BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3804/BTP-TĐKT
V/v hướng dẫn xây dựng và bình xét điển hình
tiên tiến (2010 – 2015)
|
Hà Nội, ngày
08 tháng 9 năm 2014
|
Kính gửi:
|
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Trưởng, Phó trưởng Cụm, Khu vực thi đua;
- Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
|
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của
Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Kết luận số
83-KL/TW ngày 30/8/2010 của Ban Bí thư Trung ương (Khoá X) về tiếp tục thực hiện
Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX) “Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh
phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình
tiên tiến”; Quyết định số 394/QĐ-BTP ngày 19/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về
việc ban hành Kế hoạch hoạt động hướng tới tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền
thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 – 28/8/2015) và Đại hội thi đua yêu nước
ngành Tư pháp lần thứ IV; Quyết định số 1346/QĐ-BTP ngày 11/6/2014 của Bộ trưởng
Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua lập thành
tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945
- 28/8/2015) và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ IV, Bộ Tư pháp
yêu cầu Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương và các đơn vị thuộc Bộ triển khai xây dựng và bình xét điển hình tiên tiến
(2010 – 2015) theo các nội dung như sau:
1. Xây dựng, bình xét điển hình
tiên tiến (2010 – 2015)
1.1. Đối tượng
Là các tập thể, cá nhân có thành
tích nổi bật, xuất sắc trong các phong trào thi đua (từ năm 2010-2015), cụ thể
như sau:
a) Đối với các đơn vị thuộc Bộ:
- Tập thể là các đơn vị thuộc Bộ,
tập thể nhỏ thuộc các đơn vị thuộc Bộ;
- Cá nhân là công chức, viên chức,
người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ.
b) Đối với Sở Tư pháp:
- Tập thể là Sở Tư pháp, tập thể
nhỏ thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện;
- Cá nhân là công chức, viên chức,
người lao động thuộc Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ
tịch cấp xã.
c) Đối với Cục Thi hành án dân sự:
- Tập thể là Cục Thi hành án dân sự,
tập thể nhỏ thuộc Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện;
- Cá nhân là công chức, người lao
động thuộc Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện.
1.2. Điều kiện, tiêu chuẩn
1.2.1. Điển hình tiên tiến của
các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương 2010 – 2015 (sau đây gọi chung là điển
hình tiên tiến cấp cơ sở).
a) Đối với tập thể phải là những tập
thể tiêu biểu xuất sắc trong số những tập thể đạt các Điều kiện, tiêu chuẩn
sau:
- Liên tục từ năm 2010 đến 2014 hoàn
thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất 03 năm được tặng
danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”;
- Có phong trào thi đua sôi nổi,
có mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả;
- Nội bộ đoàn kết, có tổ chức Đảng,
đoàn thể trong sạch, vững mạnh;
- Có bề dày thành tích được cấp Bộ,
ngành, tỉnh và cấp Nhà nước tặng thưởng;
- Không có cán bộ, công chức, người
lao động thuộc đơn vị quản lý trực tiếp bị kỷ luật từ khiển trách trở lên.
b) Đối với cá nhân phải là những
cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân đạt các Điều kiện, tiêu chuẩn
sau:
- Liên tục từ năm 2010 đến năm
2014 hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao (nếu cá nhân là người đứng đầu
cơ quan, đơn vị thì cơ quan, đơn vị đó phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao);
trong đó có ít nhất 03 năm được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
- Có phẩm chất chính trị vững
vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh; trung thành, tận tụy, gương mẫu chấp hành
tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kỷ
cương, kỷ luật của cơ quan, đơn vị;
- Năng động, sáng tạo, dám nghĩ,
dám làm, dám chịu trách nhiệm; có tinh thần đoàn kết, đấu tranh tự phê bình,
phê bình và phối hợp trong công tác;
- Có bề dày thành tích được cấp Bộ,
ngành, tỉnh và cấp Nhà nước tặng thưởng.
1.2.2. Điển hình tiên tiến
ngành Tư pháp (2010 – 2015)
Điển hình tiên tiến ngành Tư pháp
là những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc nhất trong số những tập thể, cá
nhân được bình xét, công nhận là điển hình tiên tiến cấp cơ sở và ít nhất
có 04 năm đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” (đối với tập thể), 04 năm đạt
danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” (đối với cá nhân).
Điển hình tiên tiến ngành Tư pháp
do các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương lựa chọn, đề nghị; Cụm, Khu vực thi đua suy tôn và Bộ Tư
pháp xét, công nhận, tặng Bằng khen và biểu dương tại Đại hội thi đua yêu nước
ngành Tư pháp lần thứ IV.
