Công văn 3449/SYT-NVY năm 2022 về tăng cường giám sát, phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 3449/SYT-NVY |
Ngày ban hành | 26/05/2022 |
Ngày có hiệu lực | 26/05/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Hữu Hưng |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 3449/SYT-NVY |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 5 năm 2022 |
Kính gửi: |
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố; |
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga gối đệm. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến 21/5/2022 trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh, 28 trường hợp nghi ngờ và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ chủng Tây Phi và có đặc điểm giống chủng vi rút lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại công văn số 2668/BYT-DP ngày 24 tháng 5 năm 2022 và công văn số 551/DP-DT ngày 25 tháng 5 năm 2022 của Cục Y tế Dự phòng về việc tăng cường giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế đề nghị Thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung như sau:
1. Định nghĩa các ca bệnh
- Trường hợp nghi ngờ: là người ở mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân và có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng sau kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2022 như: Đau đầu, sốt (> 38,5°C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược.
- Trường hợp có thể: là trường hợp nghi ngờ và có một hoặc nhiều yếu tố dịch tễ như tiếp xúc trực tiếp với người mắc; tiếp xúc vật lý trực tiếp với da hoặc tổn thương da, bao gồm cả quan hệ tình dục; hoặc tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm như quần áo, giường hoặc đồ dùng của ca bệnh có thể hoặc xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ trong 21 ngày trước khi bắt đầu có triệu chứng; có tiền sử đi du lịch đến các quốc gia có lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày trước khi khởi phát triệu chứng; có nhiều bạn tình trong 21 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng; có kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính với vi rút orthopoxvirus (trong trường hợp chưa tiêm phòng bệnh đậu mùa hoặc chưa tiếp xúc với các chủng vi rút orthopoxvirus đã biết khác); có các triệu chứng nêu trên đến mức phải nhập viện.
- Trường hợp xác định: là trường hợp nghi ngờ hoặc có thể và có kết quả xét nghiệm Realtime PCR dương tính với vi rút đậu mùa khỉ.
- Trường hợp loại trừ: là trường hợp nghi ngờ hoặc có thể nhưng có kết quả xét nghiệm Realtime PCR âm tính với vi rút đậu mùa khỉ.
2. Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố:
- Củng cố hệ thống giám sát tại các cửa khẩu của thành phố để phát hiện sớm người nghi ngờ mắc bệnh: giám sát qua máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tìm triệu chứng ở người nhập cảnh, đặc biệt là người đến từ các quốc gia đang lưu hành dịch[1]. Có kịch bản xử lý khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ.
- Biên soạn các tài liệu, thông điệp truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ.
- Tăng cường truyền thông về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ, đường lây truyền, các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ.
3. Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức:
- Chỉ đạo các Trạm Y tế phường, xã, thị trấn tiếp nhận các trường hợp khai báo có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ và hướng dẫn đến các cơ sở y tế để khám và được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
- Tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống tạm thời:
+ Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
+ Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường.
+ Che miệng khi ho, hắt hơi.
+ Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.
+ Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
+ Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
- Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ thì báo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để được xử lý kịp thời.
4. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố:
Sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ thì báo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố để được xử lý kịp thời.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo về Sở Y tế (Phòng Nghiệp vụ Y, số điện thoại: 028.3930.9981) để được hướng dẫn.
(Đính kèm công văn số 2668/BYT-DP ngày 24/5/2022 và công văn số 551/DP-DT ngày 25/5/2022)./.