Công văn 2546/TTCP-KHTCTH năm 2014 hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2015 do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 2546/TTCP-KHTCTH
Ngày ban hành 21/10/2014
Ngày có hiệu lực 21/10/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Huỳnh Phong Tranh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2546/TTCP-KHTCTH
V/v hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2015

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Chánh thanh tra các Bộ, ngành Trung ương; Chánh thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 7972/VPCP-KNTN ngày 10/10/2014 của Văn phòng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng chương trình công tác thanh tra năm 2015, Thanh tra Chính phủ gửi Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn xây dựng Kế hoạch công tác thanh tra năm 2015 như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về thanh tra, gắn với việc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước. Hoạt động thanh tra vừa bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, vừa bám sát, đáp ứng được các yêu cầu của việc phát triển kinh tế, xã hội ở các cấp, các ngành; tăng cường công tác quản lý nhà nước về thanh tra. Hoạt động thanh tra tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đồng thời chú trọng việc thực hiện có hiệu quả các kiến nghị, kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là đối với các vụ việc vi phạm pháp luật đã chuyển sang cơ quan điều tra để khởi tố vụ án hình sự.

2. Thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Triển khai thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành; tập trung thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, kéo dài, phức tạp; tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các cấp, các ngành.

3. Triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về phòng chống tham nhũng, lãng phí, gắn với triển khai thanh tra việc thực hiện trách nhiệm nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và cơ chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác thanh tra

1.1. Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ

a) Thanh tra hành chính:

- Thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự quản lý trực tiếp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản, hoạt động sự nghiệp có thu, công tác đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ, dự án BOT, BT; việc chấp hành các quy định của pháp luật trên thị trường chứng khoán, bảo hiểm; chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách; tình hình vay, đầu tư, khả năng trả nợ; việc quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu; việc thu, chi kinh phí đào tạo dạy nghề; chấp hành các quy định của pháp luật về giá gắn liền với công khai, minh bạch trong điều hành giá đối với các mặt hàng thiết yếu và bình ổn giá.

- Thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra; trách nhiệm thực thi công vụ.

- Thanh tra lại các cuộc thanh tra do các đơn vị trực thuộc bộ, ngành Trung ương tiến hành thanh tra và kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra các vụ việc do Bộ trưởng giao.

b) Thanh tra chuyên ngành:

Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực do bộ, ngành, trong đó tập trung vào những vấn đề mà dư luận quan tâm1.

1.2. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố, thị xã trong công tác quản lý nhà nước tập trung vào: công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, giao đất, giao rừng; giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất, tổ chức tái định cư; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý đầu tư xây dựng; tài chính ngân sách, đầu tư mua sắm tài sản; việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

- Thanh tra việc quản lý và sử dụng vốn, việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc tỉnh, thành phố. Thanh tra các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập trung sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ODA, BT, BOT, nguồn vốn ngân sách lớn.

- Thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; quyết định thanh tra lại các cuộc thanh tra đã được các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố, thị xã tiến hành và kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

- Thanh tra chuyên đề theo từng lĩnh vực (khi xét thấy cần thiết).

- Kiểm tra việc xây dựng, thực hiện kế hoạch thanh tra và xử lý sau thanh tra tại các sở và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố, thị xã và đối tượng được thanh tra theo quy định của pháp luật.

2. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính về đất đai; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80%.

- Kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ, coi đây là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành. Mục tiêu là giảm khiếu nại, bức xúc, kéo dài, đoàn đông người.

- Triển khai việc thực hiện Luật Tiếp công dân và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân ở các cấp, các ngành; kiện toàn Ban Tiếp dân các cấp theo quy định của Luật Tiếp dân; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo để nâng cao hiểu biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo của cán bộ, nhân dân (tập trung ở khu vực xã, phường, thị trấn).

[...]