Công văn 4057/BTP-VĐCXDPL năm 2020 về trả lời kiến nghị của doanh nghiệp do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu | 4057/BTP-VĐCXDPL |
Ngày ban hành | 03/11/2020 |
Ngày có hiệu lực | 03/11/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Người ký | Nguyễn Hồng Tuyến |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính |
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4057/BTP-VĐCXDPL |
Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2020 |
Kính gửi: Công ty trách nhiệm hữu hạn CODE ONE
Bộ Tư pháp xin trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm, đóng góp ý kiến của Quý Công ty nhằm giúp công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của đất nước ta nói chung và của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ nói riêng ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn.
Về nội dung kiến nghị của Quý Công ty liên quan đến việc bỏ quy định tại khoản 3 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015), Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:
1. Theo quy định tại khoản 3 Điều 146 của Luật năm 2015 thì “Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành” là một trong 03 trường hợp được xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Quy định nêu trên xuất phát từ yêu cầu bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất và tính kịp thời trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được quy định tại Điều 5 của Luật năm 2015. Mặt khác, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong bối cảnh đó, việc ban hành VBQPPL mới hay sửa đổi, bổ sung VBQPPL hiện hành sẽ trực tiếp tác động đến các VBQPPL khác có liên quan. Trong những trường hợp này, để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh gây ra những hậu quả khó khắc phục do chậm ban hành VBQPPL thì việc xây dựng, ban hành các văn bản này có thể được cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 37 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) thì nội dung văn bản đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn phải nêu rõ: “căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, tên văn bản, sự cần thiết ban hành văn bản; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản; nội dung chính của văn bản; dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo và thời gian trình văn bản”.
Như vậy, để tránh việc lạm dụng trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, khi đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, các bộ, cơ quan ngang bộ đều phải nêu rõ lý do và căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với một số văn bản quy định chi tiết Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ xem xét trên cơ sở đề nghị của các bộ và bảo đảm tuân thủ quy định của Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ khi nhận được đề nghị xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn cũng đề nghị Bộ Tư pháp có ý kiến trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Về trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn, khoản 2 Điều 146 của Luật năm 2015 quy định: “Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản. Trong trường hợp lấy ý kiến thì thời hạn lấy ý kiến không quá 20 ngày.”.
Theo quy định nêu trên, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ quyết định việc tổ chức lấy ý kiến trong trường hợp cần thiết. Mặc dù Luật năm 2015 không quy định bắt buộc phải đăng tải dự thảo để lấy ý kiến trong thời hạn 60 ngày như đối với thủ tục thông thường, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn toàn có thể đăng tải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thời hạn hợp lý hoặc tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp bằng những hình thức phù hợp khác. Chẳng hạn như dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, mặc dù được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo Nghị định này, Bộ Tư pháp vẫn tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và thực tế Bộ Tư pháp đã nhận được hơn 100 công văn góp ý của các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
Từ những lý do nêu trên, Bộ Tư pháp thấy rằng quy định tại khoản 3 Điều 146 của Luật năm 2015 là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng, ban hành VBQPPL ở nước ta. Cũng chính vì vậy, tại khoản 44 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật số 63/2020/QH14) vừa được Quốc hội thông qua vào ngày 18/6/2020 tiếp tục giữ lại quy định này.
Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ Tư pháp, xin trân trọng gửi tới Quý Công ty và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quý Công ty với công tác xây dựng, ban hành VBQPPL trong thời gian tới./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |