Kính gửi:
|
- Các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Căn cứ Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022
của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành
chính và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Nghị định số
111/2022/NĐ-CP); căn cứ Nghị quyết số 421-NQ/BCSĐ ngày 24/9/2024 của Ban Cán sự
đảng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về phương án giao biên chế công chức, số
lượng người làm việc, số lượng lao động chuyên môn, nghiệp vụ năm 2024 theo Nghị
định số 111/2022/NĐ-CP, BHXH Việt Nam hướng dẫn việc ký hợp đồng lao động
(HĐLĐ) làm một số công việc theo quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP như
sau:
1. Các công việc thực hiện hợp
đồng
a) Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong Ngành BHXH
thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao
động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm các
nhân viên: Lái xe, bảo vệ, lễ tân, phục vụ, tạp vụ, nhân viên kỹ thuật, y tế cơ
quan.
b) Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục
vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh
nghề nghiệp chuyên môn dùng chung (để bổ sung nhân lực còn thiếu nhằm kịp thời
thay thế cho số viên chức thôi việc, nghỉ hưu, chuyển công tác ...v.v.).
2. Giao chỉ tiêu lao động hợp đồng
theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP
a) Đối với số lượng lao động hợp đồng (LĐHĐ) thực
hiện công việc hỗ trợ, phục vụ tại các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là BHXH tỉnh) thực
hiện theo Quyết định giao chỉ tiêu HĐLĐ hỗ trợ phục vụ của Tổng Giám đốc BHXH
Việt Nam;
b) Đối với số lượng LĐHĐ thực hiện công việc chuyên
môn, nghiệp vụ tại các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh, căn cứ khối
lượng công việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam sẽ quyết định giao số lượng LĐHĐ
thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị.
3. Thẩm quyền, trình tự ký hợp
đồng lao động
Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quyết
định số 3766/QĐ-BHXH ngày 30/12/2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc
ban hành Quy định về phân cấp quản lý đối với người được áp dụng chế độ công chức,
viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam, cụ thể:
3.1. Tổng Giám đốc phê duyệt việc ký HĐLĐ đối với
người lao động (bao gồm HĐLĐ thực hiện công việc hỗ trợ phục vụ và HĐLĐ thực hiện
công việc chuyên môn, nghiệp vụ) tại các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam ở
Trung ương. Trên cơ sở phê duyệt của Tổng Giám đốc:
a) Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ký HĐLĐ đối với người
lao động tại các đơn vị chuyên môn, giúp việc;
b) Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc ký
HĐLĐ đối với người lao động thuộc đơn vị quản lý.
3.2. Giám đốc BHXH tỉnh thực hiện:
a) Ký HĐLĐ đối với LĐHĐ thực hiện công việc hỗ trợ,
phục vụ tại BHXH tỉnh;
b) Ký HĐLĐ đối với LĐHĐ thực hiện công việc chuyên
môn, nghiệp vụ theo quy định tại điểm b, mục 1 của công văn này sau khi được Tổng
Giám đốc phê duyệt.
3.4. Hồ sơ đề nghị Tổng Giám đốc phê duyệt ký LĐHĐ
thực hiện công việc chuyển môn, nghiệp vụ gồm:
- Tờ trình kèm theo Danh sách đề nghị phê duyệt ký
HĐLĐ, Nghị quyết thống nhất của tập thể lãnh đạo, cấp ủy đơn vị trực thuộc BHXH
Việt Nam hoặc của BHXH tỉnh (trong đó nêu rõ tình hình bố trí sử dụng biên chế,
số lượng người lao động hiện có; tiêu chí xem xét ký HĐLĐ; dự kiến bố trí người
được xem xét ký HĐLĐ ở vị trí việc làm cần ký HĐLĐ); phương án tổng thể việc bố
trí và sử dụng LĐHĐ thực hiện công việc chuyên môn nghiệp vụ trên cơ sở Đề án vị
trí việc làm được Tổng Giám đốc phê duyệt và số lượng LĐHĐ thực hiện công việc
chuyên môn nghiệp vụ do Tổng Giám đốc giao.
- Hồ sơ của cá nhân đề nghị phê duyệt ký HĐLĐ (đơn
xin việc, sơ yếu lý lịch, văn bằng trình độ chuyên môn, chứng chỉ ...v.v).
4. Tiêu chuẩn, điều kiện và
nghĩa vụ, quyền lợi của LĐHĐ theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP
4.1. Đối với LĐHĐ thực hiện công việc hỗ trợ, phục
vụ.