1.3. Nội dung xây dựng, bình
xét điển hình tiên tiến
1.3.1. Các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư
pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực
hiện các công việc sau:
a) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến
đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm
vi quản lý về ý nghĩa và tác động của việc xây dựng, bình xét các điển hình
tiên tiến.
b) Rà soát, đánh giá về số lượng,
chất lượng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, phát hiện, xây dựng,
bình xét các điển hình tiên tiến cấp cơ sở và ngành Tư pháp.
c) Tổ chức Hội nghị điển hình tiên
tiến (2010 - 2015) biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có mô
hình mới, cách làm hay, hiệu quả, những gương người tốt, việc tốt trong các
phong trào thi đua, hoàn thành chậm nhất là ngày 28/2/2015.
d) Lập hồ sơ gửi Cụm, Khu vực thi
đua suy tôn và đề nghị Bộ Tư pháp xét, công nhận điển hình tiên tiến ngành Tư
pháp.
1.3.2. Các Cụm, Khu vực thi đua
đôn đốc các thành viên trong Cụm, Khu vực thực hiện việc xây dựng, bình xét điển
hình tiên tiến; tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp kết quả (gồm danh sách và tóm tắt
thành tích) của tập thể, cá nhân được đề nghị là điển hình tiên tiến ngành Tư
pháp để tổ chức suy tôn tại Hội nghị phát động, đăng ký giao ước thi đua đầu
năm 2015 và hoàn thiện hồ sơ gửi Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng
ngành Tư pháp theo quy định.
1.3.3. Thường trực Hội đồng Thi
đua – Khen thưởng ngành Tư pháp tiếp nhận hồ sơ, tổng hợp trình Hội đồng Thi
đua – Khen thưởng Ngành xét, trình Bộ trưởng công nhận điển hình tiên tiến
ngành Tư pháp.
2. Thủ tục, hồ sơ bình xét, đề
nghị điển hình tiên tiến (2010 – 2015)
2.1. Đối với điển hình tiên tiến
cấp cơ sở
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quy
định cụ thể số lượng, thủ tục, hồ sơ, quy trình bình xét, công nhận, tặng giấy
khen các điển hình tiên tiến phù hợp với hướng dẫn của Bộ và đặc điểm, Điều kiện
cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng cấp cơ sở
xét, đề nghị Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định công nhận các điển hình tiên
tiến, tặng Giấy khen và biểu dương tại Hội nghị điển hình tiên tiến của cơ
quan, đơn vị.
2.2. Đối với điển hình tiên tiến
ngành Tư pháp
2.2.1. Về số lượng
- Mỗi đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp,
Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét, đề nghị không
quá 01 tập thể và 01 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc nhất trong số các điển hình
tiên tiến cấp cơ sở để Cụm, Khu vực thi đua suy tôn tại Hội nghị phát động, ký
giao ước thi đua đầu năm 2015.
- Cụm, Khu vực thi đua chỉ suy
tôn, đề nghị Bộ Tư pháp xét công nhận điển hình tiên tiến ngành Tư pháp đối với
các tập thể, cá nhân có đủ hồ sơ theo quy định và phải đạt tỷ lệ trên 50% số
phiếu suy tôn tại Hội nghị Cụm, Khu vực thi đua.
2.2.2. Hồ sơ đề nghị
a) Hồ sơ đề nghị suy tôn, biểu dương
gửi Cụm, Khu vực thi đua và Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Tư
pháp gồm các văn bản sau:
- Tờ trình đề nghị của Thủ trưởng
đơn vị, nơi có tập thể, cá nhân được đề nghị, suy tôn (01 bản chính - kèm
theo danh sách tập thể, cá nhân được đề nghị suy tôn);
- Biên bản bình xét của Hội đồng
Thi đua – Khen thưởng cơ sở, nơi có tập thể, cá nhân được đề nghị suy tôn (01
bản chính);
- Báo cáo thành tích của tập thể,
cá nhân đề nghị điển hình tiên tiến có nhận xét, đề nghị, ký tên, đóng dấu (nếu
có) của cấp trên quản lý trực tiếp và cấp trình đề nghị (01 bản chính);
Lưu ý: Nội dung Báo cáo phải tóm tắt
được những thành tích tiêu biểu nổi bật theo tiêu chuẩn của điển hình tiên tiến
các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng được cấp Nhà nước, cấp Bộ, ban,
ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tặng thưởng từ năm 2010 đến năm
2014 (ghi rõ số quyết định, ngày tháng năm, cấp ký quyết định; kèm theo bản sao
quyết định hoặc bằng hoặc giấy chứng nhận) (Mẫu Báo cáo: Phụ lục 1 và 2 kèm
theo).
