Công văn 4216/BGDĐT-GDMN năm 2022 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2022-2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 4216/BGDĐT-GDMN
Ngày ban hành 30/08/2022
Ngày có hiệu lực 30/08/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Ngô Thị Minh
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4216/BGDĐT-GDMN
V/v Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2022-2023

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi:

- Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh/thành phố;
- Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu;
- Ban phụ nữ Quân đội.

Thực hiện Quyết định số 2159/QĐ-BGDĐT ngày 05/8/2022 về Khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với Giáo dục Mầm non (GDMN), giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, Bộ GDĐT ban hành Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDMN năm học 2022-2023 như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDMN; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GDMN;

2. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong bối cảnh mới;

3. Nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN, tiếp tục triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025” (LTLTT); triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới;

4. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ em năm tuổi (PCGDMNTNT), thực hiện phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo (PCGDMNTEMG) ở những nơi có điều kiện; phát triển GDMN cho trẻ em dưới 5 tuổi; hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn.

5. Nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về GDMN.

Năm học 2022-2023 GDMN tiếp tục thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục

1.1. Triển khai kịp thời các văn bản, chính sách về GDMN, bảo đảm các điều kiện để thực hiện Chương trình GDMN

- Ngành giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu thực hiện đúng, đủ các quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển GDMN; đặc biệt tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân ban hành danh mục dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, đnh mức kinh tế - kỹ thuật, quy định khung giá và mức giá dịch vụ trong cơ sở giáo dục mầm non công lập, bao gồm: dịch vụ bán trú, dịch vụ giáo dục mầm non ngoài giờ, dịch vụ đưa đón trẻ. Tham mưu ban hành các chính sách của địa phương, đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường lớp, tuyển dụng giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ, tăng cường huy động trẻ ra lớp; đặc biệt quan tâm chính sách nâng cao chất lượng giáo dục mầm non vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo về GDMN1.

- Tham mưu với cấp ủy, chính quyền thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển GDMN của địa phương giai đoạn 2018-2025 phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương.

- Hướng dẫn tổ chức thực hiện, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 11/8/2022 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

1.2. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình

- Giao quyền tự chủ về quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình trước xã hội, người học, cơ quan quản lý; tăng cường sự tham gia của gia đình và xã hội trong giám sát các hoạt động của cơ sở giáo dục; tăng cường công tác đối thoại giữa nhà trường với cha mẹ trẻ và các tổ chức, cá nhân liên quan về các vấn đề xã hội đang quan tâm. Giao quyền chủ động cho CSGDMN, CBQL, giáo viên trong công tác lập Kế hoạch, phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

- Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, quản trị nhà trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong GDMN; đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và thực hiện công khai theo quy định.

- Thực hiện đúng các quy định về quản lý tài chính trong các cơ sở GDMN; tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản thu đầu năm học; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định về quản lý tài chính nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu sai quy định trong các cơ sở GDMN.

- Tăng cường đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt chuyên môn bảo đảm đúng quy định, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ sở GDMN; sử dụng hệ thống hồ sơ sổ sách đúng quy định, khoa học, tinh gọn, hiệu quả đáp ứng việc thực hiện nhiệm vụ trong cơ sở GDMN; thực hiện các biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ sổ sách trong cơ sở GDMN2.

1.3. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với cơ sở GDMN

- Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá của các cấp quản lý giáo dục đối với cơ sở GDMN theo hướng hiệu quả, đề cao vai trò giám sát, tư vấn, hỗ trợ, tránh hình thức gây áp lực cho giáo viên mầm non; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thực chất, hiệu quả nhằm mục đích thực hiện nghiêm túc các quy định và nâng cao chất lượng thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong cơ sở GDMN.

- Tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư trong việc quản lý GDMN, đặc biệt là GDMN tư thục, dân lập. Tăng cường công tác kiểm tra điều kiện và hậu kiểm điều kiện thành lập, cho phép thành lập và cho phép hoạt động các cơ sở GDMN theo quy định; tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về quản lý các nhóm, lớp độc lập tư thục. Kiên quyết đình chỉ các nhóm/lớp độc lập không bảo đảm các điều kiện theo quy định; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm.

2. Rà soát, sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng kiểm định và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia

2.1. Tăng cường công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non, đặc biệt là tại các địa bàn đông dân cư, KCN, KCX; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các cơ sở GDMN dân lập, tư thục để giảm áp lực cho trường mầm non công lập.

2.2. Tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp mầm non theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TW và Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24/8/2018, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các phương án sắp xếp phù hợp với quy định của pháp luật và quy mô phát triển; không sáp nhập các trường mầm non vào các trường phổ thông; tham mưu kế hoạch tách trường mầm non đã sáp nhập vào các trường phổ thông; không sáp nhập trường, điểm trường khi không bảo đảm các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất; việc sáp nhập phải bảo đảm quyền lợi đến trường của trẻ em; bảo đảm mỗi xã, phường có ít nhất một trường mầm non công lập.

2.3. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GDMN.

[...]