4.1.1. Cá nhân ký kết HĐLĐ thực hiện công việc hỗ
trợ, phục vụ phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau đây:
a) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;
b) Đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật lao
động và pháp luật chuyên ngành;
c) Có đủ sức khỏe để làm việc;
d) Có lý lịch được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;
đ) Có khả năng đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm;
e) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm
hình sự hoặc chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ hoặc đang bị áp dụng
biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào
cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; không trong thời
gian bị cấm hành nghề hoặc cấm làm công việc liên quan đến công việc ký kết hợp
đồng;
g) Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định
của pháp luật chuyên ngành và theo tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm
theo Đề án vị trí việc làm đã được Tổng Giám đốc phê duyệt.
4.1.2. Nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động.
a) Thực hiện các nhiệm vụ theo thỏa thuận trong
HĐLĐ và các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm quyền giao;
b) Tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị;
c) Chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền quản
lý.
d) Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định
tại mục 6 công văn này.
4.2. Đối với LĐHĐ thực hiện công việc chuyên môn,
nghiệp vụ.
Cá nhân ký kết HĐLĐ thực hiện công việc chuyên môn,
nghiệp vụ phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được hưởng các quyền lợi
và có nghĩa vụ sau đây:
a) Đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại
điểm 4.1.1 của công văn này;
b) Tuân thủ nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị;
c) Đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên
môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
d) Chịu trách nhiệm về việc thực hiện công việc
chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, theo thỏa thuận trong hợp đồng
và theo yêu cầu của Thủ trưởng đơn vị nơi làm việc;
đ) Thời gian làm việc theo HĐLĐ (không kể thời gian
tập sự, thử việc) đối với trường hợp ký HĐLĐ thực hiện công việc chuyên môn,
nghiệp vụ được tính làm căn cứ xếp lương theo vị trí việc làm nếu được tuyển dụng,
tiếp nhận vào làm viên chức. Việc xếp lương tương ứng với vị trí việc làm được
tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định của pháp luật;
e) Được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định
tại mục 6 công văn này.
5. Kinh phí thực hiện
a) Nguồn kinh phí thực hiện: Trong phạm vi nguồn
kinh phí chi hoạt động bộ máy được BHXH Việt Nam giao hàng năm.
b) Tiền lương và phụ cấp khác (nếu có) của LĐHĐ thực
hiện các công việc thuộc mục 1 công văn này được tổng hợp vào mục 6050 - “Tiền
công trả cho vị trí lao động thường xuyên theo hợp đồng”, chi tiết tiểu mục
6051 - “Tiền công trả cho vị trí lao động thường xuyên theo hợp đồng” thuộc Mục
lục ngân sách chi hoạt động của ngành BHXH Việt Nam ban hành kèm theo Công văn
số 709/BHXH-TCKT ngày 05/3/2018 của BHXH Việt Nam.
6. Chế độ chính sách đối với
người lao động
a) Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều
8 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP, các đơn vị được ký hợp đồng theo phân cấp thực
hiện việc thỏa thuận áp dụng tiền lương theo bảng lương của công chức, viên chức,
các loại phụ cấp được hưởng (nếu có) được tính vào tiền lương, kể cả tiền lương
và các khoản chi khác (nếu có) thực hiện theo cơ chế tài chính do cấp có thẩm
quyền phê duyệt và theo quy định của Ngành; chế độ nâng bậc lương và các chế độ,
chính sách khác có liên quan đến tiền lương thực hiện như công chức, viên chức.
b) Tiền công tác phí; tiền làm thêm giờ, nghỉ phép;
tiền khám sức khỏe định kỳ; các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm
thất nghiệp và các khoản đóng góp khác theo lương, thực hiện theo quy định pháp
luật hiện hành của Nhà nước.
c) Các chế độ phúc lợi khác: Thủ trưởng đơn vị căn
cứ vào đánh giá người lao động và nguồn quỹ khen thưởng, phúc lợi của đơn vị để
quyết định mức chi phù hợp, đảm bảo không vượt mức chi tối đa theo quy định tại
Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
d) Việc áp dụng mức lương cơ sở thực hiện theo quy
định hiện hành.
7. Mẫu HĐLĐ và thời hạn ký hợp
đồng
Thủ trưởng các đơn vị, Giám đốc BHXH tỉnh được giao
ký HĐLĐ theo phân cấp đối với người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động,
cụ thể:
a) Mẫu HĐLĐ thực hiện theo mẫu ban hành kèm theo
Thông tư số 05/2023/TT-BNV ngày 03/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn mẫu
hợp đồng dịch vụ và mẫu HĐLĐ đối với một số loại công việc trong cơ quan hành
chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Đối với việc ký mới HĐLĐ thực hiện công việc hỗ
trợ, phục vụ, thực hiện thử việc không quá 01 tháng. Sau khi hết thời gian thử
việc, các đơn vị thực hiện đánh giá kết quả thử việc, nếu đáp ứng được yêu cầu
công việc thì ký hợp đồng có xác định thời hạn như sau: lần 01 ký HĐLĐ thời hạn
12 tháng, nếu được đánh giá đáp ứng yêu cầu công việc thì sẽ tiếp tục ký HĐLĐ lần
02 ký thời hạn 36 tháng. Khi thực hiện hết 02 lần hợp đồng có xác định thời hạn
thì thực hiện ký HĐLĐ không xác định thời hạn.
