Công văn 4251/LĐTBXH-TTr năm 2014 hướng dẫn công tác thanh tra năm 2015 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Số hiệu | 4251/LĐTBXH-TTr |
Ngày ban hành | 12/11/2014 |
Ngày có hiệu lực | 12/11/2014 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Người ký | Nguyễn Thanh Hòa |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4251/LĐTBXH-TTr |
Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương; |
Trên cơ sở Kế hoạch thanh tra năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, định hướng Chương trình công tác thanh tra năm 2015, Công văn số 2546/TTCP-KHTCTH ngày 21/10/2014 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn công tác thanh tra năm 2015 của ngành như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Hoàn thành tốt các công việc theo kế hoạch và đột xuất đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao lập thành tích chào mừng 70 năm ngày thành lập ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (28/8) và 70 năm thành lập ngành thanh tra Việt Nam (23/11); hoạt động thanh tra của đơn vị vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước của ngành, vừa tập trung vào các nội dung, lĩnh vực phát sinh nhiều phản ánh, tiêu cực.
2. Đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật thanh tra, pháp luật xử lý vi phạm hành chính, các quy định của pháp luật chuyên ngành trong quá trình thực hiện hoạt động thanh tra nhằm tăng cường pháp chế; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
3. Thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chú trọng kiểm tra việc thực hiện kiến nghị tại các đơn vị đã được thanh tra còn sai phạm và những đơn vị đã được Thanh tra Bộ ủy quyền theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị. Xử lý nghiêm các đối tượng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ quyết định thanh tra, quyết định xử phạt, thu hồi.
4. Chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng chống tham nhũng nhằm hạn chế khiếu nại, tố cáo kéo dài. Nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đặc biệt các vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều người, nhiều lĩnh vực nhằm phục vụ Đại hội Đảng các cấp; đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng.
5. Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định của pháp luật còn nhiều bất cập, vướng mắc; kiến nghị xây dựng các văn bản hướng dẫn việc thực hiện chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn.
II. NỘI DUNG CÔNG TÁC
Trên cơ sở Kế hoạch thanh tra năm 2015 của Bộ và chỉ đạo của địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố (sau đây gọi là Sở), Tổng cục Dạy nghề và Cục Quản lý lao động ngoài nước xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở, của đơn vị theo các nội dung cụ thể như sau:
1.1. Thanh tra hành chính
Thực hiện công tác thanh tra hành chính, phòng, chống tham nhũng đối với cơ quan, đơn vị trực thuộc quyền quản lý của Sở, trong đó tập trung thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu; công tác đầu tư xây dựng cơ bản.
1.2. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành
a) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động
- Thanh tra chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động trước, trong và sau tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.
- Tiếp tục triển khai thực hiện việc phát, thu hồi, phân tích và xử lý Phiếu tự kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp, tập trung vào các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hóa chất, dệt may, chế biến thủy sản. Triển khai thanh tra tại doanh nghiệp không báo cáo kết quả tự kiểm tra theo Phiếu tự kiểm tra hoặc những doanh nghiệp có nhiều vi phạm sau khi xử lý Phiếu tự kiểm tra.
- Điều tra tai nạn lao động theo quy định và báo cáo ngay về Bộ các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng để Bộ xem xét, chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về đưa lao động Việt Nam đi làm việc ớ nước ngoài theo hợp đồng. Kịp thời ngăn chặn và xử lý các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc doanh nghiệp có nhiều hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; theo dõi và nắm bắt tình hình lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên địa bàn.
c) Thanh tra việc thực hiện chính sách người có công
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc xác lập hồ sơ thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; ưu tiên thanh tra, kiểm tra tại những địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh.
d) Thanh tra việc thực hiện chính sách đối với trẻ em
Chú trọng thanh tra việc thực hiện chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo hành; quản lý và thống kê được số lượng trẻ em làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn để theo dõi việc sử dụng và bảo đảm quyền lợi của trẻ em tại các doanh nghiệp này.
đ) Thanh tra về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
Tiếp tục thực hiện thanh tra theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
e) Thanh tra việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội; lựa chọn những vấn đề cần thiết trong các nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội: bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp để xây dựng kế hoạch thanh tra.