Công văn 3242/BNN-PCTT năm 2021 triển khai sẵn sàng ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3242/BNN-PCTT
Ngày ban hành 01/06/2021
Ngày có hiệu lực 01/06/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3242/BNN-PCTT
V/v triển khai sẵn sàng ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê

Thời gian vừa qua, tình hình mưa lũ cực đoan, khó lường xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, là đất nước có hệ thống đê điều có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, đồng thời có tiềm lực về kinh tế, kỹ thuật và hệ thống hồ chứa cắt lũ với quy mô rất lớn nhưng năm 2020 đã xảy ra 21 trận lũ lớn, (gấp 1,6 lần so với trung bình nhiều năm), trong đó 33 con sông đã ghi nhận mực nước lũ lịch sử, gây vỡ đê làm ngập lụt diện rộng, ảnh hưởng hơn 70 triệu người, 219 người chết hoặc mất tích, 54.000 ngôi nhà bị sập, thiệt hại kinh tế trên 29 tỷ USD. Năm 2021, tại thời điểm hiện nay, khu vực miền Trung và miền Nam của Trung Quốc đang tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng khi lượng mưa trong những tuần gần đây đã ghi nhận ở mức cao kỷ lục làm mực nước của 71 con sông đã vượt mức báo động.

Ở nước ta, năm 2020, chỉ trong 2 tháng từ tháng 9 đến tháng 11, các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng dồn dập của 09 cơn bão, 02 áp thấp nhiệt đới và các trận lũ lớn, đặc biệt lớn xuất hiện trên 16 tuyến sông chính, 06 tuyến sông đã vượt mức nước lũ lịch sử làm 249 người chết, mất tích, 240.000 nhà bị hư hại, ước tính thiệt hại trên 36.000 tỷ đồng. Năm 2021, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 6, tháng 7, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở phía Bắc Biển Đông với xu hướng mạnh hơn, di chuyển phức tạp hơn; lượng mưa ở hầu hết các khu vực được dự báo bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Trường hợp xảy ra mưa lớn dồn dập như đang diễn ra tại Trung Quốc, nguy cơ lũ lớn trên một số lưu vực sông ở nước ta là hiện hữu, đặt ra những thách thức rất lớn cho công tác đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai.

Để chủ động ứng phó với lũ lớn có thể xảy ra ngay trong năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

1. Kiểm tra, rà soát phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, nhất là việc chuẩn bị trên thực tế theo phương châm “bốn tại chỗ”; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị theo phương án được duyệt, phân công trách nhiệm cụ thể cho tổ chức, cá nhân; trong đó lưu ý rà soát có phương án phù hợp với diễn biến, yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid trên địa bàn.

2. Xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp đối với tình huống xuất hiện lũ lớn, lũ vượt tần suất thiết kế. Có phương án sơ tán, đảm bảo an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng ở bãi sông khi xảy ra lũ lớn; xác định phương án di dân khẩn cấp trong trường hợp xảy ra lũ lớn vượt tần suất thiết kế (vượt khả năng đảm bảo chống lũ của hệ thống đê).

3. Tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều, tổ chức giải tỏa, thanh thải các bãi tập kết vật liệu, công trình, nhà xưởng trái phép ở bãi sông, lòng dẫn để đảm bảo không gian thoát lũ, chứa lũ.

4. Tổ chức lực lượng, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều. Đảm bảo thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố đê điều xảy ra (gửi về Vụ Quản lý đê điều - Tổng cục Phòng, chống thiên tai để tổng hợp, báo cáo Bộ).

5. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình lũ, bão và chủ động triển khai hiệu quả công tác hộ đê, ứng phó với lũ lớn xảy ra, đảm bảo an toàn đê điều.

6. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về nguy cơ lũ lớn đến các cấp chính quyền và người dân, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là.

7. Quan tâm bố trí kinh phí, huy động nguồn lực để xử lý cấp bách các sự cố đê điều đã xảy ra và thực hiện duy tu, tu bổ đê điều để tăng cường khả năng chống chịu với lũ lớn, dài ngày.

8. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 1819/CT-BNN-PCTT ngày 30/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống, lũ, bão năm 2021.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó TTg CP Lê Văn Thành (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- UBQG ƯPSCTT&TKCN;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, tp có đê;
- Chi cục ĐĐ&PCLB/Thủy lợi các tỉnh, tp có đê;
- Lưu: VT, PCTT.(220b)

BỘ TRƯỞNG





Lê Minh Hoan

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