Công văn 4189/BTP-BTNN năm 2016 phối hợp triển khai nhiệm vụ trọng tâm về công tác bồi thường năm 2017 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 4189/BTP-BTNN
Ngày ban hành 25/11/2016
Ngày có hiệu lực 25/11/2016
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Nguyễn Khánh Ngọc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4189/BTP-BTNN
V/v phối hợp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác bồi thường năm 2017

Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2016

 

Kính gửi:

- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Năm 2016, công tác bồi thường đã được Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), các Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là các Bộ), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tiếp tục quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và đã đạt được những kết quả đáng kể, nhất là trong việc xây dựng dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) (sửa đổi). Dự kiến trong năm 2017, dự án Luật sẽ được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2017). Do đó, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi thường và triển khai có hiệu quả Luật TNBTCNN (sửa đổi), Bộ Tư pháp trân trọng đề nghị TANDTC, VKSNDTC, các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường năm 2017, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

I. Đối với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp trong việc hoàn thiện dự án Luật TNBTCNN (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.

2. Chuẩn bị triển khai thi hành Luật TNBTCNN (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, bao gồm các công việc sau đây:

a) Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN (sửa đổi), đồng thời, chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN (sửa đổi) trong phạm vi do mình quản lý;

b) Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN (sửa đổi);

c) Chuẩn bị đủ điều kiện về các nguồn lực để tổ chức triển khai thi hành Luật TNBTCNN (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bảo đảm đúng Kế hoạch và hiệu quả.

3. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến khi Luật TNBTCNN (sửa đổi) có hiệu lực. Chỉ đạo Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp phối hợp với Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và xem xét, thực hiện trách nhiệm hoàn trả; tăng cường công tác thống kê, báo cáo về công tác bồi thường cho các cơ quan có thẩm quyền.

4. Chỉ đạo Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường còn tồn đọng từ năm 2016 chuyển sang và các vụ việc mới phát sinh trong năm 2017.

II. Đối với các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chỉ đạo tổ chức Pháp chế và Sở Tư pháp chủ động, tích cực nghiên cứu, tham gia góp ý hoàn thiện dự án Luật TNBTCNN (sửa đổi) theo Kế hoạch và yêu cầu của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp.

2. Chuẩn bị triển khai thi hành Luật TNBTCNN (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua, bao gồm các công việc sau đây:

a) Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN (sửa đổi), đồng thời, chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật TNBTCNN (sửa đổi) trong phạm vi do mình quản lý;

b) Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN (sửa đổi);

c) Chuẩn bị đủ điều kiện về các nguồn lực để tổ chức triển khai thi hành Luật TNBTCNN (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bảo đảm đúng Kế hoạch và hiệu quả.

3. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến khi Luật TNBTCNN (sửa đổi) có hiệu lực. Tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường và xem xét, thực hiện trách nhiệm hoàn trả; nâng cao hơn nữa hoạt động hỗ trợ thực hiện quyền yêu cầu bồi thường cho người bị thiệt hại; tăng cường công tác thống kê, báo cáo về công tác bồi thường cho các cơ quan có thẩm quyền.

4. Đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan giải quyết bồi thường rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính còn tồn đọng từ năm 2016 chuyển sang và các vụ việc mới phát sinh trong năm 2017.

Trên đây là một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác bồi thường năm 2017, Bộ Tư pháp đề nghị TANDTC, VKSNDTC, các Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (Cục Bồi thường nhà nước) để phối hợp, giải quyết.

Bộ Tư pháp trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý cơ quan./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ (để thực hiện);
- Các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp: Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Thi hành án dân sự (để thực hiện);
- Sở Tư pháp, Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Cục BTNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Khánh Ngọc