Hồ sơ đề nghị suy tôn điển hình
tiên tiến ngành Tư pháp gửi về đơn vị là Trưởng, Phó trưởng Cụm, Khu vực thi
đua và Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Tư pháp (Vụ Thi đua –
Khen thưởng) chậm nhất là 10/3/2015.
2.2.3. Các Cụm, Khu vực thi đua có
trách nhiệm tổng hợp kết quả (danh sách và tóm tắt thành tích của tập thể, cá
nhân) để suy tôn tại Hội nghị phát động, ký kết giao ước thi đua đầu năm 2015
và hoàn thiện hồ sơ gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Ngành.
Hồ sơ của Cụm, Khu vực thi đua gửi
Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Tư pháp gồm các văn bản sau:
- Tờ trình đề nghị của Trưởng Cụm,
Khu vực thi đua (01 bản chính - kèm theo danh sách
các tập thể, cá nhân được suy tôn tại Hội nghị của Cụm, Khu vực thi đua);
- Biên bản Hội nghị của Cụm, Khu vực
thi đua (01 bản chính);
- Biên bản kiểm phiếu và kết quả suy tôn của Cụm,
Khu vực thi đua (01 bản chính);
- Hồ sơ của các tập thể, cá nhân thuộc diện được
Cụm, Khu vực thi đua suy tôn (01 bản chính).
Trưởng các Cụm, Khu vực thi đua gửi hồ sơ (01 bộ)
về Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng ngành Tư pháp (Vụ Thi đua – Khen
thưởng) chậm nhất là sau 10 ngày, kể từ ngày kết thúc Hội nghị của Cụm, Khu
vực thi đua; đối với các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan Thi hành án dân sự
thì gửi cho Tổng cục Thi hành án dân sự (01 bộ).
Lưu ý: Ngoài việc gửi hồ sơ đề nghị theo
đường công văn, các cơ quan, đơn vị đồng thời gửi file điện tử của hồ sơ (ở định
dạng .doc đối với các tờ trình, danh sách, báo cáo thành tích; ở định dạng .pdf
đối với các văn bản khác có liên quan) đến hộp thư điện tử của Vụ Thi đua –
Khen thưởng, Bộ Tư pháp: thiduakhenthuong@moj.gov.vn).
3. Tổ chức thực hiện
3.1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở
Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương ban hành hướng dẫn xây dựng, bình xét điển hình tiên tiến (2010 – 2015) của
cơ quan, đơn vị mình.
3.2. Các Cụm, Khu vực thi đua đôn đốc các thành
viên trong Cụm, Khu vực thi đua tổng hợp kết quả đề nghị xét, công nhận điển
hình tiên tiến ngành Tư pháp của các thành viên trong Cụm, Khu vực để đưa ra
suy tôn tại Hội nghị phát động, ký kết giao ước thi đua đầu năm 2015.
3.3. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự
chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các Cục Thi hành án dân sự tổ chức thực hiện; tổng
hợp, xem xét có ý kiến bằng văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận điển
hình tiên tiến ngành Tư pháp cho các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan thi
hành án dân sự, gửi về Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng (Vụ Thi đua -
Khen thưởng) trước ngày 30/4/2015.
3.4. Báo Pháp luật Việt Nam, Nhà Xuất bản Tư
pháp, Cục Công nghệ thông tin và các cơ quan thông tin, báo chí khác trong
ngành Tư pháp phải bám sát các hoạt động của Bộ, Ngành, cơ quan, đơn vị để đẩy
mạnh tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, những nhân tố mới, mô hình mới,
người tốt, việc tốt, để cổ vũ, lôi cuốn các cơ quan, đơn vị và cá nhân trong
Ngành học tập và làm theo, tạo động lực làm nòng cốt thúc đẩy phong trào thi
đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được giao.
3.5. Vụ Thi đua - Khen thưởng chủ trì, phối hợp
với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan tham mưu, giúp Hội đồng Thi đua – Khen thưởng
ngành Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo
dõi, đôn đốc thực hiện xây dựng và bình xét điển hình tiên tiến (2010 – 2015).
Trên đây là nội dung hướng dẫn xây dựng và bình
xét điển hình tiên tiến (2010 – 2015). Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Thường trực Hội đồng Thi
đua – Khen thưởng ngành Tư pháp (Vụ Thi đua – Khen thưởng) để xem xét, giải quyết
và hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, Vụ TĐKT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thúy Hiền
|