Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 4020/BGDĐT-GDTrH năm 2022 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 4020/BGDĐT-GDTrH
Ngày ban hành 22/08/2022
Ngày có hiệu lực 22/08/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Hữu Độ
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4020/BGDĐT-GDTrH
V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023

Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi:

- Các Sở Giáo dục và Đào tạo1;
- Các trường trung học phổ thông trực thuộc.

Thực hiện Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, Quyết định số 2159/QĐ-BGDĐT ngày 05/8/2022 của Bộ GDĐT ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 với các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

A. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 20182 đối với lớp 6, lớp 7 và lớp 10; tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 20063 đối với lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12, bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình năm học; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục trung học.

2. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

3. Thúc đẩy thực hiện đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; thực hiện quản trị trường học dân chủ, kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học.

4. Bảo đảm an toàn trường học; chủ động, linh hoạt thực hiện kế hoạch năm học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

I. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả

1. Xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh4, đồng thời lưu ý thêm một số nội dung sau:

a) Đối với việc bố trí dạy học các môn học, hoạt động giáo dục

Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) bảo đảm thời lượng quy định trong chương trình và bố trí dạy học trong mỗi học kì một cách hợp lý, khoa học. Đối với các môn học, bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường, không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở tất cả các tuần; sắp xếp thời khóa biểu phù hợp cho cả năm học hoặc ít nhất cho từng học kì, bảo đảm số tiết/tuần theo quy định dành cho mỗi giáo viên5.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên được phân công đảm nhận nội dung hoạt động nào phải có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động đó. Giáo viên được phân công đảm nhận các nội dung hoạt động của chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đúng nhiệm vụ của giáo viên thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp6; phân định rõ nhiệm vụ thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành7.

Việc xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn ở lớp 10 thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023 và theo quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành tại Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03/8/2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT; bảo đảm vừa đáp ứng theo nguyện vọng của học sinh vừa sử dụng đầy đủ, hiệu quả đội ngũ giáo viên của nhà trường; tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng kí, lựa chọn các tổ hợp do nhà trường xây dựng đảm bảo khoa học, công khai, minh bạch.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Sở GDĐT, Phòng GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học tăng cường sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về tổ chức thực hiện chương trình; đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục, chủ động ứng phó với các tình huống dịch bệnh và các tình huống bất thường khác; tăng cường phối hợp, huy động, trao đổi giáo viên giữa các trường trong khu vực để sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có.

b) Đối với việc thực hiện các chương trình môn học

Kế hoạch dạy học các môn học thực hiện trong năm học 2022-2023 cần lưu ý việc củng cố, bổ sung những nội dung có liên quan ở lớp học dưới; những kiến thức, kĩ năng còn hạn chế do phải học trực tuyến, học trên truyền hình hoặc các hình thức học tập khác trong các năm học trước vì Covid-19 và tinh giảm nội dung dạy học theo Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH ngày 16/9/2021 về việc hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022.

- Đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006:

Thực hiện dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Khi xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, lưu ý tăng cường bổ trợ các nội dung theo Chương trình giáo dục phổ thông 20188 để chuẩn bị cho học sinh lớp 9 học lên lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với các trường thực hiện mô hình trường học mới, tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4068/BGDĐT-GDTrH ngày 18/8/2016 về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017; Công văn số 3459/BGDĐT- GDTrH ngày 08/8/2017 về việc rà soát, đảm bảo các điều kiện triển khai mô hình trường học mới; Công văn số 1461/BGDĐT-GDTrH ngày 08/4/2019 về việc xét tốt nghiệp học sinh mô hình trường học mới.

- Đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018:

Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023 và quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành tại Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT. Đối với môn Lịch sử, thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử ban hành kèm theo Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 03/8/2022; sử dụng sách giáo khoa Lịch sử lớp 10 đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Đối với các môn chuyên cấp trung học phổ thông thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GDĐT (có văn bản hướng dẫn riêng).

c) Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông; công tác xã hội trong trường học. Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống trong các chương trình môn học và hoạt động giáo dục, bao gồm: học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nội dung pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính, phòng chống tệ nạn xã hội; giáo dục quyền con người; giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực trong gia đình và nhà trường; giáo dục chăm sóc mắt và phòng chống mù, lòa cho học sinh; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo, quốc phòng và an ninh; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giáo dục bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; giáo dục thông qua di sản; giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục an toàn giao thông; giáo dục tăng cường năng lực số, chuyển đổi số và các nội dung giáo dục lồng ghép phù hợp khác theo quy định.

d) Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025: tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể thao học sinh gắn kết với nội dung môn học giáo dục thể chất thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học duy trì nền nếp thực hiện các bài thể dục, tập luyện và tổ chức thi đấu các môn thể thao nhằm phát triển thể lực toàn diện cho học sinh.

đ) Chỉ đạo các trường vùng dân tộc thiểu số (nhất là các trường nội trú, bán trú) có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động trải nghiệm nhằm giáo dục tình cảm, đạo đức, thể chất, kĩ năng sống cho học sinh, đặc biệt là học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường phụ đạo cho học sinh còn hạn chế về kết quả học tập; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và tổ chức dạy học các môn học tiếng dân tộc thiểu số khi có đủ điều kiện theo quy định. Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật; triển khai mô hình giáo dục từ xa cho học sinh khuyết tật không có điều kiện đến trường dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục.

2. Thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học

a) Xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học; việc xây dựng kế hoạch bài dạy bảo đảm đủ thời gian để học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập đã đặt ra, tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài dạy. Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành, cách thức thực hiện linh hoạt để tổ chức dạy học phát huy tính tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh.

[...]