Công văn 3428/CT-TTHT năm 2016 về chính sách thuế giá trị gia tăng hàng trả lại do không đúng quy cách do Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 3428/CT-TTHT |
Ngày ban hành | 15/04/2016 |
Ngày có hiệu lực | 15/04/2016 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Trần Thị Lệ Nga |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
TỔNG CỤC THUẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 3428/CT-TTHT |
Thành Phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 4 năm 2016 |
Kính gửi: |
Công ty TNHH Fuji Xerox Việt Nam |
Trả lời văn bản số 0103 - 2016/VAT ngày 17/03/2016 của Công ty về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT), Cục Thuế TP có ý kiến như sau:
Căn cứ Khoản 4 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về thuế GTGT:
“Các trường hợp thanh toán không dùng tiền mặt khác để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:
a) Trường hợp hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế.
...”.
Căn cứ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:
+ Tại Điểm 3 Điều 20 quy định xử lý đối với hóa đơn đã lập:
“Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giảm) số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng..., tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số..., ký hiệu... Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-)”.
+ Tại Điểm 2.8 Phụ lục 4 (Ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC) quy định lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ đối với một số trường hợp:
“Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, người bán đã xuất hóa đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hóa không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hóa, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ hàng hóa trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).
Trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn, khi trả lại hàng hóa, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hóa, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập.”.
Trường hợp Công ty theo trình bày có ký hợp đồng mua bán với khách hàng/nhà phân phối, sau khi ký hợp đồng, Công ty có chi hỗ trợ chi phí bán hàng và khi thanh toán tiền mua hàng với khách hàng/nhà phân phối thực hiện cấn trừ tiền mua hàng với khoản chi phí hỗ trợ này. Nếu phương thức thanh toán này được quy định tại hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc tại văn bản thỏa thuận giữa Công ty và khách hàng/nhà phân phối thì được xác định là thanh toán qua Ngân hàng.
Trường hợp Công ty bán hàng hóa cho khách hàng là các cơ sở kinh doanh nếu hàng hóa không đúng quy cách chất lượng... bị khách hàng trả lại thì khách hàng phải lập hóa đơn trả lại hàng hóa cho Công ty, nếu khách hàng không lập hóa đơn trả lại hàng thì Công ty không được điều chỉnh giảm doanh thu và tiền thuế GTGT đã kê khai.
Cục Thuế TP thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này./.
Nơi nhận: |
KT. CỤC TRƯỞNG |