới

a) Thực hiện rà soát, đổi mới, hiện đại hoá chương trình đào tạo theo chuẩn chương trình đào tạo, trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung các môn học hoặc lồng ghép vào chương trình đào tạo các nội dung đáp ứng yêu cầu phát triển các lĩnh vực, ngành theo chiến lược, chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt[1].

[...]