Công văn 3817/BTP-PLDSKT năm 2020 trả lời kiến nghị Cổng dịch vụ Công Quốc gia về ủy quyền giao dịch dân sự do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu | 3817/BTP-PLDSKT |
Ngày ban hành | 15/10/2020 |
Ngày có hiệu lực | 15/10/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Người ký | Nguyễn Thanh Tú |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3817/BTP-PLDSKT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2020 |
Kính
gửi: Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng
điện số 3
(Địa chỉ: số 32 Ngô Thời Nhiệm,
phường 07, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh)
Theo đề nghị giải đáp của Quý Công ty đăng trên Mục Kiến nghị Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, căn cứ vào thông tin được cung cấp và chức năng, nhiệm vụ, Bộ Tư pháp có một số ý kiến sơ bộ như sau:
Đối với Câu 1: Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chi phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Theo thông tin được nêu tại câu hỏi, Tổng Giám đốc ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh bằng Giấy ủy quyền có cả chữ ký của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền, do vậy, quan hệ ủy quyền này là hợp đồng ủy quyền. Việc tên gọi của văn bản là Giấy ủy quyền hay Hợp đồng ủy quyền không làm khác đi hoặc thay đổi quan hệ hợp đồng mà các bên đã xác lập.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 564 BLDS năm 2015, bên được ủy quyền được ủy quyền lại cho người khác trong trường hợp có sự đồng ý của bên ủy quyền (trừ trường hợp các bên liên quan có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác). Khoản 3 Điều 564 BLDS năm 2015 quy định hình thức hợp đồng ủy quyền lại phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu. Như vậy, Tổng Giám đốc ủy quyền cho Giám đốc Chi nhánh và sau đó, Giám đốc Chi nhánh ủy quyền lại cho Phó Giám đốc chi nhánh thì phải có sự đồng ý của Tổng Giám đốc và cần được thể hiện bằng hình thức văn bản (Giấy ủy quyền lại hoặc Hợp đồng ủy quyền lại).
Đối với Câu 2: Theo nội dung câu hỏi nêu ra và căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 134, khoản 1 Điều 138, khoản 1 Điều 87 BLDS năm 2015 có thể có hai tình huống của việc ủy quyền như sau:
Tình huống thứ nhất: Tổng Giám đốc nhân danh pháp nhân ủy quyền cho Ban Giám đốc chi nhánh, đây là việc pháp nhân ủy quyền và không phải là việc cá nhân ủy quyền. Theo quy định tại khoản 5 Điều 84 BLDS năm 2015 “Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền”... Theo đó, đối với trường hợp nêu trên, Tổng Giám đốc nhân danh pháp nhân ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh.
Tình huống thứ hai: Tổng giám đốc ủy quyền cho người khác thực hiện công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Tổng giám đốc (cá nhân ủy quyền). Việc ủy quyền thực hiện theo quy định tại Điều 85, Điều 134 đến Điều 143, Điều 562 đến Điều 569 BLDS năm 2015. Theo đó, việc lựa chọn ký văn bản ủy quyền (Giấy ủy quyền hoặc Hợp đồng ủy quyền); ủy quyền cho từng người theo từng công việc hoặc ủy quyền cho nhiều người về cùng một công việc; xác lập một văn bản ủy quyền cho nhiều người hay từng văn bản cho từng người được ủy quyền tùy thuộc sự lựa chọn của người ủy quyền. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện (khoản 1 Điều 139 BLDS năm 2015).
Vụ việc cụ thể của Quý Công ty có thể còn phụ thuộc vào các tình tiết, cam kết, quy định ... hoặc Điều lệ của Công ty (nếu có). Do đó, Quý Công ty có thể tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư theo quy định của Luật Luật sư để xử lý vụ việc cụ thể đó.
Trên đây là ý kiến sơ bộ của Bộ Tư pháp đối với đề nghị của Quý Công ty (qua Cổng Dịch vụ Quốc gia) xin gửi Quý Công ty để tham khảo, thực hiện theo quy định của pháp luật./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |