Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 3900/SYT-NVY năm 2022 hướng dẫn tạm thời giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 3900/SYT-NVY
Ngày ban hành 11/06/2022
Ngày có hiệu lực 11/06/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Văn Vĩnh Châu
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
SỞ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3900/SYT-NVY
V/v hướng dẫn tạm thời giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn Thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 6 năm 2022

 

Kính gửi:

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố;
- Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức;
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 2668/BYT-DP ngày 24 tháng 5 năm 2022 và Công văn số 551/DP-DT ngày 25 tháng 5 năm 2022 về việc tăng cường giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ,

Nhằm chủ động giám sát các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, trong khi chờ Bộ Y tế, Sở Y tế hướng dẫn tạm thời giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn Thành phố và đề nghị thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu triển khai thực hiện.

Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị thực hiện; phối hợp với Cảng vụ Hàng không Miền Nam, Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện tại cửa khẩu; theo dõi, hỗ trợ việc triển khai hướng dẫn tạm thời giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại các địa phương; ghi nhận khó khăn vướng mắc và tham mưu Sở Y tế điều chỉnh quy trình nếu cần thiết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Y tế Dự phòng;
- Ủy ban nhân dân Thành phố;
- Viện Pasteur TP.HCM;
- UBND Q/H, TP. Thủ Đức;
- Cảng vụ Hàng không Miền Nam;
- Cảng vụ Hàng hải TP. HCM;
- Ban Giám đốc Sở;
- Lưu: VPS, NVY (LMTL, ĐMS)
(Đính kèm hướng dẫn và phụ lục)

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Vĩnh Châu

 

HƯỚNG DẪN TẠM THỜI

GIÁM SÁT PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Kèm theo Công văn số: 3900/SYT-NVY ngày 11 tháng 6 năm 2022)

I. Định nghĩa ca bệnh

1. Trường hợp nghi ngờ: đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân VÀ có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau: sốt (> 38°C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược.

2. Trường hợp có thể: là trường hợp nghi ngờ VÀ có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ sau:

- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiếp xúc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh có thể, thông qua tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da (bao gồm cả quan hệ tình dục), hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường, đồ dùng cá nhân của người bệnh.

- Trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng, có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ.

- Có các triệu chứng bệnh nêu trên đến mức phải nhập viện.

II. Hướng dẫn giám sát, xử lý “trường hợp nghi ngờ”, “trường hợp có thể”

Bước 1. Tầm soát, ghi nhận người có dấu hiệu của “trường hợp nghi ngờ” tại cửa khẩu hoặc tại cộng đồng

Tại cửa khẩu: Bộ phận Kiểm dịch y tế thực hiện giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt người nhập cảnh (qua máy đo thân nhiệt); giám sát các triệu chứng nghi ngờ của người nhập cảnh (qua thông báo của tiếp viên hàng không; người nhập cảnh tự khai báo...).

Tại cộng đồng: Người dân khi có các triệu chứng “phát ban có bóng nước cấp tính không rõ nguyên nhân VÀ có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau: sốt (> 38°C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược” báo ngay cho Trạm y tế nơi lưu trú.

Bước 2. Khai thác thông tin về yếu tố dịch tễ

Khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, bộ phận kiểm dịch y tế, nhân viên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Trạm y tế (gọi chung là nhân viên y tế) thăm khám, khai thác thông tin hành chính, lập phiếu điều tra dịch tễ (những nơi đã đi qua; tiếp xúc động vật hoang dã, kể cả thịt, máu và các bộ phận của chúng; tiếp xúc gần với người nghi ngờ hoặc xác định bệnh...) trong vòng 21 ngày.

Nhân viên y tế báo cáo nhanh cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố qua số điện thoại (028) 39234629 - số nội bộ 161 và gửi phiếu điều tra dịch tễ về khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố qua email dichte.ytdphcm@gmail.com

Bước 3. Hướng dẫn “trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể” tuân thủ các quy định phòng, chống dịch

Đối với trường hợp không đủ yếu tố xác định là “trường hợp có thể” (chỉ là “trường hợp nghi ngờ”), bộ phận Kiểm dịch y tế hoặc Trạm y tế hướng dẫn đối tượng tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Trong thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có dấu hiệu nặng cần đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới để được khám bệnh và theo dõi kịp thời. Hướng dẫn người bệnh mang khẩu trang y tế, di chuyển bằng xe cá nhân hoặc gọi Tổng đài “115” để được hỗ trợ (hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng).

Đối với trường hợp đủ yếu tố xác định là “trường hợp có thể”: bộ phận Kiểm dịch y tế hoặc Trạm y tế hướng dẫn đối tượng tuân thủ đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc, tư vấn người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được khám bệnh và theo dõi.

+ Nếu người bệnh đồng ý: khuyến khích di chuyển bằng xe cá nhân đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng.

+ Nếu người bệnh không đồng ý: hướng dẫn di chuyển về nơi lưu trú bằng xe cá nhân (hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng) để tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thông báo cho Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức nơi đối tượng lưu trú để giám sát và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Lưu ý: Nếu “trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể” có các dấu hiệu nặng cần nhập viện, Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ chịu trách nhiệm chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để được chăm sóc và điều trị.

[...]