Công văn 436/UBDT-CSDT năm 2015 về triển khai nội dung giám sát của Quốc hội khóa XIII do Ủy ban Dân tộc ban hành

Số hiệu 436/UBDT-CSDT
Ngày ban hành 13/05/2015
Ngày có hiệu lực 13/05/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Uỷ ban Dân tộc
Người ký Sơn Phước Hoan
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 436/UBDT-CSDT
V/v triển khai nội dung giám sát của Quốc hội khóa XIII

Hà Nội, ngày 13 tháng 05 năm 2015

 

Kính gửi: Ủy ban thường vụ Quốc hội

Thực hiện Văn bản số 1465/VPCP-V.III ngày 03/3/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015. Ủy ban Dân tộc đã xây dựng 02 báo cáo:

- Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13, ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (kèm theo văn bản).

- Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 539/NQ-UBTVQH13, ngày 30/10/2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (kèm theo văn bản).

Về thực hiện nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn: Ủy ban Dân tộc đã trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2015. Theo yêu cầu của Quốc hội, báo cáo tổng hợp đến hết năm 2014 nên Ủy ban Dân tộc không đưa nội dung, đã trả lời chất vấn tại báo cáo này.

Ủy ban Dân tộc trân trọng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Hội đồng Dân tộc Quốc hội;
- Ủy ban các vấn đề XH;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b.cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng, PCN;
- Website của UBDT;
- Lưu VT, CSDT (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Sơn Phước Hoan

 

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 539/NQ-UBTVQH13 NGÀY 30/10/2012 VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ.
(Kèm theo văn bản số: 436/UBDT-CSDT ngày 13/5/2015 của Ủy ban Dân tộc)

Căn cứ nội dung Nghị quyết số 539/NQ-UBTVQH13, ngày 30/10/2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành và địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết. Dưới đây là những đánh giá về kết quả thực hiện:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 539/NQ-UBTVQH13.

1. Các số liệu, chỉ tiêu tình hình liên quan đến vấn đề trước khi thực hiện Nghị quyết.

1.1. Thực trạng về thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm qua.

- Chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được thực hiện từ năm 2002, đến giai đoạn 2009 - 2011: Có khoảng 347.457 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở. Trong đó, số hộ thiếu đất sản xuất là 142.444 hộ, thiếu đất ở là 39.526 hộ, số hộ có nhu cầu nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng là 15.533 hộ, số lao động có nhu cầu được đào tạo nghề để chuyển đổi ngành nghề là 136.801 lao động/ 136.801 hộ, số lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động 13.153 lao động/13.153 hộ.

- Giai đoạn 2012 - 2015:

Sau nhiều năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trên địa bàn các tỉnh thực hiện theo các Quyết định 134, 1592, 755, 74, 29, đến nay vẫn còn khoảng 360.167 hộ thiếu đất sản xuất và đất ở, trong đó: 37.199 hộ thiếu đất ở; 355.943 hộ thiếu đất sản xuất; 238.975 hộ có nhu cầu chuyển đổi nghề; 72.733 hộ có nhu cầu giao khoán bảo vệ và trồng rừng với 258.463 ha; 8.461 lao động đi xuất khẩu lao động; nhu cầu tổ chức ĐCĐC cho khoảng 29.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

1.2. Nguyên nhân thiếu đất ở; đất sản xuất trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đa số đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở khu vực miền núi và cao nguyên, mặc dù vùng đất này có diện tích lớn, nhưng diện tích canh tác đất nông nghiệp ít chủ yếu đất có độ dốc lớn, nhiều núi đá, địa hình phức tạp, thường bị thiên tai, lũ ống, lũ quét, lở đất, khí hậu khắc nghiệt, đất ngày càng nghèo kiệt bạc màu, đất không có nguồn nước... Một bộ phận người dân còn tập quán du canh, du cư phát nương làm rẫy, ít quan tâm đến thâm canh, bảo vệ đất để canh tác ổn định lâu dài và chưa quan tâm đến việc xác định chủ quyền sử dụng đất.

Dân số ở vùng dân tộc và miền núi tăng nhanh cả về mặt tự nhiên và cơ học. Chỉ tính riêng khu vực Tây Nguyên sự có mặt đồng bào Kinh từ đồng bằng lên và các dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc vào (chủ yếu là các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường...) đã làm cho số lượng dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên tăng từ 15 dân tộc năm 1976 lên 43 dân tộc vào năm 2005, đến nay đã gần đủ 54 dân tộc.

Tình trạng mua bán chuyển nhượng đất đai ở nhiều nơi mà người mua thường là dân cư mới đến bên bán thường là người dân tộc thiểu số tại chỗ, vì vậy làm phát sinh tình trạng một bộ phận dân tộc tại chỗ lâm vào cảnh thiếu đất sản xuất hoặc trở thành người làm thuê cho các dân tộc mới đến hoặc phải phá rừng làm rẫy.

Loại đất được mua bán chủ yếu là đất sản xuất. Đối tượng được chuyển nhượng thường là dân tộc mới đến, bao gồm dân di cư tự do, dân kinh tế mới, cán bộ nhà nước và người có tiền từ các tỉnh, thành phố từ đồng bằng lên.

Phát triển nông, lâm trường: Triển khai chủ trương của nhà nước về phát huy thế mạnh nông-lâm, ngay sau năm 1975 đến những năm đầu thập niên 1980 hàng loạt nông lâm trường quốc doanh nhanh chóng được thành lập, bao gồm các nông trường cà phê, cao su, chè, dâu tằm, chăn nuôi, các liên hiệp xí nghiệp nông, lâm trường khác nhau do Trung ương, các tỉnh và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn quản lý.

Toàn bộ đất sản xuất được đưa vào nông, lâm trường quốc doanh, do trình độ của lao động dân tộc thiểu số còn hạn chế không đáp ứng được nên đã ra khỏi nông, lâm trường nhưng không được trả lại đất, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu đất sản xuất và phân hóa đất đai.

Quá trình quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng các dự án hạ tầng, đường giao thông, thủy lợi, thủy điện, xây dựng khu công nghiệp, khai thác khoáng sản, xây dựng các công trình an ninh quốc phòng... cũng gây ảnh hưởng, xáo trộn lớn về đất ở, giảm nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Các giải pháp tạo quỹ đất từ việc thu hồi đất của các dự án, doanh nghiệp, nông, lâm trường kém hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích để cấp cho các hộ nghèo thiếu đất đạt kết quả thấp.

2. Hoạt động chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết

[...]