Công văn 3535/BGDĐT-GDTrH năm 2013 hướng dẫn triển khai thực hiện phương pháp “Bàn tay nặn bột” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 3535/BGDĐT-GDTrH
Ngày ban hành 27/05/2013
Ngày có hiệu lực 27/05/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Vinh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3535 /BGDĐT-GDTrH
V/v: Hướng dẫn triển khai thực hiện phương pháp “Bàn tay nặn bột” và các phương pháp dạy học tích cực khác

Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2013

 

Kính gửi:

- Các sở giáo dục và đào tạo
- Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Qua kết quả Hội nghị giao ban Đề án "Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011-2015" ngày 25, 26 tháng 4 năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hướng dẫn một số nội dung tiếp tục triển khai áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột (BTNB) vào dạy học ở trường phổ thông như sau:

1. Xây dựng kế hoạch dạy học

Trên nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, các tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, xây dựng các chủ đề dạy học trong mỗi môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn, đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo phương pháp BTNB. Kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên phải được lãnh đạo nhà trường phê duyệt trước khi thực hiện và là căn cứ để thanh tra, kiểm tra.

Tùy theo điều kiện của nhà trường, mỗi tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể lựa chọn một hoặc một số chủ đề/bài học để dạy theo phương pháp BTNB trong năm học. Trên cơ sở rút kinh nghiệm và tăng cường năng lực dạy-học của giáo viên và học sinh trong những năm học trước, số chủ đề/bài học dạy theo phương pháp BTNB có thể tăng dần qua các năm.

2. Tổ chức hoạt động dạy học

Trên cơ sở kế hoạch dạy học đã được phê duyệt, tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên có thể thiết kế tiến trình dạy học cụ thể cho mỗi chủ đề mà không nhất thiết phải theo bài/tiết trong sách giáo khoa. Mỗi chủ đề có thể được thực hiện ở nhiều tiết học, mỗi tiết có thể chỉ thực hiện một hoặc một số bước trong tiến trình sư phạm của phương pháp BTNB. Các nhiệm vụ học tập có thể được thực hiện ở trong hoặc ngoài giờ trên lớp. Ngoài việc tổ chức cho học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập ở trên lớp, cần chú trọng giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ở ngoài lớp học và ở nhà.

3. Phát triển thiết bị dạy học và học liệu

Các nhà trường chủ động sửa chữa, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học, khuyến khích, hỗ trợ kinh phí và tạo các điều kiện thuận lợi khác cho giáo viên tự làm thiết bị dạy học và học liệu phục vụ dạy học. Đặc biệt, cần tập trung phát triển nguồn học liệu trên mạng để hỗ trợ học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập được giao ở ngoài lớp học và ở nhà theo phương pháp BTNB.

4. Trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục

- Các Sở GDĐT, Phòng GDĐT và nhà trường có biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên áp dụng phương pháp BTNB về thời gian chuẩn bị bài dạy, hỗ trợ kinh phí làm thiết bị dạy học và học liệu…; có hình thức động viên, khen thưởng các giáo viên tích cực áp dụng phương pháp BTNB đạt kết quả tốt.

- Tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học; kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với phương pháp BTNB, trình hiệu trưởng nhà trường phê duyệt. Nhà trường quản lý hoạt động dạy học của giáo viên trên cơ sở kế hoạch đã phê duyệt và chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá thường xuyên (đánh giá trên lớp) các hoạt động dạy học phù hợp với phương pháp BTNB nhằm góp ý, rút kinh nghiệm cho giáo viên và tập thể giáo viên.

- Các nhà trường thường xuyên chỉ đạo tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo tổ/nhóm chuyên môn thông qua dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện các chủ đề, tiến trình dạy học và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học. Nên ghi hình các tiết dạy và các buổi thảo luận/rút kinh nghiệm để làm tư liệu chia sẻ cho đông đảo giáo viên trong và ngoài trường tham khảo. Trong những năm trước mắt, chưa xếp loại giờ dạy nếu giáo viên không có nguyện vọng được xếp loại.

- Các nhà trường báo cáo Phòng GDĐT, Sở GDĐT về kế hoạch dạy học của trường mình. Các Sở GDĐT, Phòng GDĐT thanh tra, kiểm tra hành chính hoạt động dạy học có liên quan đến áp dụng phương pháp BTNB phải tôn trọng kế hoạch dạy học của tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên đã được nhà trường phê duyệt và báo cáo; chưa thanh tra, kiểm tra sư phạm khi giáo viên áp dụng phương pháp BTNB nếu giáo viên không có nguyện vọng được thanh tra, kiểm tra.

- Các Sở GDĐT, Phòng GDĐT và nhà trường tổ chức các hội nghị, hội thảo sinh hoạt chuyên môn cấp trường, cụm trường để tạo điều kiện cho giáo viên chia sẻ kinh nghiệm dạy học theo phương pháp BTNB; cập nhật thông tin, gửi tin về hoạt động của đơn vị và các tài liệu dạy học theo phương pháp BTNB trên website bantaynanbot.edu.vn.

- Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên chủ động đưa nội dung về phương pháp BTNB vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; cử và tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên tham gia các hoạt động chuyên môn về phương pháp BTNB tại các trường phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục.

Các nội dung hướng dẫn nêu trên không chỉ được áp dụng đối với phương pháp BTNB mà có thể được áp dụng cho nhiều phương pháp dạy học tích cực khác theo hướng tăng cường hoạt động nhận thức tích cực, tự học và sáng tạo của học sinh. Bộ GDĐT yêu cầu các Sở GDĐT, Phòng GDĐT và nhà trường thực hiện đầy đủ và kịp thời để việc triển khai Đề án "Triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011-2015" nói riêng và đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nói chung trong giai đoạn tiếp theo đạt kết quả tốt.

 Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có vấn đề cần trao đổi, đề nghị phản ánh kịp thời (qua Vụ Giáo dục Trung học hoặc Vụ Giáo dục Tiểu học)./.

 

 

Nơi nhận:
- Như kính gửi (để thực hiện);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Thanh tra Bộ (để thực hiện);
- Lưu VT, Vụ GDTH, GDTrH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Vinh Hiển