c) Đối với việc ký mới hợp đồng lao động thực hiện
công việc chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện thử việc không quá 02 tháng. Sau khi
hết thời gian thử việc, các đơn vị thực hiện đánh giá kết quả thử việc, nếu đáp
ứng được yêu cầu công việc thì ký hợp đồng có xác định thời hạn như sau: lần 01
ký HĐLĐ thời hạn 12 tháng, nếu được đánh giá đáp ứng yêu cầu công việc thì sẽ
tiếp tục ký HĐLĐ lần 02 ký thời hạn 36 tháng. Khi thực hiện hết 02 lần hợp đồng
có xác định thời hạn thì thực hiện ký HĐLĐ không xác định thời hạn.
d) Trường hợp đơn vị, cá nhân không có nhu cầu hoặc
đơn vị không bố trí được kinh phí, Thủ trưởng đơn vị, Giám đốc BHXH tỉnh được
phân cấp ký HĐLĐ thực hiện chấm dứt HĐLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động.
8. Một số quy định khi thực hiện
việc ký HĐLĐ theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP
a) Đối với việc quản lý, sử dụng chỉ tiêu LĐHĐ thực
hiện công việc hỗ trợ, phục vụ theo chỉ tiêu đã được BHXH Việt Nam giao.
- BHXH tỉnh phải xây dựng phương án sử dụng đảm bảo
hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí theo hướng sử dụng dịch vụ thông qua việc
ký hợp đồng đối với đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo đạt tỷ lệ (%) giảm tối
thiểu từng năm so với chỉ tiêu đã phân bổ năm 2023 theo hướng dẫn tại Công văn
số 2134/BHXH-TCCB ngày 02/7/2024 của BHXH Việt Nam về việc tăng cường công tác
quản lý tài chính, tài sản và LĐHĐ thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ.
- Trường hợp ký kết hợp đồng dịch vụ, các đơn vị có
trách nhiệm đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ ưu tiên ký kết hợp đồng với người
đang ký hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ
về thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ tại đơn vị, bảo đảm chế độ tiền lương,
BHXH và chế độ khác mà người lao động đang được hưởng. Trường hợp người lao động
không có nhu cầu tiếp tục ký hợp đồng thì các đơn vị giải quyết chế độ thôi việc
theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người lao động theo quy định tại điểm
a mục 1 công văn này nghỉ hưu trước ngày 22/02/2025 thì tiếp tục thực hiện công
việc và chế độ, chính sách đang hưởng mà không phải ký HĐLĐ theo quy định tại
công văn này.
b) Người đã được tuyển vào biên chế trước ngày Nghị
định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ có hiệu lực và đang làm các công việc
quy định tại điểm a mục 1 công văn này thì không chuyển sang thực hiện chế độ hợp
đồng.
c) Đối với việc quản lý, sử dụng số lượng LĐHĐ thực
hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ đã được Tổng Giám đốc giao, căn cứ Đề án vị
trí việc làm đã được Tổng Giám đốc phê duyệt và tình hình thực tế số lượng biên
chế hiện có, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh phải xây dựng
phương án bố trí, sử dụng LĐHĐ thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp
với định biên theo từng vị trí việc làm của Đề án đã được phê duyệt để làm cơ sở
đề xuất ký HĐLĐ.
9. Thời gian thực hiện
Việc ký mới HĐLĐ theo quy định tại Nghị định số
111/2022/NĐ-CP các đơn vị thực hiện kể từ ngày công văn này có hiệu lực. Đối với
LĐHĐ thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ đang làm việc tại các đơn vị trong
Ngành, chậm nhất trước 31/12/2024 phải chuyển sang ký HĐLĐ theo hướng dẫn tại
công văn này (đối với LĐHĐ thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ đang làm việc tại
các đơn vị, khi thực hiện việc chuyển ký HĐLĐ theo hướng dẫn tại công văn này,
áp dụng mức lương không cao hơn mức lương hiện hưởng).
Hằng năm, chậm nhất ngày 15/01 các đơn vị trực thuộc
BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh báo cáo kết quả thực hiện về BHXH Việt Nam để theo
dõi, quản lý.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc,
đề nghị các đơn vị phản ánh về BHXH Việt Nam (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để nghiên
cứu, giải quyết. Căn cứ các quy định hiện hành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc
BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH tỉnh tổ chức thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Nội vụ (để b/c);
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Lưu: VT, TCCB (2).
|
KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC
Lê Hùng Sơn
|