Công văn 3705/BTC-TCT năm 2020 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 3705/BTC-TCT |
Ngày ban hành | 30/03/2020 |
Ngày có hiệu lực | 30/03/2020 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Trần Xuân Hà |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2020 |
Kính gửi: Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Quảng Nam
Bộ Tài chính nhận được phiếu chuyển của Văn phòng Chính phủ kèm theo văn bản số 02/KN-MTTQ ngày 19/12/2019 của Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Quảng Nam về việc thực hiện pháp luật thuế và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Theo quy định của Luật thuế TNDN của Việt Nam qua các thời kỳ, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông giảm dần từ 32% xuống còn 20%: Luật thuế TNDN năm 1997 áp dụng từ năm 1999 quy định thuế suất 32%, từ năm 2004 thực hiện Luật thuế TNDN số 09/2003/QH11 thuế suất là 28%, từ năm 2009 thực hiện Luật thuế TNDN số 14/2008/QH12 thuế suất là 25%. Từ ngày 01/01/2014, thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13, mức thuế suất phổ thông từ 25% giảm còn 22% và xuống mức 20% áp dụng từ ngày 01/01/2016.
Mức thuế suất thuế TNDN của Việt Nam hiện nay so với các nước trong khu vực được đánh giá là thấp. Thuế suất thuế TNDN phổ thông hiện hành của một số nước gần Việt Nam như sau: Philippines là 30%; Trung Quốc và My-an-ma là 25%; Nhật Bản giảm mức thuế suất thuế TNDN xuống 23,2% kể từ ngày 01/04/2018. Ma-lay-xi-a giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống 24% từ năm 2016; thuế suất phổ thông của Đài Loan và Thái Lan là 20%.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật thuế TNDN hiện hành có quy định về áp dụng miễn thuế đối với một số khoản thu nhập, ưu đãi về thuế suất (thấp hơn mức thuế suất thông thường 20%) như 10% hay 15% và ưu đãi về miễn, giảm thuế (có thể lên tới mức miễn thuế TNDN 4 năm, giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo).
Ngoài ra, ngày 12/6/2017 Quốc hội ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Tại Khoản 1, Điều 10 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 quy định:
“Điều 10. Hỗ trợ thuế, kế toán
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
2. Doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán đơn giản theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán.”
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, hiện nay Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc xây dựng và trình dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) vào thời điểm thích hợp, đáp ứng các mục tiêu cải cách hệ thống thuế và phù hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Quy định về giao dịch liên kết.
Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là văn bản pháp lý đầu tiên ở cấp Nghị định nhằm tăng cường chống chuyển giá, chuyển lỗ đối với các giao dịch liên kết. Qua hơn 2 năm thực hiện cho thấy Nghị định là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý thuế đối với các đối tượng này, đồng thời cũng góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Đối với kiến nghị về chi phí lãi vay theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu các nội dung vướng mắc của các doanh nghiệp để tiếp thu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế đối với các doanh nghiệp liên kết. Với tinh thần cải cách, xử lý vướng mắc kịp thời cho các doanh nghiệp, Chính phủ đã có thông báo số 407/TB-VPCP ngày 29/11/2019 chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP theo hướng tập trung vào các nội dung tại Khoản 3 Điều 8; tỷ lệ khống chế chi phí lãi vay, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, theo trình tự thủ tục rút gọn của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thiện các trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung trong thời gian sớm nhất.
Về lâu dài, căn cứ vào Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 để thực thi từ ngày 01/7/2020.
3. Quy định về giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Hiện tại, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh trình Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội xem xét. Đồng thời, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và trình Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế TNCN trong đó có sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân mỗi người nộp thuế và người phụ thuộc cho phù hợp với sự phát triển của xã hội và chi phí tiêu dùng hiện nay.
4. Quy định về thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Tại khoản 3 Điều 1 Luật thuế GTGT số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 về các trường hợp hoàn thuế như sau:
“1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nêu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quý thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
Trường hợp cơ sở kinh doanh đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng mà được kết chuyển số thuế chưa được khấu trừ của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư sang kỳ tiếp theo đối với các trường hợp:
a) Dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động;
b) Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
2. Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật hải quan. Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế.”
Như vậy, Luật thuế GTGT hiện hành đã quy định các trường hợp được hoàn thuế và các trường hợp không được hoàn thuế.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình tổng kết, đánh giá các Luật thuế cũng như thu thập kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các Luật thuế vào thời điểm thích hợp.