Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Công văn 4600/BVHTTDL-TCTDTT năm 2020 về phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng và cung cấp số liệu về hoạt động kinh tế thể thao do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

Số hiệu 4600/BVHTTDL-TCTDTT
Ngày ban hành 09/12/2020
Ngày có hiệu lực 09/12/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
Người ký Hoàng Đạo Cương
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 4600/BVHTTDL-TCTDTT
V/v phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng và cung cấp số liệu về hạt động kinh tế thể thao

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Công văn số 5353-CV/BKTTW ngày 10 tháng 11 năm 2020 của Ban Kinh tế Trung ương về việc phối hợp rà soát, đánh giá thực trạng và cung cấp số liệu về hoạt động kinh tế thể thao ở nước ta để xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế thể thao của Việt Nam trong tình hình mới”.

Để có cơ sở xây dựng báo cáo thực trạng hoạt động kinh tế thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức rà soát, đánh giá và cung cấp số liệu về hoạt động kinh tế thể thao từ năm 2011 đến 2019 (có đề cương kèm theo).

Báo cáo đề nghị gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Tổng cục Thể dục thể thao, số 36 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội) trước ngày 31 tháng 01 năm 2021, đồng thời gửi qua địa chỉ Email: kimhoan1412@yahoo.com để tổng hợp báo cáo Ban Kinh tế Trung ương./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/thành;
- Lưu: VT; TDTCTT, NKH (130).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Đạo Cương

 

ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG KINH TẾ THỂ THAO
(Kèm theo Công văn số:   /BVHTTDL-TCTDTT ngày   tháng   năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

I. Bối cảnh, đặc điểm

Khái quát về tình hình địa phương; những thuận lợi, khó khăn trong phát triển kinh tế thể thao ở địa phương

II. Thực trạng hoạt động kinh tế thể thao và công tác quản lý hoạt động kinh tế thể thao tại địa phương

1. Thực trạng hoạt động kinh tế thể thao

Thống kê, tổng hợp số liệu, đánh giá về quy mô, mức độ phát triển của các loại hình kinh tế thể thao trên địa bàn địa phương, cụ thể đối với các hoạt động kinh tế sau đây:

a) Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thể thao (các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; số lượng, loại hình các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thể thao đã đăng ký/được cấp phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật; ước tính doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thể thao).

b) Hoạt động quảng cáo, tài trợ, khai thác bản quyền về TDTT (loại hình, sản phẩm quảng cáo, tài trợ; việc khai thác thương hiệu, bản quyền trong lĩnh vực thể thao; ước tính doanh thu từ hoạt động quảng cáo, tài trợ, khai thác bản quyền về TDTT).

c) Hoạt động kinh tế truyền thông trong lĩnh vực thể thao.

d) Khai thác nguồn thu từ tổ chức sự kiện thể thao.

đ) Khai thác nguồn thu của các cơ sở thể thao công lập trên địa bàn.

e) Các hoạt động kinh tế thể thao khác (đào tạo, chuyển nhượng vận động viên, huấn luyện viên chuyên nghiệp; đào tạo nhân viên, hướng dẫn viên thể thao; hoạt động du lịch thể thao...).

g) Kết quả thu ngân sách từ các hoạt động kinh tế thể thao của địa phương trong những năm qua; ước tính tỷ trọng đóng góp cho ngân sách địa phương từ các hoạt động kinh tế thể thao.

2. Công tác quản lý hoạt động kinh tế thể thao

a) Thực trạng công tác quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thể thao (quản lý việc thành lập, đăng ký hoạt động, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm...)

b) Thực trạng công tác quản lý đối với các hoạt động tài trợ, quảng cáo, khai thác bản quyền; kinh tế truyền thông thể thao; kinh doanh hoạt động thể thao của câu lạc bộ chuyên nghiệp; hoạt động môi giới, chuyển nhượng vận động viên chuyên nghiệp; hoạt động thể thao giải trí, du lịch, mạo hiểm và các hoạt động kinh tế thể thao khác.

c) Việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao của Chính phủ tại địa phương; các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương nhằm ưu đãi, khuyến khích phát triển hoạt động kinh tế thể thao (nếu có).

d) Thực trạng công tác quản lý, khai thác, sử dụng các công trình thể thao trên địa bàn; việc chỉ đạo chuyển đổi mô hình, đổi mới phương thức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực thể dục thể thao nhằm phát huy hiệu quả hoạt động, tạo nguồn thu đóng góp cho ngân sách.

3. Đánh giá chung

Nêu những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế; những bài học kinh nghiệm trong hoạt động kinh tế thể thao tại địa phương.

[...]