Công văn 4697/BGDĐT-QLCL năm 2024 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 4697/BGDĐT-QLCL
Ngày ban hành 26/08/2024
Ngày có hiệu lực 26/08/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Phạm Ngọc Thưởng
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4697/BGDĐT-QLCL
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2024 - 2025

Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng).

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn các Sở GDĐT triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng (QLCL) năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên như sau:

A. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025. Đây là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, do đó các đơn vị cần chủ động và có kế hoạch triển khai từ sớm công tác chuẩn bị cho Kỳ thi và công tác tuyên truyền, trong đó cần tham gia góp ý tích cực, hiệu quả cho các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thi thử khi có điều kiện, tập huấn các quy định, nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên và cán bộ tham gia tổ chức Kỳ thi; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt chi phí và tăng cường hiệu quả các khâu của tổ chức Kỳ thi.

2. Tiếp tục đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, khách quan, minh bạch ở tất cả các khâu các Kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) từ cấp địa phương đến cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

3. Tiếp tục bảo đảm nguồn lực và triển khai hiệu quả, thực chất công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) đối với trường mầm non, cơ sở giáo dục (CSGD) phổ thông, thường xuyên và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường mầm non, CSGD phổ thông theo đúng quy định pháp luật; khai thác, sử dụng dữ liệu kết quả KĐCLGD để phục vụ cho công tác quản lý, làm cơ sở cho việc huy động và phân bổ nguồn lực được hiệu quả để đầu tư cải tiến chất lượng và nâng cao chất lượng giáo dục.

4. Tăng cường công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ (VBCC) và thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong quản lý VBCC, dịch vụ công trong quản lý VBCC, công khai thông tin về cấp VBCC theo quy định. Chú trọng việc quản lý các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với việc sát hạch và cấp các loại chứng chỉ do các CSGD tổ chức và thực hiện. Tăng cường quản lý việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định và phân cấp. Có biện pháp hiệu quả để khắc phục tình trạng làm giả, mua bán, sử dụng VBCC giả. Từng bước nâng cao năng lực thực hiện công tác quản lý VBCC tại các CSGD bảo đảm đúng quy định.

5. Chỉ đạo và thực hiện kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quy định của Bộ GDĐT về công khai trong hoạt động của các CSGD thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT.

6. Triển khai các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc gia và quốc tế hiệu quả theo kế hoạch, phản ánh đúng kết quả dạy, học của các cấp học. Chủ động tham mưu để bảo đảm nguồn lực để triển khai hiệu quả Kế hoạch được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là UBND cấp tỉnh) ban hành để thực hiện “Đề án phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022-2030” ban hành kèm theo Quyết định số 468/QĐ-BGDĐT ngày 13/02/2023 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.

B. CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Công tác thi và đánh giá chất lượng giáo dục

1. Đối với Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025:

a) Tăng cường chức năng quản lý, gắn trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND cấp tỉnh và Sở GDĐT trong chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tại địa phương.

b) Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi đến các cấp cơ sở; Tổ chức góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi và chủ động đánh giá tác động tại địa phương.

c) Tiếp tục tập huấn các đội ngũ giáo viên để xây dựng câu hỏi thi và tham gia đóng góp câu hỏi thi/đề thi cho Thư viện câu hỏi thi theo hướng mở để phục vụ công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

d) Làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho Kỳ thi; tăng cường quán triệt Quy chế thi; nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát và phòng chống sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử tại địa phương.

đ) Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; tích cực tham gia thử nghiệm các phần mềm tổ chức thi bảo đảm khả thi và hiệu quả.

e) Phân tích, đánh giá và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT để phục vụ công tác quản lý chuyên môn và ban hành chính sách.

2. Đối với các kỳ thi chọn HSG cấp quốc gia, dự thi Olympic khu vực và quốc tế:

Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, bồi dưỡng, thi chọn HSG, triển khai thực hiện Quy chế thi chọn HSG cấp quốc gia. Tổ chức các kỳ thi chọn HSG cấp quốc gia bảo đảm mục đích, yêu cầu, dự thi Olympic khu vực và quốc tế.

3. Đối với các chương trình đánh giá diện rộng quốc gia, quốc tế:

a) Chuẩn bị chu đáo và triển khai thực hiện khảo sát chính thức Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) chu kỳ 2025 trên máy tính tại địa phương: Xây dựng kế hoạch chi tiết huy động, bố trí kinh phí, trang bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực triển khai; tham mưu với chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền; chỉ đạo các CSGD phổ thông thực hiện tốt công tác chuẩn bị dữ liệu hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

b) Triển khai thực hiện khảo sát thử nghiệm Chương trình Đánh giá diện rộng kết quả học tập của học sinh lớp 5, lớp 9, lớp 11.

c) Tạo điều kiện, cử cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn và tập huấn lại khung kỹ thuật, phương pháp, công cụ đánh giá của các chương trình đánh giá diện rộng cấp quốc gia, làm cơ sở vận dụng đánh giá người học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

d) Triển khai hiệu quả, phù hợp tại địa phương Đề án “Phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022-2030” được UBND cấp tỉnh ban hành.

II. Công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục

1. Tích cực tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, gắn kết quả KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia với nghị quyết của các cấp về phát triển nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong từng giai đoạn[1]; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, sử dụng kết quả KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia làm cơ sở đề xuất bổ sung nhân lực, thực hiện đầu tư cho các cấp học trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-2030 của địa phương.

2. Sử dụng kết quả KĐCLGD và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở đề xuất xây dựng, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải tiến chất lượng, lan tỏa các kinh nghiệm tốt, ưu tiên bổ sung nhân lực và các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục 2018 tại địa phương.

[...]