Công văn về việc dán tem hàng nhập khẩu

Số hiệu 4043/GSQL
Ngày ban hành 18/11/1997
Ngày có hiệu lực 18/11/1997
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Nguyễn Văn Cầm
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí,Bất động sản,Vi phạm hành chính

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4043/GSQL

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 1997

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 4043/GSQL NGÀY 18 THÁNG 11 NĂM 1997 VỀ VIỆC DÁN TEM HÀNG NHẬP KHẨU

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

 

Thực hiện Thông tư liên tịch số 77/1997/TTLT-BTC-BTM-TCHQ ngày 01/11/1997 của Liên Bộ Tài chính - Thương mại - Nội vụ - Tổng cục Hải quan về việc dán tem hàng nhập khẩu (gửi kèm), Tổng cục hướng dãn thêm một số điểm như sau:

1. Đối tượng phải dán tem hàng nhập khẩu thực hiện đối với các loại hình:

- Nhập khẩu để kinh doanh.

- Nhập khẩu vượt tiêu chuẩn, định lượng miễn thuế theo quy định hiện hành.

- Nhập khẩu được miễn thuế theo mục đích để sử dụng nay thay đổi mục đích sử dụng khác và phải nộp thuế.

- Nhập khẩu bán tại cửa hàng miễn thuế nay được phép tiêu thụ nội địa.

- Hàng nhập lậu do các Cơ quan chức năng chuyển cho cơ quan Hải quan truy thu thuế.

- Hàng phạm pháp thực hiện theo Quyết định xử lý của các cơ quan có thẩm quyền.

2. Đối tượng không phải dán tem hàng nhập khẩu thực hiện đối với các loại hình:

- Hàng nhập khẩu miễn thuế để phục vụ sinh hoạt theo tiêu chuẩn định lượng.

- Hàng nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế.

- Hàng quá cảnh, chuyển khẩu, hàng gửi Kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất, hội chợ triển lãm.

- Hàng đang trên đường vận chuyển về các nơi kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu ngoài khu vực cửa khẩu theo quy định để hoàn thành thủ tục Hải quan (có cán bộ Hải quan áp tải hoặc có niêm phong kẹp chì hải quan kèm theo bộ hồ sơ hàng chuyển tiếp hợp lệ theo quy định của Tổng cục Hải quan).

- Hàng chuyển Cảng.

- Hàng nhập khẩu phạm pháp do cơ quan Hải quan bắt giữ chưa có quyết định xử lý hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

3. Trách nhiệm và thủ tục dán "tem hàng nhập khẩu" của cơ quan Hải quan:

- Những mặt hàng quy định phải dán "Tem hàng nhập khẩu" trước khi hoàn thành thủ tục Hải quan được hiểu là phải dán tem xong trước khi giải phóng hàng. Việc dán tem phải được tiến hành tại nơi kiểm tra hàng nhập khẩu.

- Nơi kiểm tra hàng hoá là Cửa khẩu quốc gia, quốc tế, trạm trả hàng, Bưu cục ngoại dịch, Bưu cục Kiểm quan, nhà ga xe lửa liên vận quốc tế, Cảng ICD, các địa điểm kiểm tra hàng hoá XNK ngoài khu vực Cửa khẩu theo quy định hiện hành của Tổng cục Hải quan.

- Căn cứ số lượng hàng (cái, chiếc, chai...) nhập khẩu do chủ hàng khai báo trên tờ khai hải quan để cấp phát tem, không được phép cấp thừa, cấp thiếu. Cán bộ kiểm hoá phải trực tiếp dán tem và chỉ dán tem đúng với số lượng hàng đã khai báo trên tờ khai hải quan.

Trường hợp số lượng hàng thừa so với khai báo thì lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi khai báo sai (thừa) về số lượng, không dán tem và niêm phong số hàng thừa đó để chuyển giao cho Cơ quan chức năng xử lý.

Trường hợp số lượng tem thừa so với hàng thực kiểm do chủ hàng khai báo sai (thiếu) về số lượng phải lập biên bản chứng nhận nêu rõ lý do thừa tem và giao nộp cho bộ phận được giao nhiệm vụ quản lý, cấp phát tem.

Trong khi dán tem nếu có tem hỏng, rách nát... không sử dụng được thì lập biên bản ghi rõ số lượng và seri những tem đó đưa về bộ phận cấp phát tem để đổi lấy tem khác.

- Việc quản lý, cấp phát, bảo quản tem thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại Công văn số 4003/KTTT ngày 13 tháng 11 năm 1997.

- Sau khi dán tem xong, ghi tiếp vào phần ghi kết quả kiểm hoá của từng tờ khai về số lượng tem (từ số seri... đến số seri...) số lượng hàng hoá đã được dán tem.

[...]