Công văn 3461/LĐTBXH-BTXH điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 3461/LĐTBXH-BTXH
Ngày ban hành 14/10/2011
Ngày có hiệu lực 14/10/2011
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Trọng Đàm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3461/LĐTBXH-BTXH
V/v điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2011

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21 tháng 09 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức tổng điều tra hộ nghèo trên toàn quốc phục vụ cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011 như sau:

1. Mục đích điều tra, rà soát:

1.1. Xác định và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến thời điểm cuối năm 2011, để làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo năm 2012;

1.2. Đây là cơ sở để nghiên cứu, xây dựng, ban hành các chính sách an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

2. Đối tượng, phạm vi điều tra, rà soát: toàn bộ hộ gia đình trên phạm vi cả nước.

3. Phương pháp điều tra, rà soát: kết hợp các phương pháp nhận dạng nhanh, điều tra định lượng, phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân.

4. Tiêu chí rà soát: thực hiện theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015.

5. Quy trình điều tra, rà soát tiến hành theo các bước sau:

Bước 1. Công tác chuẩn bị điều tra, rà soát:

a) Tổ chức tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2011 trên các phương tiện truyền thông;

b) Thành lập Ban chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn;

c) Xây dựng phương án, kế hoạch, lực lượng, kinh phí tổ chức điều tra, rà soát;

d) Tập huấn quy trình, công cụ cho các điều tra viên;

Bước 2. Chỉ đạo, tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo;

a) Xác định, lập danh sách các hộ thuộc diện điều tra, rà soát

a1) Xác định các hộ có nguy cơ rơi xuống nghèo, cận nghèo trong năm 2011:

- Ban chỉ đạo cấp xã: tổ chức họp với các chi hội đoàn thể, trưởng thôn/ấp, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trong năm để phát hiện những hộ kinh tế suy giảm hoặc gặp những biến cố có khả năng rơi xuống hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới di chuyển đến trong năm để đưa vào diện điều tra, rà soát.

- Sử dụng công cụ nhận dạng nhanh về tình trạng tài sản (sản xuất và sinh hoạt của hộ gia đình) để xác định chắc chắn hộ không nghèo, cận nghèo (Phụ lục số 1).

- Xem xét tình trạng tài sản của hộ gia đình thông qua số lượng và chấm điểm tài sản (Phụ lục số 3, 4):

+ Nếu có số điểm lớn hơn hoặc bằng số điểm quy định, thuộc diện hộ không nghèo, không cần điều tra thu nhập;

+ Nếu tài sản hộ gia đình có số điểm nhỏ hơn điểm quy định, điều tra viên tiến hành điều tra thu nhập của hộ gia đình (Phiếu B).

Kết quả: xác định và lập danh sách sơ bộ các hộ có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo.

a2) Xác định các hộ có khả năng thoát nghèo, cận nghèo:

Điều tra viên hướng dẫn hộ gia đình đánh giá về khả năng thoát nghèo, cận nghèo căn cứ vào các yếu tố có nguy cơ nghèo (Phụ lục số 2).

- Trường hợp có số yếu tố nguy cơ lớn hơn hoặc bằng số yếu tố quy định theo từng vùng, là hộ chắc chắn chưa thoát nghèo, không cần điều tra thu nhập;

- Trường hợp có số nguy cơ nhỏ hơn số yếu tố quy định, là hộ có khả năng thoát nghèo, điều tra viên tiến hành điều tra thu nhập của hộ gia đình (Phiếu B).

Kết quả: xác định, lập được danh sách sơ bộ các hộ có khả năng thoát nghèo.

[...]