Công văn 4227/BTP-TCTHA năm 2010 thực hiện Thông tư phân cấp, Thông tư Mã số ngạch và vấn đề về tổ chức cán bộ thi hành án dân sự do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 4227/BTP-TCTHA
Ngày ban hành 01/12/2010
Ngày có hiệu lực 01/12/2010
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Đức Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4227/BTP-TCTHA
Về thực hiện Thông tư phân cấp, Thông tư Mã số ngạch và một số vấn đề về tổ chức cán bộ THADS

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2010

 

Kính gửi:

- Cục trưởng Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng,
- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

 

Thực hiện Luật Thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan, vừa qua Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 17/2010/TT-BTP ngày 11 tháng 10 năm 2010 quy định về phân cấp quản lý công chức cơ quan quản lý thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự (sau đây gọi chung là Thông tư số 17/2010/TT-BTP); Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 10/2010/TT-BNV ngày 28 tháng 10 năm 2010 quy định mã số, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chấp hành viên và thư ký thi hành án dân sự (sau đây gọi chung là Thông tư số 10/2010/TT-BNV). Đây là những văn bản quan trọng có liên quan đến tổ chức, cán bộ của ngành Thi hành án dân sự. Để thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tư pháp yêu cầu các đồng chí lưu ý và khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau đây:

1. Về triển khai thực hiện Thông tư phân cấp quản lý cán bộ

Thông tư số 17/2010/TT-BTP đã xác định rõ  nguyên tắc, cấp nào quản lý cán bộ thì chịu trách nhiệm toàn diện đối với đối tượng quản lý đó từ tuyển dụng, nhận xét, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, trừ một số ngạch công chức, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ quản lý một số khâu trong công tác cán bộ, các nhiệm vụ còn lại do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh thực hiện. Vì vậy, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh cần nghiên cứu để thực hiện, bảo đảm đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

Đối với một số trình tự thủ tục đặc thù liên quan đến quản lý công chức, công chức lãnh đạo ngành Thi hành án dân sự, trước mắt tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2008/TT-BTP ngày 26 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về tổ chức cán bộ các cơ quan thi hành án dân sự địa phương trừ trường hợp pháp luật cán bộ, công chức và pháp luật về thi hành án dân sự có quy định khác.

2. Về triển khai bổ nhiệm Chấp hành viên theo quy định mới

2.1. Rà soát, đề nghị bổ nhiệm lại Chấp hành viên theo quy định mới:

Căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ (sau đây gọi chung là Nghị định số 74/2009/NĐ-CP) và tiêu chuẩn đối với từng ngạch Chấp hành viên quy định tại Thông tư số 10/2010/TT-BNV, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức rà soát, nhận xét, đánh giá lại lần cuối và có văn bản đề nghị chính thức việc bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên đối với từng trường hợp cụ thể. Đây là một công việc quan trọng, liên quan đến quyền lợi ích của Chấp hành viên, đồng thời có liên quan đến việc thực hiện quy định mới của Luật Thi hành án dân sự nên việc rà soát, nhận xét, đánh giá và đề nghị bổ nhiệm ngạch Chấp hành viên mới phải bảo đảm dân chủ, khách quan theo các bước:

a) Đối với Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện:

+ Chấp hành viên làm Bản tự kiểm điểm nhận xét đánh giá quá trình công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm gần nhất (theo mẫu đánh giá kiểm điểm nhiệm kỳ Chấp hành viên), tự đề xuất việc bổ nhiệm ngạch Chấp hành viên tương ứng theo quy định.

+ Chi cục Thi hành án dân sự tổ chức nhận xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, khả năng đáp ứng nhiệm vụ và đề xuất việc bổ nhiệm ngạch Chấp hành viên mới đối với từng Chấp hành viên. Thành phần tham gia nhận xét, đánh giá có Lãnh đạo Chi cục, Chấp hành viên của đơn vị.

+ Trên cơ sở kết quả nhận xét, đánh giá, Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có văn bản gửi Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự đề xuất bổ nhiệm ngạch Chấp hành viên (kèm theo Bản tự kiểm điểm của Chấp hành viên; Biên bản nhận xét, đánh giá của Chi cục).

b) Đối với Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh:

+ Chấp hành viên làm Bản tự kiểm điểm nhận xét đánh giá quá trình công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm gần nhất (theo mẫu đánh giá kiểm điểm nhiệm kỳ Chấp hành viên), tự đề xuất việc bổ nhiệm ngạch Chấp hành viên tương ứng theo quy định.

+ Để bảo đảm dân chủ và khách quan, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cần lập Hội đồng nhận xét, đánh giá và đề xuất việc bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên mới đối với Chấp hành viên của các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện trực thuộc và của Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Hội đồng có từ 05 - 07 thành viên (đối với Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể có 09 thành viên), do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự làm Chủ tịch. Các thành viên khác gồm có: Phó Cục trưởng, Đại diện cấp uỷ, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (hoặc Chánh văn phòng đối với những nơi chưa có Phòng Tổ chức cán bộ riêng), Trưởng Phòng nghiệp vụ và Tổ chức thi hành án, Trưởng phòng kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

+ Căn cứ đề xuất của Hội đồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh xem xét, có văn bản đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên theo ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp theo quy định. Trường hợp, ý kiến của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự khác ý kiến của Hội đồng thì Cục trưởng vẫn có quyền đề nghị hoặc không đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên nhưng phải nêu rõ lý do và chịu trách nhiệm về đề xuất của mình.

Do thời gian gấp nên các địa phương cần khẩn trương triển khai thực hiện và gửi kết quả về Tổng cục Thi hành án dân sự, chậm nhất là ngày 20/12/2010. Hồ sơ gửi về Tổng cục Thi hành án dân sự gồm có:

- Bản tự kiểm điểm nhận xét đánh giá của Chấp hành viên;

- Biên bản nhận xét, đánh giá của Chi cục, của Cục Thi hành án dân sự;

- Biên bản họp Hội đồng nhận xét, đánh giá và đề xuất bổ nhiệm ngạch Chấp hành viên mới;

- Công văn đề nghị của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh.

- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ của Chấp hành viên.

- Đối với những trường hợp trước đây là Chấp hành viên cấp tỉnh, do yêu cầu tổ chức cán bộ đã điều động và xếp lương Chấp hành viên cấp huyện thì cần phải báo cáo cụ thể và gửi kèm quyết định xếp lương Chấp hành viên cấp tỉnh trước khi chuyển xếp vào ngạch Chấp hành viên cấp huyện.

- Đối với những trường hợp Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, có đủ điều kiện tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên Trung cấp theo quy định tại Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, nhưng do yêu cầu tổ chức đã điều động về Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh và vẫn giữ ngạch Chấp hành viên cấp huyện thì cần báo cáo và đề xuất cụ thể việc bổ nhiệm ngạch Chấp hành viên theo quy định mới.

c) Đối với Chấp hành viên cấp quân khu: việc rà soát, nhận xét, đánh giá và đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên thuộc các Phòng Thi hành án quân khu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

2.2. Bổ nhiệm ngạch Thư ký thi hành án và Thư ký trung cấp thi hành án:

Căn cứ điều kiện, tiêu chuẩn, vị trí công tác của từng đơn vị, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm Thư ký thi hành án.   

[...]