Kết luận 83-KL/TW thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW “về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến” do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 83-KL/TW
Ngày ban hành 30/08/2010
Ngày có hiệu lực 30/08/2010
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Trương Tấn Sang
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------

Số: 83-KL/TW

Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2010

 

KẾT LUẬN

VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 39-CT/TW, NGÀY 21-5-2004 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ (KHÓA IX) “VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC, PHÁT HIỆN, BỒI DƯỠNG, TỔNG KẾT VÀ NHÂN ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN”

Sau khi nghe Ban Chỉ đạo Trung ương báo cáo kết quả hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, Ban Bí thư đã kết luận như sau:

Trong thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị đã nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng đã có những tiến bộ quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý thi đua, khen thưởng bằng pháp luật. Hội đồng thi đua, khen thưởng và tổ chức bộ máy thi đua, khen thưởng các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Các cơ quan truyền thông đại chúng có nhiều hình thức tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt.

Phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai với nội dung, tiêu chí, hình thức phát động thi đua từng bước được đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của từng Bộ, ngành, địa phương, đơn vị. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua yêu nước đã gắn với việc triển khai cuộc vận động. Đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được các cấp khen thưởng. Việc bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến có bước chuyển tích cực. Những tiến bộ đó đã góp phần thực hiện thằng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội.

Tuy nhiên, phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức phong trào thi đua còn hình thức, có nơi chỉ giao cho cơ quan chuyên môn. Phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, làm hạn chế động lực. Việc khen thưởng còn tràn lan, nhiều nơi còn cào bằng, chưa kịp thời, chưa chính xác, có biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong suy tôn, bình xét khen thưởng; không ít trường hợp vận dụng khen thưởng chưa đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, nặng về thành tích, chất lượng không bảo đảm, thủ tục hành chính phức tạp, thẩm định hồ sơ khen thưởng chưa sát, thiếu chặt chẽ; một số tập thể, cá nhân được khen thưởng ít có sức lan tỏa và nêu gương trong cuộc sống. Việc đề nghị các hình thức khen thưởng bậc cao còn hình thức, dễ dãi, tràn lan, mang tính phong trào hơn là chọn điển hình tiên tiến. Một số tập thể, cá nhân chưa có thành tích tiêu biểu xuất sắc, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nội bộ thiếu đoàn kết, thống nhất đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét kết luận, nhưng vẫn được đề nghị khen thưởng, có những trường hợp khi tổ chức khen thưởng đã gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội.

Khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo quản lý còn nhiều, ít khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất. Việc tổ chức tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp còn tràn lan, có biểu hiện thương mại hóa, chưa đảm bảo tính tiêu biểu, nêu gương và giáo dục, ít được dư luận xã hội đồng tình.

Những hạn chế yếu kém nêu trên do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là:

- Nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác thi đua trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ; chậm nắm bắt thực tiễn để phát động thi đua, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến.

Cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng chưa chủ động bám sát các phong trào thi đua, còn hành chính hóa công tác thi đua, khen thưởng, lúng túng trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Thẩm định hồ sơ khen thưởng chưa sát, chưa bảo đảm chất lượng; quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng chậm đổi mới, chưa có biện pháp ngăn chặn việc ngành, địa phương, đơn vị tùy tiện đặt ra các hình thức tôn vinh không đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, cá biệt còn để xảy ra một số trường hợp lợi dụng thi đua, khen thưởng nhằm tạo danh hiệu riêng cho cá nhân và tập thể.

- Hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng còn bất cập, chưa theo kịp với thực tiễn cuộc sống, chậm được thay thế, sửa đổi, bổ sung.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt những chủ trương, nhiệm vụ chủ yếu sau:

1- Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng

Tiếp tục tập trung quán triệt sâu sắc, đầy đủ Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến” và các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên làm công tác thi đua, khen thưởng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị phải coi công tác thi đua, khen thưởng là động lực cách mạng to lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, làm tốt nhiệm vụ hàng ngày của mình, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng của công tác thi đua”.

2- Về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua yêu nước

- Cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo tập trung thống nhất chặt chẽ, toàn diện công tác tổ chức các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương phát động, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.

- Cơ quan chính quyền nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, báo cáo kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng về kết quả tổ chức các phong trào thi đua yêu nước.

- Việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải được tiến hành kịp thời, tránh phô trương, hình thức, bảo đảm thiết thực và hiệu quả.

- Cơ quan chính quyền các cấp, nhất là cơ quan chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch, biện pháp cụ thể tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, người Việt Nam và kiều bào ở nước ngoài hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước.

- Mỗi phong trào thi đua cần xác định rõ chủ đề, nội dung, hình thức và tiêu chí thi đua, gắn với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tạo sự tiến bộ rõ rệt về phát triển kinh tế - xã hội, tạo môi trường xã hội lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Tiến hành tổng kết phong trào thi đua yêu nước, xây dựng điển hình và nhân điển hình tiên tiến.

Các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương và bộ, ngành, địa phương phát động cần được kiểm tra, tổng kết, đánh giá đúng những kết quả đạt được, chỉ ra những mặt còn hạn chế. Qua đó rút ra cách làm hay, kinh nghiệm tốt để nhân rộng các điển hình tiên tiến, bảo đảm sự phù hợp với từng cấp, từng ngành. Các điển hình tiên tiến được xem xét lựa chọn để xây dựng và nhân rộng phải thực sự tiêu biểu, nêu gương người tốt, việc tốt, có sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, tạo động lực mới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, góp phần tổng kết các điển hình tiên tiến trong toàn quốc.

3- Đối với công tác khen thưởng

- Các tập thể, cá nhân tham gia phong trào thi đua yêu nước được cấp có thẩm quyền xét khen thưởng theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.

- Cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng bám sát phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị. Thông qua các phong trào thi đua, phát hiện những nhân tố điển hình để biểu dương, khen thưởng kịp thời; nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ khen thưởng, đảm bảo việc tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân được chính xác, có tác dụng nêu gương, giáo dục và có sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng và Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị các hình thức khen thưởng, nhất là hình thức khen thưởng bậc cao. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng các cấp chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng và cấp có thẩm quyền về chất lượng hồ sơ được trình khen thưởng.

- Trên cơ sở các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, thể chế hóa thành các quy định, quy chế để quản lý việc tổ chức tôn vinh, tuyên dương, trao giải các danh hiệu ngoài các hình thức khen thưởng đã có theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện nay.

4- Về tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng

Đổi mới, sắp xếp cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng; có kế hoạch tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