Công văn 3120/BTP-PBGDPL năm 2014 hướng dẫn thực hiện chỉ đạo về đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật của Bộ Tư pháp
Số hiệu | 3120/BTP-PBGDPL |
Ngày ban hành | 15/07/2014 |
Ngày có hiệu lực | 15/07/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Người ký | Nguyễn Thúy Hiền |
Lĩnh vực | Giáo dục,Văn hóa - Xã hội |
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3120/BTP-PBGDPL |
Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ; |
Ngày 27/6/2014, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 4793/VPCP-PL thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng đánh giá tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (các nội dung khác của Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg vẫn tiếp tục triển khai thi hành) và tổ chức làm thử việc đánh giá tại các tỉnh: Quảng Bình, Thái Bình, Điện Biên, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh. Để Quyết định số 09/2013/QĐ- TTg và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Khoản 3 Điều 12 của Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở ban hành kèm theo Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg (sau đây gọi tắt là Quy định); chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc phạm vi quản lý ở các tỉnh Quảng Bình, Thái Bình, Điện Biên, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai làm thử việc đánh giá, công nhận, biểu dương, khen thưởng đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo điểm 2 Công văn số 4793/VPCP-PL.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao liên quan đến xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 Điều 12 của Quy định và hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 7730/BTP- PBGDPL ngày 18/11/2013 về việc triển khai Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (trừ điểm 4 và điểm 5); đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở năm 2015 ở địa phương theo điểm 1 Công văn số 2961/BTP-PBGDPL ngày 03/7/2014 của Bộ Tư pháp về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và hòa giải ở cơ sở năm 2015.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Thái Bình, Điện Biên, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh, nơi được lựa chọn triển khai làm thử việc đánh giá, công nhận, biểu dương, xếp hạng, khen thưởng ở 03 cấp đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở theo điểm 2 Công văn số 4793/VPCP-PL, khẩn trương triển khai thực hiện các công việc sau đây:
a) Tổ chức quán triệt, tập huấn nghiệp vụ, quy trình đánh giá tiếp cận pháp luật cho các cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở địa phương bằng hình thức thích hợp trên cơ sở tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Tư pháp. Việc tập huấn hoàn thành xong trước ngày 15/8/2014 (Bộ Tư pháp sẽ hỗ trợ về báo cáo viên nếu địa phương có nhu cầu).
b) Thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật ở cấp tỉnh và chỉ đạo thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật ở cấp huyện, cấp xã (ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Tư pháp).
c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện tổ chức đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy trình tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 7 và Khoản 2 Điều 8 của Quy định; tổ chức đánh giá, cấp Giấy chứng nhận các xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy trình nêu tại Khoản 5 Điều 7 và Khoản 3 Điều 8 của Quy định và hướng dẫn về nghiệp vụ đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn và tiêu biểu về tiếp cận pháp luật của Bộ Tư pháp.
Việc đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) kể từ 01/9/2014 và kết thúc trước ngày 20/11/2014. Thời điểm đánh giá tính từ 01/7/2013 đến hết 30/6/2014. Hồ sơ đánh giá tiếp cận pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30/11/2014.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ 5 tỉnh, thành phố được lựa chọn làm thử) báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg năm 2014 cùng với báo cáo chung về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm và gửi về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật). Nội dung báo cáo cần nêu rõ các hoạt động đã được thực hiện để triển khai thi hành Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và kiến nghị, đề xuất cụ thể các giải pháp để triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Báo cáo của địa phương cần nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh, nhất là tính khả thi của các chỉ tiêu, tiêu chí; các giải pháp cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật tại địa phương; sáng kiến, kinh nghiệm trong xây dựng địa phương tiếp cận pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh Điện Biên, Thái Bình, Quảng Bình, Cà Mau và thành phố Hồ Chí Minh có báo cáo riêng về kết quả thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg năm 2014 và kết quả làm thử theo Công văn số 4793/VPCP-PL theo các nội dung nêu tại điểm 4 Công văn này; đồng thời báo cáo cụ thể về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và việc thực hiện quy trình đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở địa phương, trong đó tập trung vào các nội dung sau đây:
- Kết quả đánh giá cụ thể địa phương đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (xã, phường; quận, huyện);
- Kết quả tự đánh giá địa phương đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của cấp mình.
- Tính hợp lý, khả thi, hiệu quả của việc thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật ở 3 cấp cũng như về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Hội đồng trên thực tiễn.
- Đánh giá về tính khả thi, thuận lợi hoặc không phù hợp, bất cập, vướng mắc về quy trình đánh giá; thời hạn đánh giá; các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật (về khả năng thống kê, cập nhật thông tin, số liệu của từng chỉ tiêu phục vụ chấm điểm; tính phù hợp của các chỉ tiêu, tiêu chí, thực tế triển khai thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí ở cấp xã...); nguồn lực bảo đảm thực hiện, bao gồm đội ngũ cán bộ thực hiện theo dõi, chấm điểm, đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, kinh phí và các điều kiện bảo đảm khác.
Căn cứ vào hướng dẫn trên đây, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, số điện thoại 04.62739469) để được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |